Nghe tiếng con khóc, Linh lật đật đi vào nhà, hai tay đưa ra phía trước lần mò cánh cửa phòng ngủ: "Mẹ đây, em ngủ dậy rồi à".
Trên giường, cậu con trai gần một tuổi vẫn khóc toáng. Một tay bế con, tay còn lại người phụ nữ 34 tuổi lần lần tìm trong giỏ lôi ra chiếc bỉm mới. Ở tuổi 34, Mai Thị Linh (quê xã Tà Lèng, TP Điện Biên Phủ) đã có 12 năm mất thị lực hoàn toàn. Ba năm trước, Linh cùng chồng là anh Trần Văn Thành mở một quán mát xa tẩm quất, thu nhập cũng chỉ vừa đủ với gia đình 3 người, cả vợ và chồng đều khiếm thị. Linh bảo, chỉ mong có sức khỏe, hai vợ chồng làm ăn cùng nuôi con khôn lớn. "Được thế chẳng có hạnh phúc nào sánh bằng", người phụ nữ dân tộc Mường nói.
Sinh ra bình thường, nhưng đến năm 3 tuổi, đôi mắt Mai Thị Linh cứ mờ dần, gia đình đưa đi khám mới phát hiện do thiếu vitamin A dẫn đến khô mắt. Nhà nghèo không có tiền chữa trị dứt điểm nên cô bé Linh phải sống chung với bệnh. Đến tuổi đi học, chữ trên bảng hay trong vở đều không nhìn rõ nhưng cô giáo vẫn cho đến lớp để học tiếng phổ thông và tính toán bằng miệng. Hết lớp 3, Linh nghỉ học, ở nhà chăm em và làm việc vặt giúp bố mẹ. Vài năm sau khi gia đình gom được ít tiền, cô được chữa trị trong một năm, mắt cũng dần sáng lên.
Nhưng bi kịch không chịu buông tha. Năm 18 tuổi, một lần đi lấy củi trên núi, Linh trượt chân ngã vào gốc tre nhọn, mắt phải bị vỡ rồi mù hẳn. Tai nạn khiến cô gái luôn phải nhắm cả hai mắt bởi nếu mở, ánh sáng chiếu vào khiến mắt vỡ đau nhức dữ dội. Cơn đau nhiều lúc kéo lên tận đỉnh đầu làm Linh ngất xỉu liên tục. Bố mẹ phải bán hết ruộng vườn nhà cửa để chữa trị cho con gái trong hai năm. Năm 22 tuổi, tai họa một lần nữa ập tới khi cô lại bị ngã, cắm mắt còn lại vào hàng rào nhọn. Kể từ đó, đôi mắt của cô gái dân tộc Mường hoàn toàn không còn nhìn thấy ánh sáng nữa.
Biết con suy sụp, gia đình luôn cắt cử người ở nhà để trông nom, tránh làm gì dại dột. Một lần bố mẹ đi vắng, Linh bò lên quả đồi sau nhà tìm lá ngón, hái đầy tay. Định đưa lên miệng ăn, một người bạn bất ngờ xuất hiện hét lên: "Mày chết thì bố mẹ sống sao? Ông bà đã quá vất vả rồi". Linh vứt mớ lá trên tay, dò dẫm về nhà rồi chui vào phòng khóc hết một đêm. Sáng hôm sau, cô xin bố mẹ đi làm nương để "con không ở nhà nghĩ lung tung nữa".
Theo người nhà cấy lúa, hàng lối người trước làm, Linh lần sờ để cấy theo. Khi trồng ngô, mẹ trồng cây đầu luống, cô dùng chân đo hết cán cuốc rồi trồng cây thứ hai, năng suất vì thế chỉ bằng một phần tư người bình thường. Khi đã quen với việc làm nông, cô gái tiếp tục học cách tự mình đi ra đường cái, nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa. Nhiều lần té ngã trầy xước chân tay, nhưng Linh tiếp tục đứng dậy bước đi, không khóc lóc hay than vãn.
Làm ruộng với bố mẹ được một thời gian, người chị con nhà bác thấy Linh nhanh nhẹn nên nhờ trông con. Trong 7 năm chăm trẻ nhỏ, cô có thể nấu nướng đơn giản, bế ẵm, chơi với bọn trẻ thành thạo. Năm 2017, Linh xuống Hà Nội học lớp xoa bóp bấm huyệt miễn phí dành cho người mù của một trung tâm nhân đạo với mong muốn tìm một công việc ổn định. Ở tuổi 29, cô có thể làm được nhiều thứ như người bình thường, chỉ duy nhất một điều không dám mơ là mình sẽ có một tổ ấm riêng. "Chẳng ai lấy một người vừa mù vừa yếu như mình", cô nghĩ.
Một lần tình cờ, Linh quen anh Hoàng Văn Thành, người đàn ông chỉ nhìn rõ được 7 màu cơ bản dưới ánh sáng mặt trời, còn dưới ánh đèn, chỉ phân biệt được màu trắng đen. Được 2 tháng, Thành khi đó đang làm mát xa ở Vĩnh Phúc bắt xe xuống Hà Nội thăm Linh. Thành chia sẻ ý tưởng mở một cơ sở tẩm quất riêng tại quê nhà và rủ Linh về làm cùng.
Tháng 3/2017, hai người góp vốn mở cơ sở tại xã Kim Long, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc. Số vốn ít ỏi, không có tiền mua điều hòa nên họ thường đóng cửa vào buổi trưa nắng nóng và làm vào ban đêm, tới 1-2h sáng. Sau 2 tháng công việc dần ổn định, Thành bất ngờ ngỏ lời: "Chúng mình cùng hoàn cảnh, sẽ cảm thông được cho nhau. Mai anh xin phép bố mẹ nhé". Nhận được cái gật đầu, họ làm mâm cơm ra mắt gia đình, không tổ chức đám cưới. "Quan trọng là sống với nhau hạnh phúc, câu nệ gì đám cưới", Linh động viên chồng khi anh liên tục xin lỗi vì không cho cô một đám cưới đúng nghĩa.
Được vài tháng Linh mang bầu. Do làm việc vất vả, thức khuya dậy sớm nên cô sinh non ở tuần 27, em bé chỉ nặng 600 gram. Trong nửa năm tiếp theo, gửi con tại viện để nuôi với chế độ đặc biệt, hai vợ chồng lại dắt díu nhau về quê làm việc kiếm tiền duy trì cuộc sống. Mỗi tuần vài bận họ lại bắt xe, vượt hơn 60 km từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội thăm con. Nhìn được lờ mờ, nên Thành thường dắt vợ ra bến xe rồi nhờ người bắt xe giúp, đến viện thì bác sĩ dắt vào. Được nửa năm, bé mất, một lần nữa Linh suy sụp. Cô bỏ ăn, không ngủ, suốt ngày ngồi khóc.
Con mất được 2 tháng, tình cờ Thành đọc được thông tin về đám cưới tập thể dành cho người khuyết tật được tổ chức vào tháng 6/2018, anh đăng ký với mong muốn làm vợ vui. Vào ngày cưới cùng hàng chục cặp đôi hôm đó, lần đầu tiên Linh được đánh môi son và mặc áo cô dâu. Còn Thành cũng lần đầu biết đeo cà vạt và đi giày tây. Họ còn được chụp một bộ ảnh cưới, điều mà cả hai chẳng dám mơ tới. "Chúng mình cuối cùng cũng có được một đám cưới thực sự", mắt họ rưng rưng nhìn nhau khi nói lời nguyện ước.
Sau đám cưới không lâu, Linh có bầu lần hai. Để con sinh ra được khỏe mạnh, cuối tháng, hai vợ chồng lại dắt tay nhau bắt xe bus lên Hà Nội khám thai. Chồng mò mẫm đi trước, nắm chặt tay vợ theo sau không rời. Thành cũng học cách chăm vợ khi mua sữa và nấu những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, việc mà họ không có điều kiện thực hiện khi mang bầu lần đầu. Để đảm bảo sức khỏe, cả hai không làm việc đến 1-2h sáng như trước mà thường kết thúc lúc 12h, dù nhiều lần vẫn có khách yêu cầu phục vụ.
Cuối năm 2019, một bé trai đủ ngày đủ tháng nặng 3 kg ra đời trong niềm vui khôn xiết của cặp vợ chồng khiếm thị. Lúc y tá bế đứa con đỏ hỏn đến đặt vào tay, Linh ngập ngừng sờ nắn. Đôi bàn tay chai sạn khựng lại trước sinh linh bé nhỏ đang cựa quậy, vui sướng khi con lành lặn với đôi mắt sáng.
Từ khi có con, cuộc sống của người mẹ mù thay đổi hoàn toàn. Cô bận rộn với việc bỉm sữa, ăn uống, tắm rửa cho con... tay chân không ngừng nghỉ. Công việc cửa hàng cũng nhiều lên, thu nhập tăng và nợ nần trước đó được trả hết. Dù không biết mặt mũi nhưng hàng ngày được sờ nắn chân tay, thấy con lớn lên, niềm vui của người phụ nữ này cũng lớn dần. "Giờ chắc tôi hết khổ rồi", Linh nói, miệng cười tươi, hướng ánh mắt vô định vào nơi có tiếng con trai đang đòi mẹ bế.
Hải Hiền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét