Người mẹ 70 tuổi lang thang khắp các con phố, gặp ai cũng dò hỏi "Có việc cho con trai tôi làm không?".
Năm ngoái, trên đường phố Thượng Hải, một người phụ nữ tầm 70 tuổi đang đi bộ thì bất ngờ một người đàn ông to lớn chạy lại từ phía sau. Nhanh như cắt người đàn ông này ôm lấy người phụ nữ, vật xuống đất rồi ngồi lên người bà, mặc bà kêu khóc, giãy giụa. Sau đó người đàn ông đánh tới tấp vào mặt, thậm chí còn trói tay người phụ nữ bằng chiếc áo duy nhất của mình.
Nhiều người đi đường ngăn cản nhưng người đàn ông càng hung dữ, chửi bới và đánh lại bất cứ ai can ngăn. Cuối cùng khi công an tới, người này mới chịu buông tha nạn nhân, không quên kèm theo vài câu chửi rủa rất thậm tệ. Tại đồn công an, ông ta khai người phụ nữ kia chính là mẹ đẻ của mình. Bởi bà không cho 20.000 tệ (khoảng 64 triệu đồng) để trả nợ ngân hàng nên ông ta hành hung mẹ để "hả giận".
Nhiều người bình luận rằng họ cảm thấy rất sốc vì không thể nghĩ con cái lại đối xử tồi tệ với cha mẹ mình như vậy.
Trong một cuốn sách, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Võ Chí Hồng từng viết "Nhiều người Trung Quốc tuổi vật lý là người trưởng thành nhưng tuổi tâm lý thì vẫn giống như một đứa trẻ".
Theo ông, nhiều người được nuông chiều từ bé, coi mình là trung tâm của gia đình và xã hội. Họ bắt bố mẹ phải chiều theo mọi cảm xúc, hành động của mình. "Nếu không được đáp ứng họ sẽ ăn vạ và khóc lóc, kể cả khi lớn lên cũng vậy. Đó chính là những người cả đời chẳng cai nổi sữa", Võ Chí Hồng nhấn mạnh.
Những ngày gần đây, tại tỉnh Sơn Đông, mạng xã hội lan truyền tin tức một người phụ nữ cũng ngoài 70 tuổi đi tìm việc cho con trai. Bà đi khắp nơi trong thành phố, hỏi bất kỳ ai đi qua xem có việc gì có thể cho con trai gần 40 tuổi của bà làm hay không. Mỗi khi nhận được cái lắc đầu, bà đều thở dài. Cuối ngày khi có người hỏi chuyện, bà nói "Nếu tôi không đi tìm việc cho nó, nó sẽ ở nhà cả đời. Tôi hy vọng tìm được người tốt bụng để cho thằng con tôi được trở lại xã hội".
"Một người phụ nữ đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, lại phải cuốc bộ đi tìm việc cho con trai, hỏi xem bà đã dạy con mình như thế nào?", một độc giả viết.
Con trai bà từng đi làm bảo vệ nhưng lương thấp nên bỏ việc, ở nhà đã 20 năm nay. Hai mẹ con sống nhờ vào lương hưu hàng tháng của bà là 3.000 tệ (9,5 triệu đồng). Hàng ngày anh ta vùi đầu vào chơi game, chán thì ăn và ngủ, việc nhà không động tay làm.
Thông tin về người mẹ 70 tuổi cuốc bộ khắp nơi tại tỉnh Sơn Đông để xin việc cho con trai. Ảnh: Knews. |
Hiện tượng "đứa trẻ to xác" như vậy ở Trung Quốc không phải là hiếm.
Một thanh niên 25 tuổi, từng có 5 năm du học tại Nhật đã đâm mẹ 9 nhát dao bởi bà không đáp ứng được yêu cầu của mình.
Anh này từng được coi là thiên tài trong mắt người khác vì năm 16 tuổi đã bước chân vào đại học, rồi đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Trước khi về nước, anh yêu cầu bố mẹ phải mua cho mình một căn nhà tại thành phố đắt đỏ là Bắc Kinh.
Khi bố mẹ từ chối vì không thể đáp ứng được, anh ta hét lên "Tiến sĩ về nước mà chẳng có nổi một căn nhà ở thành phố, vậy tiến sĩ để làm gì". Sự tức giận đó đã biến thành tội ác.
Theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu người cao tuổi của Trung Quốc, tại các thành phố lớn, hơn 65% gia đình đang có hiện tượng người già nuôi con đã trưởng thành. 30% trong số này là con sống nhờ hoàn toàn vào trợ cấp từ bố mẹ.
Nhà văn nổi tiếng Đài Loan - Lưu Dung từng nói: "Hôm nay chúng ta có rất nhiều đứa trẻ được hưởng thụ sự tự do như người Mỹ và sự nuông chiều từ người Trung Quốc. Cuối cùng khi ra đời chúng chẳng có nổi sự tự chủ như người Mỹ và sự hiếu thuận như người Trung Quốc".
Theo Lưu Dung, có nhiều bố mẹ cưng chiều con hết mực, họ đã cho ra đời những đứa trẻ to xác, không có khả năng độc lập, thích tận hưởng và lười lao động.
Thanh niên 25 tuổi từng có 5 năm du học đã giết mẹ mình bằng 9 nhát dao bởi bà không thể mua cho anh ta một ngôi nhà ở Bắc Kinh. Ảnh: Knews. |
"Những đứa trẻ to xác" luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ. Họ không chỉ coi cha mẹ luôn phải phục tùng mình mà người khác cũng phải chiều theo.
Tâm lý của những người này sẽ là: Tôi luôn yếu đuối và tôi luôn đúng, người khác giúp tôi là chuyện đương nhiên.
Tháng 6/2017, một nữ sinh viên đại học tại Vũ Hán do dậy muộn đã đến trễ chuyến bay 5 phút. Tiếp viên từ chối cho cô lên máy bay, đề nghị đổi vé. Cô gái trẻ lập tức tát mặt vào mặt tiếp viên rồi hét lớn: "Tôi muốn lên máy bay, chậm 5 phút thì đã sao?". Sững sờ, nữ tiếp viên khóc thành tiếng.
Tháng 1/2018, tại thành phố Thành Đô, một người phụ nữ trẻ tuổi bế con nhỏ chặn ngang cửa lên tàu cao tốc để không cho tàu chạy. Nhiều người ngăn cản thì cô này hét lớn "Đợi chồng tôi đến đã", khiến nhiều người ngao ngán. Một người trên tàu nói: "Sao cô hành xử như một đứa trẻ lên 3 vậy, cả thế giới phải phục vụ nhà cô chắc", nhưng người phụ nữ vẫn cương quyết giữ cửa ra vào. Mọi việc chỉ được giải quyết khi cảnh sát có mặt.
"Những đứa trẻ to xác luôn ích kỷ đến cùng cực. Họ không bao giờ tôn trọng các quy tắc và luôn bỏ qua cảm xúc của người khác", nhà văn Lưu Dung nói.
Đằng sau mỗi đứa trẻ to xác là sự yêu thương đến cùng cực của cha mẹ.
Anton Makarenko, nhà giáo dục nổi tiếng người Ucraina, từng nói rằng: "Nhiều cha mẹ làm tất cả vì con cái, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc của mình. Nhưng đó lại là món quà khủng khiếp nhất mà họ dành cho đứa con".
Theo Makarenko, những đứa trẻ được lớn lên trong sự vuốt ve, cưng nựng kể cả khi làm sai sẽ trở thành những người ích kỷ, hẹp hòi và không có khả năng phát triển độc lập. Họ không bao giờ đánh giá cao sự hy sinh của cha mẹ và luôn nghĩ rằng nếu có thất bại thì đó là lỗi của người khác.
"Cha mẹ làm việc thay cho con cái, không bao giờ dạy con cách để tự lập chính là những cha mẹ tàn nhẫn nhất", Makarenko nhấn mạnh.
Có một câu nói mà nhiều người hay truyền tai nhau: "Bố mẹ đã không dạy con buộc dây giày từ năm 8 tuổi thì đến 20 tuổi chúng sẽ tự học được. Nhưng đáng nhẽ ở tuổi 20, chúng đã có thể ra ngoài kiếm tiền thì lại chỉ biết ở nhà học buộc dây giày".
"Với những đứa trẻ to xác, cha mẹ họ có thể chịu đựng được còn xã hội thì không tử tế như vậy. Đã đến lúc phải suy nghĩ lại cách dạy của mình, nếu không bạn đang tự đào hố để chôn con mình xuống", Makarenko nói.
Hải Hiền (Theo alobowang)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét