'Chiếc khoá kéo' để cha mẹ không nói những lời tổn thương con trẻ trong phút tức giận, bởi bạo lực ngôn ngữ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.
Bài viết là quan điểm của Zhang Xuyu, một chuyên gia về giác quan nổi tiếng của Đài Loan, đang được chia sẻ nhiều. Zhang Xuyu rất giỏi trong việc giúp các bậc phụ huynh tìm ra những lợi thế của con cái và nuôi dưỡng chúng.
Mới đây tôi vô tình xem một bộ phim tuyên truyền về bạo lực ngôn ngữ mà người lớn dành cho trẻ nhỏ. Trong video, một tội phạm vị thành niên kể câu chuyện của chính mình ở trại giam. "Khi tôi 12 tuổi, bố mẹ tôi ly hôn. Mẹ mỗi ngày đều mắng tôi, muốn tôi đi chết đi, nói tôi là đồ vô dụng, rác rưởi. Từ trước đến nay chưa từng khen tôi. Rất nhiều lần mẹ mắng tôi là đồ óc lợn. Sau đó tôi đã cầm súng tìm đến một sòng bạc và giết người".
Chàng thiếu niên bị đẩy vào cảnh tù tội, một phần lớn do tuổi thơ bị mẹ bạo lực ngôn ngữ. Ảnh: Sina. |
"Ngược đãi tâm lý trong thời thơ ấu là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến phạm tội", video kết bằng câu đơn giản nhưng khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Tôi từng tiếp nhận trường hợp một bé gái 5 tuổi không muốn nói chuyện với bố mẹ, nhưng bé thường tự nói chuyện với gấu bông của mình. Cha mẹ nghĩ đứa trẻ bị trầm cảm và rất lo lắng nên tìm cách chữa trị. Sau nhiều lần điều trị tâm lý, cô con gái nói một lời khiến bố mẹ rơi nước mắt ngay tại chỗ: "Bởi vì đồ chơi sẽ không mắng con".
Hoá ra, mẹ bé gái là một người nóng tính và thường vô tình nói với con các câu như: "Con đừng làm loạn", "Khóc gì mà khóc?", "Tại sao con lại ngu ngốc như thế?", "Rốt cuộc con biết làm những cái gì hả?"... Những lời trách mắng trong lúc tức giận của người mẹ không ngờ lại gây tổn thương nghiêm trọng đến đứa trẻ.
Cách đây một thời gian, để làm hoà dịu mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái một cách hiệu quả, tôi đã triệu tập một buổi họp lớp. Đầu đề đặt ra là những lời nói và việc làm nào của đối phương khiến bạn buồn. Khi đầu đề được đưa ra, những đứa trẻ ở đó thi nhau giơ tay, còn phụ huynh đưa mắt nhìn nhau lo lắng. Họ sợ các con "bán đứng" mình.
Cha mẹ tưởng con bị trầm cảm nhưng hoá ra bé không nói chuyện vì hay bị mẹ mắng. Ảnh: Sina. |
Một học sinh nữ đưa ngón trỏ tay phải đập vào trán một bạn học bên cạnh, cau mày và nghiến răng: "Mỗi ngày chỉ biết ăn và chơi, nhìn con nhà người ta, quay lại nhìn mày giống như một con lợn. Khóc gì mà khóc, cút đi đọc sách ngay!". Nói xong, học sinh này đảo mắt và lướt điện thoại, miệng vẫn không quên mắng: "Lúc đầu thực sự không nên sinh ra mày".
Một nam sinh khác cũng mô phỏng cha mình, cậu hét to lên: "Mày thật vô dụng, học thì dốt, một tí việc cũng làm không tốt, lần sau còn như vậy thì cút đi cho tao"...
Buổi diễn xuất kết thúc, phản ứng của các bậc cha mẹ rất khác nhau. Họ thậm chí còn không nhớ mình thực sự đã có những lời nói và hành động này.
Một nhà tâm lý học từng nói câu này mà tôi thấy rất có lý: "Bố mẹ tốt trên miệng đều có 'một chiếc khoá kéo', để không bao giờ nói những lời tổn thương khi tức giận đến con cái. Đánh, mắng chỉ có thể khiến trẻ ngừng sai phạm trong giây lát, nhưng mãi mãi sẽ không có một đứa trẻ ngoan nếu giáo dục theo cách này".
Có một từ trong tâm lý học gọi là "Hiệu ứng gió phía nam", nói về gió bắc và gió nam xem ai có thể cởi áo khoác của người đi bộ. Gió bắc thổi một cơn gió lạnh và kết quả khiến người đi bộ quấn chặt áo hơn vì sợ lạnh. Gió nam thổi một làn gió nhẹ, người đi bộ cảm thấy ấm áp, sau đó mở nút và cởi áo khoác ra. Điều này cũng giống với việc giáo dục trẻ em. Cha mẹ tốt nhất không bao giờ làm cho trẻ cảm thấy sợ hãi. Một gia đình hạnh phúc sẽ không có những lời chửi mắng trong lúc giận dữ. Sự ấm áp trong lời nói, đó là món quà tốt nhất cha mẹ tặng cho con cái để trưởng thành.
Huyền Thương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét