Chưa một nửa trong số 100.000 cô dâu Việt kết hôn hợp pháp, đa số phải ở nông thôn, nghèo đói, quyền lợi không được đảm bảo.
Hệ lụy của chính sách một con ở Trung Quốc đã tạo ra khoảng cách chênh lệch giới tính lớn, khiến nhiều đàn ông Trung Quốc, đặc biệt những người từ nông thôn tìm đến những nước láng giềng kết hôn, trong đó có Việt Nam. Một bài báo mới đây trên trang Elitestalk của Trung Quốc đã vẽ ra bức tranh về số phận của những cô dâu Việt khi lấy chồng nước này.
Lưu Vệ Hoa, sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở vùng nông thôn Trung Quốc. Cách đây nhiều năm anh đến Ninh Bình (Việt Nam) làm việc kiếm tiền để về nhà cưới vợ. Tại đây anh quen đồng nghiệp tên Hà Thị Hoan. Khi hai người yêu nhau và tính đến kết hôn, Vệ Hoa rất lo sợ gia đình bạn gái không chấp nhận. Nhưng không ngờ gia đình Hà Thị Hoan rất vui mừng. "Điều tôi không thể ngờ nữa là, sính lễ cho nhà cô dâu ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 10 triệu đồng (tương đương 3.000 tệ)", Vệ Hoa nói.
Tuy nhiên, những cô dâu Việt được tự do yêu đương như Hà Thị Hoan không nhiều. Phần lớn đều giống như Thoa (đến từ Hải Dương) cả cuộc đời chỉ để người khác lựa chọn.
Quảng cáo mai mối kết hôn với cô dâu Việt. Ảnh: Elitestalk. |
Hoàn cảnh gia đình nghèo nên như nhiều cô gái ở quê, Thoa tìm đến trung tâm mai mối hôn nhân kết hôn với người nước ngoài. Tại đó, cô được học tiếng Trung, giải thích phong tục, tập quán của Trung Quốc, cách ăn, cách sống như thế nào. Một khi có đàn ông Trung Quốc đến hỏi vợ, Thoa cũng như các cô gái khác được sắp xếp thay phiên gặp mặt. Mặc dù hai bên đều có quyền lựa chọn, nhưng người phụ nữ ít lựa chọn hơn vì sự chênh lệch kinh tế.
Sau đó cô lọt vào "mắt xanh" của Trương Đại đến từ Giang Tây - người đã trả 80.000 tệ (270 triệu đồng) tiền mai mối để lấy được Thoa - cô gái anh thấy ngoan và ít nói. "So với cưới vợ trong nước thì lấy vợ Việt Nam có lợi hơn nhiều", Trương Đại nói.
Sau khi Thoa được lựa chọn, hai người tổ chức đám cưới đơn giản với gia đình ở Việt Nam, sau đó cô cùng chồng về Trung Quốc. Cuộc sống phía trước thế nào cô chưa thể biết được.
Chọn kết hôn với chồng ngoại, sướng khổ phía trước ra sao, Thoa chấp nhận. Ảnh: Elitestalk. |
Cũng qua mai mối kết hôn, Ngô Thị Lệ may mắn hơn nhiều phụ nữ khác. Một năm sau cưới, cô sinh một bé trai. Những người trong nhà vì thế ngày càng yêu thương cô. Bây giờ hai vợ chồng cùng làm trong một xưởng may ở Thiệu Hưng, với mức lương của mỗi người là 8.000 tệ/tháng (khoảng 27 triệu đồng). Sau khi nhận thấy việc kết hôn với người Trung Quốc hoàn toàn đúng đắn, Ngô Lệ còn giới thiệu với các chị em gái trong gia đình.
Ngoài đường mai mối, nhiều cô dâu Việt kết hôn theo con đường "không chính quy", như qua giới thiệu, dẫn đến không có thân phận hợp pháp ở Trung Quốc nên quyền cá nhân của họ không được đảm bảo.
Hà, một cô gái Việt 21 tuổi, đã từ bỏ mức lương 4 triệu ở quê nhà trốn sang Trung Quốc. Kế hoạch đầu tiên của cô là đến đây làm việc kiếm tiền, sau đó có cơ hội kết hôn. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn khác xa so với tưởng tượng. Bởi vì cô không may rơi vào một mạng lưới buôn người. Cô bị đánh đập, thậm chí bị đem bán làm mại dâm.
Tương tự, Trịnh Minh Hà, một phụ nữ Việt Nam 48 tuổi, đã kết hôn với một người chồng Trung Quốc thông qua người thân giới thiệu. Nhưng cô không ngờ, khi về nhà chồng phát hiện còn nghèo hơn cả gia đình mình ở Việt Nam. Tiền cưới của cô lúc đó cũng chỉ để trả nợ, cuối cùng cô phải dựa vào tiền làm việc của mình để trở về Việt Nam. Trong những năm qua, cô sống trong cảnh ăn đói mặc rét, nhiều lần phải ăn cháo trắng. Vì không sinh con, nên cô thường bị chồng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.
Tệ hơn nữa, Tiểu Thu bị bắt cóc và bán làm dâu cho một người đàn ông Trung Quốc, tuổi trên 60 và chân đi lại khó khăn. Nhưng không có visa, không có hộ khẩu, không người quen, cô đành chấp nhận cuộc sống của mình. Vì rào cản ngôn ngữ, không ai trong gia đình tôn trọng và bảo vệ cô. Mỗi ngày, Tiểu Thu chỉ có cật lực lao động.
Cô dâu Việt lấy người chồng Đài Loan hơn mình 20 tuổi. Ảnh: Elitestalk. |
Theo China News Weekly, có khoảng 100.000 cô dâu Việt Nam kết hôn với chồng Trung Quốc, nhưng chưa đến một nửa là cuộc hôn nhân hợp pháp. Hầu hết họ ở nông thôn, nghèo đói và không có hộ khẩu, nên quyền lợi rất khó được đảm bảo. Trong mắt gia đình họ, chỉ hy vọng lấy chồng ngoại để thoát nghèo. Nhưng trong mắt của những kẻ buôn bán hôn nhân, họ chỉ là những món hàng bán với giá từ vài ngàn tệ đến hàng chục ngàn đôla.
Trong bộ phim tài liệu: "Cuộc sống của cô dâu Việt" - cô dâu Việt Lý Phượng Hoàng và chồng Trung Quốc Quách Lý Quảng, khi được hỏi hai người làm sao có thể bước cùng nhau trên một con đường, họ chỉ nhìn nhau cười: "Tôn trọng và thật tâm".
Huyền Trang
* Tên một số nhân vật đã thay đổi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét