Hải DươngTừ giữa đêm, các bếp ăn dã chiến ở khu vực có ổ dịch Sao Đỏ, Chí Linh đồng loạt nổi lửa, chuẩn bị hàng nghìn suất ăn cho các cháu nhỏ, người bị cách ly.
10h30 sáng 6/2, hơn 140 hộp cơm thịt gà rang gừng, đỗ xào và soup được nhóm của chị Huyền giao đến trường mầm non và THCS Lê Lợi, nơi có 140 học sinh tiểu học cách ly.
Để chuẩn bị ngần ấy suất ăn kịp giờ trưa, chị Nguyễn Thị Huyền cùng các tình nguyện viên, thuộc phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, phải bắt đầu chợ búa, nấu nướng từ 5h sáng. Giao xong bữa trưa, họ lại chuẩn bị cho bữa chiều.
Hải Dương đang là vùng dịch lớn nhất cả nước với 290 ca dương tính, hàng nghìn F1 và nhiều cụm dân cư bị phong tỏa. Để phục vụ các "F", hàng nghìn y bác sĩ, công an và những người dân khỏe mạnh đã được huy động.
Covid-19 bùng phát khiến công việc làm thợ nail của chị Huyền không thể tiếp tục. Người phụ nữ đã hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố tham gia hoạt động thiện nguyện. "Tinh thần mọi người rất cao, với mục tiêu không để ai bị thiếu một chút gì về nhu yếu phẩm. Chúng tôi lập ra nhóm giúp giải quyết những việc cần thiết phải làm ngay", chị Huyền, 39 tuổi, chia sẻ.
Những hôm đầu, nhóm của chị kêu gọi ủng hộ mùng màn để chống muỗi cho các bé. Họ cũng mua cam về vắt cho các con tăng sức đề kháng, đồng thời tặng cả đồ ăn vặt. Song, nhận thấy trẻ nhỏ luôn cần một chế độ ăn không chỉ sạch, đảm bảo dinh dưỡng mà còn cần "mềm, dễ ăn" nên chị Huyền quyết định lập bếp ăn dã chiến.
Bếp bắt đầu hoạt động từ chiều 3/2, với thực đơn ngày đầu gồm chả xắt nhỏ rim, trứng bác, canh khoai nấu xương. Đến hôm nay chị mua gà ta về làm lông, lọc thịt rang gừng, phần xương ninh lấy nước nấu soup ngô nấm. "Các món ăn ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng, lại tăng cường khả năng chống dịch bệnh trong thời điểm giao mùa", chị nói.
Mỗi ngày bếp chị cung cấp gần 300 suất ăn, mỗi suất khoảng 15.000 đồng, chưa kể chất đốt. Kinh phí hoạt động kêu gọi từ các nguồn tài trợ. Trong đó rau củ, mắm muối và gạo được ủng hộ nhiều, họ lo nhất là kinh phí để mua thịt cá.
Từ ngày có dịch, ba con chị Huyền từ lớp 1 đến 9 ở nhà với bà nội, còn chị và chồng đi từ sáng sớm đến tối muộn. Anh tham gia vào đội vận chuyển hàng hóa đến các điểm. "Phải nói là những ngày qua đầu tắt mặt tối, mệt nhưng các con ăn cơm khen ngon, chúng tôi lại có động lực cố gắng", chị cho hay,
Cách 30 km, bếp dã chiến Thái Học nổi lửa từ 2h sáng, để kịp 7h cung cấp cháo cho trẻ nhỏ và cụ già cách ly trong Đại học Sao đỏ 2. Bếp bắt đầu hoạt động từ 29/1, chỉ một ngày sau khi Hải Dương ghi nhận ca dương tính đầu tiên.
Để dậy sớm, chị Phương Dung, 32 tuổi phải đi ngủ từ đầu tối nhưng lo trễ giờ nên chưa hôm nào chị ngủ được tới lúc chuông báo thức kêu. Phục vụ bếp gồm 8 thành viên, chia thành 2 địa điểm nấu để tránh tiếp xúc nhiều. Mỗi ngày họ cung cấp khoảng 300 suất cháo. "Cứ nghĩ đến các cụ già, em nhỏ thiếu thốn nhiều thứ là chúng tôi lại mong những suất cháo nóng hổi này tiếp sức cho mọi người", chị Dung chia sẻ.
Cũng nhờ sự ủng hộ của người dân trong và ngoài tỉnh, chi hội phụ nữ phường Cộng Hòa đã lập được bếp ăn cung cấp 600 suất mỗi ngày cho khu cách ly trên địa bàn và các chốt kiểm dịch.
Chị Lê Thị Tám, chủ tịch hội phụ nữ phường, chia sẻ vô cùng xúc động trước lòng tốt của mọi người. Có những người hoàn cảnh rất khó khăn nhưng mang đến tặng bếp nào táo, bưởi, chục trứng gà, bắp cải, có người tặng cả chai mật ong. "Người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều. Không có tiền thì góp công. Trong mùa dịch, đi đến đâu chúng tôi cũng được nhận và trao yêu thương như thế", chị cho biết.
Bếp Cộng Hòa bắt đầu hoạt động từ mùng 2/2, với 5 người thiện nguyện cố định và các tình nguyện viên từ 10 chi hội phụ nữ trong phường thay phiên nhau. Nhờ lực lượng đông đảo, họ vẫn có thời gian nghỉ ngơi và chăm lo cho gia đình.
Ngoài tặng suất cơm, chi hội còn tổ chức tặng quà cho một số gia đình cách ly khó khăn, ví dụ như một gia đình cả nhà đi cách ly, chỉ còn cụ ông 90 tuổi bị gãy chân và hai cháu nhỏ hay gia đình khác có mẹ bị dương tính, bố làm ăn xa, con mới 7 tháng tuổi ở nhà với bà nội...
Chứng kiến có quá nhiều người đi làm thiện nguyện nhưng bản thân lại chịu đói, ăn mỳ tôm, bánh mỳ, chị Thanh Giang, một người dân Chí Linh, quyết định lập bếp dã chiến phục vụ cho các tình nguyện viên.
Giang bắt đầu "vác tù và hàng tổng" một cách hoàn toàn tự nhiên. Hôm 29/1, nhiều người phải vào các khu cách ly cùng nhiều địa điểm bị phong tỏa. Trên trang cá nhân của Giang thi thoảng lại có người "cầu cứu". "Có ai giúp được em không. Em mua suất ăn mà tiền ship quá tiền cơm", "Con tôi cần một cái chăn vào khu cách ly mà cả nhà tôi đang bị phong tỏa", "Em đang rất cần một cuộn băng vệ sinh...
Chị xung phong giúp. Nhiều người khác cũng tương tự. Chỉ sau một hai ngày họ tập hợp thành một đội thiện nguyện làm mọi việc mà những người đang ở trong các khu vực bị phong tỏa, cách ly và các chốt cần giúp. Họ còn giao hàng, thu gom rau hỗ trợ tập kết về các điểm và vận chuyển đến các nơi. "Chúng tôi cũng tiếp tế đồ cứu trợ khẩn cấp bất cứ thứ gì mọi người cần", chị chia sẻ.
Công việc từ sáng đến đêm và mấy ngày liền nhiều người hầu như chỉ ăn bánh mỳ, bánh ngọt, mỳ tôm nấu rau. "Nhiều người tình nguyện như chúng tôi vì lo đi ra ngoài có thể bị lây nhiễm mà không về với gia đình. Suốt 5 ngày liền không có hạt cơm vào bụng. Vì lý do đó, chúng tôi lập ra bếp chuyên nấu ăn phục vụ cho những người đi làm thiện nguyện", chị chia sẻ. Bếp chị nấu sẵn cơm và đăng trên Facebook. Bất cứ ai tiện đều có thể tới ăn...
Đêm 5/2, chị Nguyễn Thị Huyền thao thức. Sau 3 ngày nấu cơm, nhóm của chị hết kinh phí, thậm chí bị âm 4 triệu đồng. Chị đã báo tới khu cách ly ngày mai sẽ không thể tiếp tục cung cấp suất ăn nữa. "Rất buồn nhưng ngay trước lúc bắt đầu tôi đã lường đến tình huống này, song tặc lưỡi nghĩ 'giúp được các con ngày nào hay ngày đó'", chị nói.
Phan Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét