MỹJennifer Laubach chuyển dạ khi cả hai vợ chồng đang phải chịu sự hành hạ của nCoV. Khi lái xe đến viện, cô còn tưởng, đây là lần cuối cùng được thấy chồng.
Nghe vợ thông báo chuyển dạ dù còn 8 tuần nữa mới đến ngày dự sinh, khi Andre Laubach vẫn vội vã chạy lên tầng lấy túi đồ đi viện cho vợ. Khi trở lại, anh gần như kiệt sức. Liên tiếp những cơn ho dữ dội, Andre thở hổn hển và không thể nói, vì thế, vợ anh đã tự lái xe đến viện, để chồng ngồi ghế sau. Nhưng trong khi lái xe qua khu phố Clarkston, họ nhận được cuộc gọi từ bác sĩ báo tin: người chồng đã có kết quả dương tính với nCoV và không thể tới viện.
Jennifer đành phải cho xe quay lại. "Khi đưa anh ấy trở về nhà, tôi đã lo lắng rằng mình có thể không gặp lại chồng nữa. Tôi đã sợ rằng anh ấy sẽ chết cô độc trong giấc ngủ, chỉ có một mình", người vợ hồi tưởng. Khi chồng rời khỏi xe, cô đã nói: "Em yêu anh". Người chồng mệt tới mức chỉ có thể gật đầu.
Nhà Laubach nằm trong số 37.000 người Michigan bị nhiễm Covid-19, căn bệnh làm khổ hơn 1 triệu người Mỹ và giết chết hơn 53.000 người. Câu chuyện của họ thực sự là một cuộc chiến sinh tồn. Andre Laubach - một luật sư 36 tuổi, đã bỏ lỡ sự ra đời của hai đứa con anh, cặp song sinh Mitchell và Maksim, hôm 3/4.
Sau ba tuần được các bác sĩ và y tá chăm sóc, bé Mitchell cuối cùng đã về nhà. Cậu em trai Maksim vẫn phải ở lại bệnh viện khoảng 3 tới 5 ngày sau đó, do vấn đề về phổi.
Nhà Laubach giờ đây chia sẻ câu chuyện của họ, nhằm góp thêm một thông điệp nữa tới mọi người về mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Virus đã khiến người mẹ chuyển dạ sớm và suýt nữa cướp đi mạng sống của người cha.
"Tôi muốn mọi người hiểu rằng họ cần phải nhìn nhận loại virus này một cách thật nghiêm túc. Jennifer Laubach, 36 tuổi, người quản lý một công ty xây dựng đã vô cùng thất vọng trước những bình luận trên mạng xã hội rằng loại virus này không phải là vấn đề gì to tát", cô nói.
Sau khi vợ đến viện, Andre Laubach về nhà và nằm bẹp. Tâm trí anh chạy đua với những luồng suy nghĩ chồng chéo. "Tôi biết rằng mình sẽ bỏ lỡ cơ hội chứng kiến sự ra đời của những đứa con. Nhưng tôi đang bên bờ vực cái chết", Andre kể lại. Là người có tiền sử hen suyễn, vị luật sư đã chật vật để thở giữa những cơn ho dữ dội.
Trước thời khắc trọng đại này, anh đã ốm suốt chín ngày trước đó, chiến đấu với những cơn ho, sự mệt mỏi và chóng mặt. Vợ anh cũng bị ho, khó thở và tiêu chảy. Cả hai không bị sốt, dù có những biểu hiện rất điển hình của người nhiễm nCoV. Vợ anh sau đó đã gọi cho bác sĩ của gia đình để được xét nghiệm.
Một ngày sau sinh nhật Andre, hai vợ chồng được xét nghiệm virus nCoV. Đến tối, họ đã ở phòng cấp cứu. Andre Laubach ho liên tục gần hai tiếng đồng hồ và không thể nào thở. Tuy nhiên, tại bệnh viện McLaren, nồng độ oxy trong máu của anh cao và không bị sốt. Vì vậy, họ đã cho anh về nhà, với các loại thuốc điều trị hen suyễn.
Càng ngày, Andre càng ho dữ dội hơn, nhiều đến nỗi nôn mửa. Một đêm, anh ho liên tục 5 giờ đồng hồ, thậm chí nghĩ rằng mình đã bị rách cơ bụng. Đến khoảng 7h sáng, anh mới ngủ thiếp đi.
4 tiếng sau đó, vợ anh đánh thức chồng dậy, cô nói: "Em vỡ ối rồi".
Jennifer Laubach vẫn luôn bình tĩnh. Cô ngồi chờ đợi, trong khi chồng gọi cho bệnh viện Troy Beaumont và nói rằng họ đang trên đường tới đó, kèm theo đó là việc họ có thể đang nhiễm nCoV.
Sau đó, anh chạy lên lầu để lấy túi đồ đi sinh cho vợ. Tuy nhiên, khi đang xuống cầu thang, cơn ho lại tiếp tục. "Tôi ho dữ dội, ho đến hoa cả mắt. Tôi ngồi xuống ghế, không thể nào nói được. Jen hỏi tôi: Anh có thể đi không? Anh có lái xe được không? Tôi hiểu rằng mình không thể, nhưng không thể nói với cô ấy như vậy. Lái xe đưa vợ đi sinh là trách nhiệm của tôi, nhất là lúc cô ấy đang chuẩn bị lâm bồn", Andre kể.
Nhưng người vợ hiểu tình trạng của chồng.
"Điều đó thực sự đau lòng. Anh ấy nhìn vào tôi, thậm chí còn không thể nói chuyện. Ánh nhìn của anh ấy nói với tôi tất cả", Jen tâm sự.
Sau khi vợ tới bệnh viện an toàn, cô lập tức gọi cho chồng giục anh gọi cứu hộ 911. Khi xe cứu thương đến nhà, họ kiểm tra lượng oxy trong cơ thể Andre và nói rằng chỉ số vẫn rất tốt. Họ nói anh chưa cần thiết phải nhập viện, có những người khác cần giường bệnh hơn. Sau đó, những nhân viên cấp cứu rời đi.
Đêm đó, Andre Laubach đã mở khóa cửa trước, với suy nghĩ rằng anh có thể "không lết ra được đến cửa".
"Chỉ có tôi, con virus và những con mèo. Khi xe cứu thương rời đi, tôi đã nghĩ ngợi rất nhiều. Tôi nghĩ về cặp song sinh của mình, chúng chuẩn bị chào đời. Tôi đơn độc, không có bác sĩ. Vợ tôi thì đang ở viện. Điều đó thật đáng sợ". Tuy nhiên, anh đã vượt qua được đêm đó.
Từ nhà đến viện Troy Beaumont mất khoảng nửa giờ đồng hồ lái xe. Khi Jennifer Laubach đến, mọi thứ trở nên rối loạn. "Họ không biết phải làm gì với tôi", cô giải thích vì bệnh viện biết rằng chồng cô dương tính với nCoV và bản thân cô cũng được liệt vào danh sách "có thể nhiễm virus".
Xét nghiệm đầu tiên của Jennifer có kết quả âm tính (xét nghiệm thứ hai sau sinh có kết quả dương tính), dù bệnh viện đã thấy được các triệu chứng của cô: ho, khó thở, ớn lạnh... Khi đến viện, cô phải ngồi xe lăn ở phòng cấp cứu khoảng nửa giờ, trong khi các nhân viên y tế tìm phòng cho cô. Lúc này tại viện dấy lên nỗi lo ngại về việc Jennifer có thể lây nhiễm cho các bà mẹ đang mang thai, hoặc trẻ sơ sinh khác. Cuối cùng, họ đã dành cho cô một phòng áp lực âm được chỉ định cho bệnh nhân Covid-19.
"Tối hôm đó, tôi đã cầu nguyện: Làm ơn hãy cho con sống sót qua giai đoạn này", Jennifer hồi tưởng lại, khi đó cô đang rất lo lắng cho người chồng ở nhà. Cô cũng nghĩ về việc mình đã khó khăn như thế nào để có thai. Cô bị chứng ít trứng và phải sử dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo. Hai đứa bé là "những món quà kỳ diệu" của vợ chồng cô.
5 giờ sáng hôm sau, Jennifer nhắn cho chồng: "Chúng ta chuẩn bị có em bé rồi".
Mặc dù vượt cạn một mình, Jennifer nhớ lại cách mà các nhân viên y tế đã động viên cô. Một y tá tên Onn đã nắm tay cô, khi cô nhăn mặt vì đau đớn. "Cô ấy là thiên thần của tôi, ngôi sao của tôi", Jennifer nhắc về Onn.
5 giờ kể từ sau cơn gò đầu tiên, cặp song sinh chào đời. Mitchell được sinh lúc 9h41, và Maksim lúc 9h51. Jennifer không được bế con, các bác sĩ đã đưa hai bé đi để làm vệ sinh và tránh lây nhiễm. "Họ đã thay tôi chăm sóc hai đứa trẻ. Hai đứa bé thực sự đáng yêu". Cô đã chụp ảnh hai đứa trẻ và gửi cho chồng.
"Đó thực sự là một điều khó tin và siêu thực", Andre nhớ lại. "Thật tuyệt khi thấy các con, biết rằng chúng ổn. Cả hai đều khỏe mạnh, Jen thì ngập tràn hạnh phúc".
Andre vẫn vô cùng day dứt vì đã bỏ lỡ thời khắc vợ vượt cạn. Nhưng anh vẫn ốm, vẫn phải cố gắng để phục hồi. Vì thế, bức ảnh của hai con có ý nghĩa rất lớn với anh: "Điều đó cho tôi động lực chiến đấu lại virus. Tôi nhìn những bức ảnh và nghĩ, hãy cố gắng vượt qua thử thách này, mình còn có những đứa con phải chăm sóc".
Vợ chồng Laubach đã phải chờ đợi ba tuần, trước khi họ có thể gặp các con của mình - những đứa bé không thể về nhà ngay lập tức vì sinh non và cần được chăm sóc thêm.
Cặp vợ chồng cũng tham gia một khóa học ngắn tại viện để chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà. Quãng thời gian ba tuần chờ đợi cũng giúp cho họ có cơ hội sắp đặt phòng trẻ - điều mà họ chưa kịp làm trước đó.
Những điều tồi tệ đã lùi lại phía sau và giờ là thời gian cho gia đình: "Andre đã dựa vào việc gặp các con, nuôi nấng các con để chiến đấu chống lại virus. Để gia đình chúng tôi đã có thể đoàn tụ", người vợ nói.
Còn Andre Laubach, anh nói sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc đành để vợ tự lái xe đến viện: "Jen đã lái xe nửa giờ đồng hồ sau khi vỡ ối, với ý nghĩ rằng tôi có thể sắp chết vì nCoV, và sau đó sinh hai đứa trẻ mà không có chồng ở bên. Cô ấy thực sự cứng rắn".
Anh cũng nói, trải nghiệm dạy cho anh một bài học giá trị: "Đừng xem nhẹ những khoảnh khắc bạn có với người bạn yêu thương. Hãy trân trọng mỗi ngày mà bạn có".
Thùy Linh (Theo USA Today)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét