Ảnh hưởng của người cha với sự trưởng thành của trẻ là rất sâu sắc. Người cha tốt sẽ giúp đứa trẻ tiến xa trong cuộc đời, nhưng có 4 kiểu cha không có lợi cho trẻ.
Những ông bố 'vắng mặt' trong tuổi thơ của con
Họ là những ông bố vẫn ở cùng nhà, thậm chí cùng ăn tối hàng ngày với con cái nhưng hoàn toàn "vắng mặt" trong việc lớn lên cùng con. Ở Trung Quốc gần đây ra đời khái niệm "giáo dục góa" nhằm chỉ sự thờ ơ của người cha trong việc nuôi dạy con.
Trong quá trình trưởng thành của nhiều đứa trẻ, bố luôn là "người vô hình", ít tương tác, giao tiếp. Những người đàn ông này nghĩ rằng việc nuôi dạy con là trách nhiệm của người mẹ, những gì họ cần làm là kiếm tiền để tạo điều kiện kinh tế tốt nhất cho trẻ.
Người cha có lợi thế trong việc trau dồi nhận thức về quy tắc, giới tính, tinh thần trách nhiệm, lòng dũng cảm, sự kiên trì cũng như những phẩm chất tốt đẹp khác. Sự vắng mặt của người cha có thể khiến trẻ lạc lối trong quá trình tăng trưởng như: con trai thiếu nam tính và con gái không biết cách hòa hợp với người khác giới. Những đứa trẻ luôn có bố đồng hành cũng sẽ có trí tuệ cảm xúc và óc sáng tạo cao hơn những đứa trẻ nhận sự thờ ơ của bố.
Nhà thơ, triết gia nổi tiếng người Đức- Schiller từng nói: "Tình cảm cha con nằm ở trái tim chứ không phải quan hệ ruột thịt". Một người cha hết lòng vì gia đình sẽ không bao giờ lấy cớ bận rộn và thiếu thời gian để đồng hành cùng con.
Những ông bố hay gắt gỏng
Trong cuộc sống, không ít ông bố gặp phiền phức trong công việc, về nhà thấy con không nghe lời sẽ dễ dàng "tẩu hỏa nhập ma".
Tính khí không tốt của người cha không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sự phát triển tính cách của trẻ mà còn dễ phá hủy sự hòa thuận, êm ấm của gia đình, làm tổn thương tình cảm vợ chồng, cha mẹ và con cái. Một người cha nóng tính cũng sẽ phá hủy cảm giác an toàn và sự tự tin của trẻ, đồng thời sẽ "lây nhiễm" tính khí xấu cho trẻ.
Mất bình tĩnh sẽ không giải quyết được vấn đề, dù có chuyện lớn đến đâu cũng phải học cách kiềm chế cảm xúc. Đối xử tốt với người trong gia đình và hòa nhã với người khác luôn là bí quyết giữ gìn hạnh phúc, thành công của người đàn ông trưởng thành.
Bố nghiện điện thoại di động
Trong một chương trình truyền hình ở Bắc Kinh, một cậu bé 7 tuổi buồn rầu nói với người dẫn chương trình: "Bố yêu điện thoại di động hơn con". Cậu bé này sau đó giải thích rằng, mỗi lần rủ bố chơi cùng, ông đều nói đợi một lúc rồi lại cắm mặt vào điện thoại di động.
"Bố yêu cầu cháu đợi nhưng đợi mãi mà bố vẫn chỉ nhìn vào điện thoại. Điều đó có nghĩa bố ghét cháu và không muốn chơi với cháu". Trong ấn tượng của cậu bé này, người bố chỉ nắm tay cậu 2 lần từ bé tới giờ. "Nhưng tay ông thật ấm", cậu bé nói. Người bố ngồi trên khán đài khuôn mặt ửng đỏ vì xấu hổ và hứa sẽ dành nhiều thời gian cho con hơn.
Ngoài đời, có rất nhiều ông bố mải mê với điện thoại mà bỏ quên con cái như người đàn ông trên. Nếu người cha luôn chú ý đến điện thoại dần dần, trẻ bắt đầu nghi ngờ và phủ nhận giá trị tồn tại của bản thân. Một khi ý thức thấp về giá trị, trẻ sẽ trở nên tự ti và mặc cảm.
Hơn nữa, bố mải mê sử dụng điện thoại di động cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến con cái. Những đứa trẻ cũng bắt đầu quan tâm đến điện thoại di động và phát triển thói quen xấu là nghịch điện thoại giống như cha của chúng.
Một người cha có trách nhiệm với con cái nên biết cách nhìn nhận lại hành vi và không ngừng hoàn thiện bản thân. Chơi với điện thoại di động không phải xấu, nhưng cần có chừng mực và không nên nghịch điện thoại trước mặt trẻ. Nên dành nhiều thời gian hơn cho con như tham gia các hoạt động ngoài trời, đọc sách, chơi Lego, các trò chơi cha mẹ - con cái, chạy và leo núi...
Bố không quan tâm tới mẹ
Có một câu hỏi trên trang hỏi đáp lớn nhất Zhihu của Trung Quốc: "Nếu có một từ miêu tả về bố thì đó là từ gì". Câu trả lời nhận được nhiều nhất chính là "Tình cha như núi"- có nghĩa rằng dù mẹ bận rộn đến đâu, bố vẫn luôn vững như núi, ngồi bất động và không làm gì. Đây quả thực là vấn đề của nhiều gia đình.
Ở nhà, mẹ luôn là người bận rộn nhất khi vẫn phải cơm nước, lo lắng bài vở cho con, còn phải nấu nướng, giặt giũ, đối nội đối ngoại. Về phần bố, họ vẫn lười biếng ngồi trên ghế sofa xem tivi, chơi điện thoại và ngủ.
Một người bố luôn lấy công việc bận rộn làm cái cớ để "trốn" việc gia đình và chăm sóc con cái sẽ "sinh ra" một người vợ luôn lo lắng và tiêu cực. Người mẹ vô thức sẽ truyền năng lượng xấu tới trẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính cách cũng như việc học hành của trẻ sau này.
Nhà tâm lý học Winnicott từng nói: "Trong gia đình, cần có những người cha để làm cho người mẹ cảm thấy thoải mái về thể chất và hạnh phúc về tình cảm". Cha quan tâm và chăm sóc mẹ sẽ nuôi dưỡng tâm hồn và tình cảm của trẻ, khiến chúng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Đồng thời, người mẹ sẽ dành lại tình yêu thương này cho chồng và con cái họ.
Tình cảm vợ chồng hòa thuận, quan hệ cha mẹ con cái tốt đẹp thì cả gia đình sẽ tràn đầy hạnh phúc. Bố yêu và quan tâm tới mẹ chính là món quà tuyệt vời nhất dành cho con. Trái tim trẻ sẽ an toàn, hạnh phúc, tự tin hơn và lạc quan hơn.
Vy Trang (Theo sina)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét