TP HCMSau khi gọi một ly cà phê, Justin bật laptop làm việc nhưng thi thoảng lại giơ điện thoại chụp khoảnh khắc chạy nhảy quanh sân cỏ của chú chó tên Chi.
"Nó hạnh phúc hơn thời điểm tôi vừa đón về", Justin nói.
Bốn tháng trước, người đàn ông Mỹ 43 tuổi cùng vợ chuyển công tác sang TP HCM. Anh quyết định nhận nuôi một chú chó để nhà cửa đỡ trống vắng. Justin tìm đến trạm cứu hộ kết hợp quán cà phê ở TP Thủ Đức theo lời giới thiệu của bạn bè. Anh ưng Chi ngay lần đầu gặp gỡ bởi bộ lông đen tuyền và đôi mắt tròn đang nằm cuộn tròn trong nắng.
Để được nhận nuôi Chi, Justin phải điền vào bảng đăng ký, trả lời 60 câu hỏi, trải qua một vòng phỏng vấn đồng thời vượt qua bài khảo sát không gian nuôi. Anh được tập huấn cách chăm sóc chú chó Việt trong căn hộ hẹp khác với cách nuôi chó trong sân vườn ở Mỹ. Sau hai tuần, Chi về với vợ chồng Justin.
Nơi Justin tìm được Chi là quán cà phê kết hợp mô hình cứu hộ động vật ở TP Thủ Đức, được thành lập từ năm 2019 bởi chàng trai người Mỹ Alex Ward, 31 tuổi, cùng hai người bạn.
Đến nay, Alex đã mở hai quán, một ở quận Bình Thạnh dành riêng cho mèo và một TP Thủ Đức dành cho chó. Cả hai nơi hiện nuôi dưỡng 70 chó, mèo từ 5 trạm cứu hộ trong TP HCM. Khách đến quán trải nghiệm có thể tìm hiểu nhận nuôi thú cưng mà mình muốn. Chúng được mô tả tên, tính cách, tình trạng sức khỏe cụ thể qua danh sách đặt trên bàn. Những chú chó ở quán được đeo khăn quàng cổ đỏ, xanh dương và xanh lá nhằm chỉ mức độ thân thiện của chúng để khách hàng tiếp xúc nếu muốn.
Mô hình quán cà phê cứu hộ chó mèo đã xuất hiện ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản từ nhiều năm trước. Chúng ra đời trong bối cảnh các trạm cứu hộ động vật quá tải và không bền vững bởi chỉ dựa vào kinh phí người quyên góp.
Bốn năm trước, Alex đến TP HCM công tác cùng Geneva (người Philippines). Vốn yêu động vật nên ngay khi ổn định chỗ ở, họ đến trạm cứu hộ ở huyện Bình Chánh, TP HCM để nhận nuôi chó.
Tại đây, Alex ngạc nhiên khi thấy hàng trăm chú chó bị bỏ rơi hoặc khuyết tật nhưng chỉ có vài tình nguyện viên chăm sóc. "Tôi ngưỡng mộ nỗ lực tuyệt vời của họ nhưng thật tiếc vì họ không được biết đến nhiều hơn", Alex nói.
Chàng trai người Mỹ bàn với bạn về mô hình quán cà phê cứu hộ mà anh tin rằng nó sẽ bền vững hơn bởi không phụ thuộc vào kinh phí tài trợ thiện nguyện. Tháng 10/2019, họ thành lập quán đầu tiên ở phường An Phú, TP Thủ Đức, nơi có cộng đồng người nước ngoài sinh sống, nhu cầu nhận nuôi thú cưng lớn.
"Chúng tôi không muốn chúng phải chịu cảm giác bỏ rơi lần nữa", Alex nói. "Đó là lý do người nhận nuôi đều phải trải qua quy trình khá phức tạp". Sau khi xem xét hồ sơ của người xin nhận nuôi, tìm hiểu sự tương thích giữa người và chủ Alex sẽ cho họ hai tuần sống thử với thú cưng.
Trong bốn năm, Alex và những người bạn đã giúp 110 trường hợp nhận nuôi thú cưng thành công và cứu hộ 170 chó, mèo. Quán có khoảng 30.000 lượt khách mỗi năm, lợi nhuận giúp Alex chi trả được 75% chi phí cứu hộ, tiêm phòng và chữa trị cho động vật, còn lại anh dùng tiền cá nhân.
Trong số những thú cưng được chủ mới đón về nuôi, Alex nhớ nhất Mây - chú chó về quán cà phê trong tình trạng bị chủ chặt một chân phải tập tễnh đi từng bước khó nhọc. Mây được cho ăn và tắm, quấn quýt với cô tạp vụ ở quán. Ngày người phụ nữ ngoài 60 tuổi nghỉ việc do sức khỏe, bà nói không thể sống thiếu Mây nên đã nộp đơn nhận nuôi. Chú chó đợi hai năm rưỡi ở quán để có cuộc sống hạnh phúc với gia đình chủ mới ở TP Thủ Đức.
Trường hợp khác, Min Min là chú chó bị mù, lồi một bên mắt từng khiến nhiều người sợ hãi. Hè 2022, đôi vợ chồng Malaysia đến quán chơi đùa cùng nó và quyết định nhận nuôi. Họ chấp nhận chi hàng nghìn USD để mang theo Min Min sang Thượng Hải, Trung Quốc cùng sinh sống. Đến nay, họ vẫn gửi hình ảnh, video về cuộc sống hạnh phúc của nó.
Sữa, con chó Alaska 40 kg với chân sau bị tật từng phải ở quán gần ba năm. Nó kén người nhận nuôi bởi kích thước lớn và khó chăm sóc. Cuối cùng, nó được nam sinh viên ở TP HCM mang về nhà.
Quán không thúc đẩy số lượng mà tập trung chất lượng chó mèo được nhận nuôi. Alex nói mọi sự chờ đợi đều là xứng đáng.
Cuối tuần trước, Alex đón Sushi, chú chó từng ba lần phẫu thuật bởi bệnh đường ruột, vừa trở về sau tuần sống thử với chủ mới ở quận 3. Thấy có chú chó chạy thoăn thoắt để nhảy lên thùng xe, anh biết đó là dấu hiệu của môi trường hạnh phúc.
"Thật mừng vì cuối cùng nó đã có cuộc sống tốt hơn", Alex nói.
Ngọc Ngân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét