'24h trên phố' với trẻ lang thang

Hà NộiKhi được phát hiện, Giàng A Trình đang ngủ trong một bốt bảo vệ bỏ hoang trên đường Thụy Khuê. Cậu rất sợ và không tin là có người giúp mình.

"Anh nhân viên công viên tác xã hội là người Sơn La. Lúc đó em sợ nhưng nghĩ người cùng quê chắc không lừa mình đâu", Giàng A Trình nhớ lại đêm mưa hai năm trước khi được Blue Dragon - Tổ chức Rồng Xanh, chuyên giải cứu trẻ em đường phố giúp đỡ - chấm dứt những năm sống lang thang trên phố của cậu.

Trình đến từ một bản vùng cao Sơn La. Năm 2014, cậu bé 10 tuổi theo bố xuống Hà Nội làm phụ hồ. Bố Trình nghiện hút và bị mẹ bỏ. Em trai cậu được bác đón lên Điện Biên nuôi. "Bốn năm trước bố bảo em lớn rồi, tự lo cho mình đi, thế là em lang thang", cậu bé hiện 16 tuổi kể.

Em Giàng A Trình (tên nhân vật đã thay đổi) kể lại câu chuyện của mình qua những bức ảnh tự chụp. Em mong ước sau này có việc làm ổn định sẽ đón em trai về chăm sóc. Ảnh: Phan Dương.

Em Giàng A Trình (tên nhân vật đã thay đổi) kể lại câu chuyện của mình qua những bức ảnh tự chụp. Em mong ước sau này có việc làm ổn định sẽ đón em trai về chăm sóc. Ảnh: Phan Dương.

Từ đó cậu thường ở khu vực Thụy Khuê, Tây Hồ, nhặt đồ thừa trong thùng rác để ăn, miễn đỡ đói. Chỗ ngủ của cậu là bốt bảo vệ bỏ hoang. Hôm nào trời không mưa, Trình ngủ ghế đá.

Khi được cứu giúp, Trình chưa quen nên rất sợ. Dần dần, sự quan tâm và chăm sóc của các nhân viên công tác xã hội khiến Trình tin tưởng. Ở đây cậu có bạn bè và được học hỏi, thay đổi thói xấu nói tục, chửi thể. "Bỏ học 9 năm nay được đi học lại em rất vui", Trình, hiện học lớp 3, chia sẻ.

Nhiều bạn khác chọn học nghề pha chế, chỉnh sửa ảnh, Trình là số ít chọn học nấu ăn. Cậu vẫn nhớ mãi ngày trước hay bị mẹ hay mắng lười, sẽ không làm nên cơm cháo gì được. "Mẹ bảo em không biết nấu ăn không thành trụ cột gia đình được. Em cũng muốn có một gia đình nên em chọn học nấu ăn", Trình chia sẻ.

Mới đi học được 3 tháng, giờ Trình đã nấu được rất nhiều món và khoe đã tìm thấy đam mê của mình. Song song đi học văn hóa và nấu ăn, Trình còn phụ bếp trong Blue Dragon và giúp đỡ các bạn mới vào.

Chuyện của Giàng A Trình là một trong hơn 20 câu chuyện về trẻ em lang thang đang được trưng bày trong triển lãm "24 giờ trên phố", tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội).

Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, hiện có khoảng 2,8 triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, gồm trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, trẻ lang thang... Trong đó trẻ em lang thang phải đối mặt nhiều cạm bẫy. "Các em thường xuyên phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội như bạo lực gia đình, xâm hại, bóc lột sức lao động, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ trú ẩn an toàn... gây nên những tổn thương tâm lý và thể chất lâu dài", anh Dỗ Duy Vị, lãnh đạo chương trình "Bước tiến" của Blue Dragon chia sẻ.

Hơn hai mươi câu chuyện đang trưng bày được chính những đứa trẻ lang thang chụp lại cuộc sống trước đây của mình. Bức ảnh một cậu bé xì xụp bát mì khiến nhiều người khựng lại. "Em chụp ảnh ăn bát mì này vì em không thể quên ngày đầu tiên đến nhà tạm lánh đã được ăn. Nhờ bát mì đó em sống tới bây giờ", Mai Anh Tài, 13 tuổi, quê Bắc Kạn, chia sẻ.

Tài sinh ra nhưng không biết bố là ai, mẹ bỏ đi khi mới được vài tháng tuổi, em sống cùng ông bà ngoại và cậu ruột. Thế nhưng cậu nóng tính, cứ uống rượu xong là đánh. Ông bà cũng cứ uống rượu xong là chửi. "Sau đó em bỏ nhà đi lang thang", Tài chia sẻ. Cậu bé đi qua nhiều tỉnh thành và lưu lạc đến Hà Nội. Tại đây em được giúp đỡ cho đi học nghề. Tài khoe em thích các môn thể thao.

Tài nói bát mì đã cứu sống được đời em và mang cho em một ngả rẽ mới tốt đẹp.

Tài nói bát mì đã cứu sống được đời em và mang cho em một ngả rẽ mới tốt đẹp.

Cậu bé Phan Ninh, ở Hòa Bình, đã chọn bỏ nhà đi khi phải lớn lên trong một gia đình có bố nghiện hút, mẹ lấy chồng mới, cậu không hợp với bố dượng. Ra Hà Nội, Ninh sống vạ vật trên phố, ngủ dưới gầm cầu Chương Dương.

Một lần cậu mệt quá ngủ vạ vật trước một quán ăn trên phố Hàng Thùng. Chủ quán thương đã nhận vào làm phục vụ bàn. Sau này Ninh được Blue Dragon giúp, có bạn thân chơi và được học nghề chụp ảnh.

Mùa đông này cô bé Thúy và bà nội không còn phải ở túp lều tạm bên bờ sông nữa. Mẹ bỏ đi từ khi Thúy còn đỏ hỏn, bố bị ung thư qua đời năm Thúy mới 4 tuổi. Không có tiền thuê nhà trọ, bà nội dựng một túp lều bên bờ sông, nhặt ve chai nuôi Thúy. Nhưng tuổi bà ngày càng cao, mưu sinh ngày càng khó.

May mắn gần đây hai bà cháu được phát hiện và giúp đỡ. Bà của Thúy mở được một quán nước và em được tiếp tục đi học. "Em được tham gia lớp học 'tự tin tỏa sáng cho trẻ nữ' và thấy mình tự tin hơn sau khoá học. Em còn học võ để bảo vệ mình", cô bé 9 tuổi khoe.

Trước đây Thúy và bà nội dựng lều cạnh bờ sông ở quận Đống Đa.

Trước đây Thúy và bà nội dựng lều cạnh bờ sông ở quận Đống Đa.

Anh Đỗ Duy Vị chia sẻ thêm, Covid-19 khiến nhiều người lao động tự do giảm thu nhập, mất việc, gây ra áp lực kinh tế, bạo hành gia đình và lượng trẻ em trên phố tăng lên thấy rõ. Blue Dragon đã giúp đỡ nhiều trẻ em đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc và nhiều trẻ trên địa bàn Hà Nội, vốn trước đây không lang thang nhưng vì Covid-19 mà trở thành trẻ đường phố. "Trong 10 tháng qua chúng tôi đã giúp đỡ được trên 150 em", anh Vị cho biết.

Triển lãm không chỉ phản ánh những góc khuất đầy nguy cơ mà trẻ em đường phố gặp phải, đồng thời cũng cho thấy có những ước mơ đang được chắp cánh. "Triển lãm giúp chúng ta thêm hiểu và cảm thông cho những số phận thiệt thòi của các em và thấy được vai trò của mình trong việc nuôi dạy, giúp đỡ trẻ, để trẻ cảm thấy an toàn trong chính gia đình và cộng đồng", chị Nguyễn Thị Tuyết, Phó giám đốc bảo tàng, trưởng nhóm nghiên cứu thực hiện triển lãm, chia sẻ.

Xem thêm ảnh triển lãm "24h trên phố".

Phan Dương

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét