Trung QuốcỞ với bố mẹ nuôi, Liu Jun thường xuyên bị đánh đập, chửi mắng. Bỗng nhiên, cậu được chiều chuộng, chăm chút khi tìm thấy ruột thịt.
Những người mặc đồng phục, người mang máy ảnh, người có micro vây quanh khiến đứa trẻ 12 tuổi, tên Lele hoảng sợ. "Con trai, bố tìm con cả chục năm trời", người đàn ông tóc hoa râm ôm chầm lấy cậu bé và khóc.
Lele vặn vẹo người, chỉ muốn thoát khỏi đám đông, nhưng người đàn ông lạ cứ ôm riết lấy nó. Cậu bé lo lắng, mạnh mẽ quay đầu về hướng khác kêu cứu "Bố! Bố ơi!".
Đó là đêm 2/1/2020, đêm cuối Lele ở ngôi nhà cũ. Mọi người nói cậu có tên khác- Liu Jun và người cậu gọi là cha 10 năm qua không phải cha ruột.
Ngày 11/4/2010, Liu Jun, 2 tuổi, bị bọn buôn người bắt bán với giá 25.000 tệ cho cặp vợ chồng bán thịt nướng ở tỉnh Sơn Tây. Cậu bé được đặt tên là Lele. Trong 10 năm, Lele đã trở thành một cậu bé nghịch ngợm trong mắt hàng xóm. Nó không biết gì về sự tồn tại của Liu Jun.
Cậu bé không biết cách đó 60 km, ở Thái Nguyên, một người đàn ông tên Liu Liqin đã đi khắp Trung Quốc tìm mình. Bằng nhiều cách cuối cùng, nhờ phát trực tiếp trên mạng xã hội, anh được đoàn tụ cùng con.
Đêm đó, lần đầu tiên Lele được nghe câu chuyện này. Khoảng hai giờ sáng, Lele bước vào cửa một gia đình với tư cách là Liu Jun. So với nhà cũ, ngôi nhà này lớn hơn rất nhiều, sàn lát gạch men nhẵn bóng. Nhà có hai giường, chứ không chen chúc trên một giường như ngôi nhà cậu từng ở.
Lele, bây giờ là Liu Jun nằm trên giường mà không thể ngủ. Bên cạnh cậu là "bố" vừa ôm cậu vừa khóc, mẹ và chị "mới". Đứa trẻ không ngừng suy nghĩ "Chuyện gì đang xảy ra vậy?".
Ngày hôm sau, Liu Jun mặc chiếc áo len màu ghi, giày thể thao, tất đỏ và bộ quần áo bông màu đỏ do mẹ "mới" mua. Cậu choáng váng với siêu thị hàng chục kệ hàng. Siêu thị lớn nhất ở ngôi làng cũ của Lele chỉ có ba dãy kệ. Mọi người liên tục hỏi "Con muốn gì?". Liu Jun liếm môi, mạnh dạn nói: "Tai nghe bluetooth". Ông bố đồng ý ngay, xoa đầu cậu bảo: "Bố sẽ mua những gì con muốn".
Một tuần sau, một món quà lớn đã đến. Bữa tiệc sinh nhật lần thứ 12 tổ chức linh đình. Người cô cài một bông hoa đỏ bằng sa tanh lên người Liu Jun. Bố mẹ cậu khóc, còn chị gái cố kìm nước mắt vì xúc động, nhưng Liu Jun bị thu hút bởi hai chiếc bánh lớn trước mặt. Cuối cùng, cậu đã có một chiếc bánh sinh nhật có tên mình.
Liu Jun được chị gái tặng tai nghe bluetooth. Cậu dần bớt ngại ngùng, lần lượt kể thêm thứ mình muốn "bánh mì kẹp thịt", "bóng rổ", "điện thoại di động". Không ai trách mà tỏ ra vui vẻ khiến cậu bé càng lúc càng nói to hơn. So với những ngày khốn khó vì nghèo đói và bị đánh đập bất cứ lúc nào, Liu Jun đã khỏe khoắn hơn. Cậu được yêu thương nhiều hơn.
Mẹ mua cho cậu nhiều quần áo, đăng ký giáo viên kèm con học tại nhà vì biết Liu Jun không biết đọc. Ông bố thỉnh thoảng đặt hamburger và gà rán cho con trai. Cảm giác xót xa, tội lỗi nên khi tìm được con, anh mua đủ thứ cho Liu Jun. Ngay cả khi mọi người đã ngồi vào bàn, chỉ cần con trai nói muốn ăn thịt, anh lập tức ra ngoài mua.
Shi Richeng, một người bạn cũ cũng thất lạc con 14 năm hiểu Liu Liqin muốn bù đắp cho con trai nhưng anh nhắc nhở bạn không nên nuông chiều con. "Nếu không đánh mắng, muốn gì cũng được, như vậy sẽ làm hư con". Liu Liqin cũng thấy có lý. Điều anh muốn vượt qua là cảm giác tội lỗi trong lòng. "Đừng cảm thấy mắc nợ đứa trẻ", anh cố thuyết phục mình.
Liu Jun dần hòa nhập với gia đình. Cậu hiếm khi chủ động kể chuyện xưa, nhắc về người thân cũ. Bố mẹ đẻ cậu bé cũng hy vọng con trai từ từ quên quá khứ. Mối liên hệ duy nhất là bộ quần áo cậu mặc đêm đó cũng đã biến mất.
Sau khi thay đổi kiểu tóc, quần áo, địa vị, nơi ở, cậu còn một thứ cần thay đổi. Mùa tựu trường, cha chọn cho cậu trường tiểu học gần nhà. Việc chuyển trường suôn sẻ, nhưng ông không muốn giữ tư cách học sinh cũ, với cái tên Lele. Liu Liqin đến phòng giáo dục thành phố, thu hồi tư cách học sinh trước đây, đăng ký tên Liu Jun để nhập học cho con.
Khi em trai trở về, Liu Jing đã rất tự hào. Cô khoe với bạn bè mình có em trai, sẵn sàng chiều chuộng để bù đắp cho em. Nhưng dần dần, cô trở thành "tay sai cho em". Thỉnh thoảng, cậu bé trêu đùa chị, giơ ngón tay ra chửi thề. Liu Jing phản ứng thì bị bố mẹ quở trách.
"Mình cũng là một đứa trẻ, cũng chưa trưởng thành, sao lại đối xử thiếu công bằng như vậy", cô bé bức xúc. Nhưng Liu Jing sớm thỏa hiệp vì em từng bị mất tích. Nỗi day dứt đeo đuổi cô bé suốt 10 năm qua. Mùa xuân năm đó, hai chị em chơi ngoài cổng, trong lúc Liu Jing về lấy đồ ăn, em trai bị bắt đi. Nhưng 10 năm là con một, giờ có đứa em trai, cô không quen. Từ vui vẻ, hạnh phúc, cô bé dần thấy rắc rối.
Mẹ ngày nào cũng đối mặt với mâu thuẫn giữa hai anh em. "Ngoại trừ ngoại hình giống nhau, tất cả thứ còn lại đều khác", bà mẹ hay than vãn. Chị thừa nhận gặp khó khăn khi nuôi dạy con trai xa gia đình 10 năm đã sống lệch lạc với nếp nhà: ngồi ăn không bình thường, không giúp việc nhà, không thích tắm, hay đánh nhau, ít nói, học kém.
Một bữa tối, Liu Jun nhặt 5 cái bánh nhúng vào nước phở, mẹ cậu nhăn mặt. Bình thường, mọi người ăn một cái rồi nhúng vào, còn cậu nhúng hết. Ăn cơm xong, bà mẹ bật Wechat thì lập tức trong nhóm chat phụ huynh có người nhắc tên cô: "Mẹ Liu Jun, sao con chị đánh con tôi".
Đáng lẽ học lớp sáu, nhưng Liu Jun chỉ đủ khả năng theo lên lớp bốn. Cậu rất tự tin với khoản đánh nhau, kể cả những trẻ lớn hơn. Thầy giáo nhắn: "Hãy chuyển trường cho con chị nếu Liu Jun tiếp tục đánh bạn".
Làm thế nào để con thay đổi là điều khiến người mẹ đau đầu. Chị nói nhiều nhưng Liu Jun không nghe. Cậu bé còn đáp trả: "Mẹ không thích con sao còn bắt con quay về làm gì?". Rồi cậu mặc áo khoác, định bỏ đi, ông bố tức giận nói: "Không phải cản, cứ để nó đi". Cậu con trai xuống nhà vài phút rồi quay lại, mọi người coi như không có chuyện gì xảy ra.
Xung đột khiến Liu Liqin đau đầu. Một lần, anh vừa mới xuống nhà thì vợ gọi điện khóc lóc. Ông bố không dám quay lên vì sợ không thể kiềm chế cơn giận nên bảo đang ở ngoài. Liu Liqin ngồi trong xe từ 9-11h30 đêm, để người nhà ngủ say mới vào. Nhưng con trai anh vẫn chưa ngủ. Cậu bé rót nước cho bố, tỏ vẻ ăn năn. Anh không nhắc đến chuyển xảy ra hôm đó, bật video cho con xem rồi vờ ngủ. Đêm ấy, Liu Liqin nghe thấy tiếng nấc của con và nụ hôn nóng rẫy lẫn nước mắt, cậu bé đặt lên má bố.
Tình yêu của gia đình và sự cảm thông của người xung quanh dần thuyết phục Liu Jun thập kỷ qua là một trải nghiệm đáng tiếc. Cậu dần yêu bố mẹ, hòa đồng với chị gái.
Vào ngày 2/12/2020, Tòa án nhân dân quận tuyên phạt kẻ buôn người 10 năm tù và phạt 30.000 tệ. Bố nuôi của Liu Jun bị kết án hai năm tù vì mua trẻ bắt cóc.
Liu Liqin quyết định kháng cáo. Anh cảm thấy cái giá mình phải trả là quá lớn và tiền bỏ tìm con phải được đền bù.
Giờ đây, Liu Liqin đã mở một trung tâm tìm kiếm trẻ em để giúp các gia đình khác tìm kiếm các thành viên trong gia đình bị bắt cóc hoặc thất lạc. Anh ấy thường phải rời Thái Nguyên để đến các thành phố khác. Liu Jun nói mỗi lần bố ra ngoài, cậu đều đợi ông về. "Cháu biết, bố sẽ đi tìm những đứa trẻ khác", cậu nói.
Nhật Minh (Theo Newqq/bjnews)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét