Một số doanh nghiệp đề nghị, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc truyền thông, để thúc đấy doanh nghiệp phát triển các sản phẩm game Việt.
Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, trong hơn một năm qua Cục đã xem xét và cấp quyết định thẩm định nội dung cho 51 game G1, trong số này có tới 40 game có xuất xứ từ Trung Quốc, 11 game do doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất. Số lượng game kiếm hiệp cũng chiếm tỷ trọng lớn, với 35/51 trò chơi, chiếm hơn 70% số lượng game đã được thẩm định.
Từ những con số mất cân bằng giữa game nhập ngoại và game do các doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đặt ra câu hỏi: Game là sản phẩm văn hóa, nhưng về số lượng chủ yếu là game mua của Trung Quốc, tỷ lệ game thuộc thể loại game đánh đấm bạo lực nhiều hơn. Vậy các doanh nghiệp Việt đang gặp vấn đề gì khó khăn để có thể tự phát triển những game của người Việt, game có nội dung liên quan đến lịch sử, văn hóa, giáo dục của người Việt, những loại game có tính giáo dục tốt cho giới trẻ hơn.
Thực tế thì thị trường phát triển mảng game giáo dục ở Việt Nam được cho là còn rất lớn. Theo ông Phạm Hồng Thập, Phó Tổng giám đốc công ty Egame, Egame đã có kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực game giáo dục và bước đầu đã có thành công. Cụ thể từ hơn 1 năm nay, Egame đã mạnh dạn đầu tư vào một game giáo dục là Chinh phục vũ môn, chỉ sau hơn 1 năm đã có gần 5 triệu người dùng, đây là một con số khá ấn tượng.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của Egame là làm sao để có thể khai thác số lượng người dùng này thành tiền khi thị trường game giáo dục tiền lệ chưa có. Do đó Egame vẫn loay hoay khi có lượng người dùng lớn như vậy thì phải tính chuyện làm sao để khai thác ra tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Ông Thập lấy ví dụ, ở Anh một doanh nghiệp phát triển một sản phẩm chỉ cần có 2 triệu người dùng thì sản phẩm đó đã được định giá rất lớn rồi.
Ông Thập cũng cho hay, lĩnh vực game giáo dục là thị trường lớn và các doanh nghiệp game hãy mạnh dạn đầu tư cho thị trường này. Làm sao chuyển tải nhiều nội dung văn hóa và giáo dục vào game. Việt Nam hiện có 21 triệu học sinh, sinh viên, Egame đã tìm hiểu và nhận thấy nhu cầu giải trí lành mạnh trong giới học sinh sinh viên rất còn nhiều.
“Việc xin cấp phép các game giáo dục cũng dễ dàng hơn. Sau khi Thông tư 24/2014/TT-BTTTT có hiệu lực, Egame đã được cấp phép 4 game trước thời hạn”, ông Thập cho hay.
Bà Lê Bảo Ngọc, đại diện công XTV đưa ra đề xuất, để thúc đẩy phát triển game có nội dung gắn với văn hóa, lịch sử của nước nhà thì cần phải có chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất game có hình ảnh con người, văn hóa Việt. Ví dụ: Ưu đãi thuế, ưu tiên cấp phép các game có nội dung về lịch sử, văn hóa Việt Nam thật nhanh, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc truyền thông các sản phẩm game Việt.
Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp cũng cho hay, VCCorp đã cùng đối tác làm một số sản phẩm game Việt khá thành công và tiếp tục sẽ phát triển các game Việt.
“Các doanh nghiệp phải suy nghĩ để làm ra game Việt Nam có nội dung làm cho người ta thích hơn, nhưng vẫn phải đúng với các quy định. Thực ra bản chất game có nội dung phản cảm không phải là do toàn bộ nội dung game mà chỉ có một vài chi tiết nào đó, do vậy khi xây dựng nội dung phải hết sức lưu ý. Các doanh nghiệp đừng mong nhà nước thả lỏng, bởi nếu thả lỏng cho mình thì cũng thả lỏng cho toàn bộ doanh nghiệp khác”, ông Tân phát biểu.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử lưu ý các doanh nghiệp, để kịch bản game dễ được thông qua thì khi mua game hay tự sản xuất game, các doanh nghiệp phải lưu ý ngay từ khâu lựa chọn kịch bản game, nội dung ít vi phạm hoặc không có vi phạm sẽ dễ được thông qua khi thẩm định.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét