MỹBà mẹ 4 con Mary Pflum Peterson cho biết vài tuần cách ly không hề dễ dàng, thậm chí có nhiều lúc đáng sợ. Tuy nhiên, nó cũng thật sự ý nghĩa.
Mary Pflum Peterson - nhà báo đồng thời là một bà mẹ có bốn con từ 7 đến 13 tuổi, vừa bình phục sau khi mắc Covid-19. Chị kể lại những trải nghiệm của bản thân trong thời gian nằm tại nhà, cách ly với chồng, con và trị bệnh.
"Lúc các bác sĩ nói tôi bị nhiễm virus và bị sốt sau khi tiếp xúc với những người dương tính tôi không lo lắng cho bản thân. Tôi nghĩ về chồng và các con", Mary kể.
"Tôi có thể làm gì để gia đình không bị lây bệnh?", cô hỏi bác sĩ.
"Cô có 4 đứa con? Cô đã cách ly trong một căn hộ ở New York? Dù chúng có ở cách mẹ 6 feet (khoảng 2 mét) hoặc cách nhiều phòng, chúng cũng có thể đã bị phơi nhiễm", bác sĩ nói.
"Vậy tôi phải làm gì?", Mary bật khóc.
"Cô hãy làm những gì có thể. Cô hãy chấp nhận điều đó", bác sĩ trả lời.
Mary cho rằng đó là lời khuyên tốt nhất cô nhận được kể từ khi biết mình có nguy cơ nhiễm bệnh. Cô cũng coi đây là một trong những bí quyết nuôi dạy con tốt nhất từng được nghe.
Gia đình nữ nhà báo không có nhà ở nông thôn để cách ly riêng. Họ cũng không có người thân nào khác trong thành phố để gửi con. Và theo bác sĩ, ngay cả khi có người trông thì cũng không nên gửi bởi lũ trẻ đã tiếp xúc với mẹ thời gian dài trước khi cô được phát hiện nhiễm nCoV.
Vì vậy, gia đình Mary quyết định làm theo lời khuyên của bác sĩ. "Tôi tự cách ly mình trong một phòng ngủ và phòng tắm ở góc nhà. Chồng và các con ở phần còn lại. Sau đó chúng tôi chấp nhận và cùng cố gắng", cô cho biết.
"Chúng tôi học được cách tạo ra khoảng trống trong những không gian nhỏ nhất. Căn hộ của chúng tôi chỉ rộng 130 mét vuông. Tuy nhiên, những đứa trẻ biết tìm những ngóc ngách cách xa mẹ, dựng pháo đài trên giường tầng, hoặc dựng lều trong phòng khách, nơi cho chúng khoảng trống để thoải mái trong không gian được chỉ định, còn tôi có không gian trong phòng của tôi", cô kể.
Những đứa trẻ đã học được giá trị của việc sống chậm. Mary đã sống chậm lại vài tuần qua và giờ nhận ra những đứa trẻ cũng cần phải chậm lại. Giống như rất nhiều gia đình, nhà Mary đã từng có nhịp sống hối hả "với tốc độ 100 dặm một giờ". Các con họ tham gia "hàng tỷ" hoạt động, từ bóng đá đến các ban nhạc hay diễn kịch.
Bây giờ, trong hoàn cảnh cách ly và mẹ bị bệnh, tất cả những hoạt động đó đã chấm dứt. Lũ trẻ dừng lại, đứng yên và ngủ trưa. Chúng khám phá búp bê, các bộ đồ xếp hình.
Bốn đứa con của Mary đột nhiên biến thành bác sĩ nhí. Chúng học cách sử dụng nhiệt kế, tự đo thân nhiệt cho chính mình và đo cho nhau hàng ngày. Chúng biết ở mức bao nhiêu là sốt.
Và những đứa trẻ bỗng nhiên thành những nhà khoa học yêu thích thí nghiệm. Chúng biến mẹ thành "chuột bạch". Khi Mary không còn ngửi thấy mùi dầu gội hay khăn lau khử trùng vì bị mất khứu giác - một trong những triệu chứng của người đã nhiễm nCoV - bọn trẻ rất thích thú. Chúng thậm chí tỏ ra tò mò là liệu có phải mẹ chúng sẽ không còn phát hiện được chúng chưa rửa tay hay không.
Sau đó, khi mẹ mất vị giác - một triệu chứng khác của nCoV – bọn trẻ làm đủ kiểu "thí nghiệm". Biết mẹ không thích tương ớt, chúng đã "sáng tác" một loạt các món ăn có tương ớt, sau đó theo dõi mẹ ăn từ xa. Cuối cùng chúng còn làm món có tương ớt bên trong. Khi mẹ ăn hết và chẳng cảm thấy gì, chúng cười phá lên sung sướng.
Tuy nhiên, bên cạnh những khoảnh khắc vui vẻ đó, có những giọt nước mắt. Một hôm, khi cơn đau ngực tăng lên và khó thở, Mary sợ hãi gọi bác sĩ. Cô được kiểm tra qua điện thoại, sau đó bác sĩ ghé qua kê cho đơn thuốc kháng sinh mạnh. Những chỉ dẫn của bác sĩ chỉ giúp cô bình tĩnh đôi chút.
"Và tôi sợ sẽ khiến các con sợ hãi. Nếu có lúc nào đó buồn, chính là bây giờ. Thế giới của chúng ta đang bị tổn thương. Thành phố của chúng ta đang bị tổn thương", cô nói.
Theo Mary, đại dịch này đã dạy cho những đứa trẻ rằng chúng đang lớn lên trong một thế giới có nhiều nỗi đau và sợ hãi. Thay vì giả vờ không hề có điều đó hoặc phớt lờ, chúng ta nên cùng nhau vượt qua nỗi đau. Và những đứa trẻ đã học được nhiều điều có giá trị từ đó. Bây giờ, chúng biết mục tiêu của thời gian thử thách không phải là tránh đau đớn và sợ hãi. Chúng đã học được cách tốt nhất là giải quyết nỗi đau và những cảm xúc tiêu cực. Sau đó, chìa khóa là tiếp tục hướng về phía trước.
"Từ việc theo dõi những câu chuyện tin tức khủng khiếp về Covid-19, từ việc xem tỷ lệ tử vong ngày càng tăng, từ việc ngày càng nhận ra rằng thường chưa biết lý do khi một số bệnh nhân bị bệnh nặng trong khi những người khác thì không, chúng tôi biết thật may mắn khi được cách ly tại nhà", bà mẹ bốn con cho biết.
Khi chỉ số oxy hàng ngày của Peterson tăng dần đến hơn 90, Peterson càng thấy thật may mắn.
"Sau gần ba tuần, khi cơn ớn lạnh, đau đớn và kiệt sức cùng cực đã lắng xuống, vị giác quay trở lại, đó là lý do để thực sự ăn mừng. Tôi vẫn chưa ngửi thấy gì. Tôi vẫn chưa thể la mắng bọn trẻ, ngay cả khi chúng đã làm điều gì đó thực sự nghịch ngợm, vì tôi không có hơi để la hét và chúng thích điều đó", cô nói.
Peterson cho biết gia đình cô thực sự rất biết ơn vì đã tai qua nạn khỏi. Họ không còn lo lắng về những thứ họ không thể có vì đại dịch như mùa bóng đá bị hủy bỏ hoặc kỳ nghỉ bị hoãn. Họ không còn phàn nàn về việc sống trong không gian chật chội hoặc có quá nhiều bài tập phải làm.
Ánh Dương (Theo Washington Post)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét