Hai tháng qua, căn hộ trong cư xá Thanh Đa, phường 17, quận Bình Thạnh của chị Thu Uyên trở thành cửa hàng 0 đồng, nơi người Sài Gòn cho nhau những món đồ dùng còn tốt.
Chị Bùi Thị Thu Uyên, 51 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh cho biết căn nhà rộng 72 m2 ở cư xá Thanh Đa trước đây cho thuê. Ba tháng trước, chị quyết định cải tạo thành cửa hàng 0 đồng, cung cấp quần áo, đồ dùng cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Ban đầu, chị cùng nhóm thiện nguyện của mình mua các kiện quần áo cũ để chất đầy các kệ hàng. Không gian được chia thành hai khu vực quần áo nam và nữ, bố trí thêm kệ giày dép, gấu bông, sách vở cũ. Người cần đến lựa chọn và lấy đồ về, người dư mang đến cho.
Sau hai tuần hoạt động, cửa hàng được nhiều người biết đến nên số lượng hàng cho tăng và đa dạng hơn. Mỗi tuần chị Uyên nhận hàng trăm kg hàng hóa từ giày, dép, quần, áo, gấu bông. Sau khi nhận hàng, các tình nguyện viên phân loại theo chất liệu, kiểu dáng, nhu cầu người dùng. Với quần áo ấm, nhóm chị chuyển lên vùng cao dành tặng cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Cận Tết, nhu cầu tăng cao nên cửa hàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ thứ tư) thay vì ba ngày mỗi tuần như trước. Khách đến nhận thường xuyên là bà con lao động ở cư xá Thanh Đa, người bán vé số, xe ôm, tiểu thương hoặc người vô gia cư.
Chị Uyên cho biết, từ mô hình cửa hàng 0 đồng, giờ đây căn hộ trở thành điểm cho - nhận được người dân hưởng ứng khiến lượng hàng rất ổn định, kích thước, kiểu dáng cũng đa dạng hơn trước. Người đến nhận thuộc đủ các độ tuổi và ngành nghề, có cả học sinh, dân văn phòng.
"Nhiều người đến cho đồ nhưng cũng lấy về những món khác mà mình không có", chị Uyên kể. "Mô hình hoạt động nhờ tấm lòng của người Sài Gòn, chúng tôi không phân biệt đối tượng".
Tuần trước, có người đàn ông bán kem dạo đến lấy quần áo. Ông ngập ngừng hồi lâu rồi đề nghị xin thêm chiếc áo cho vợ, bởi mỗi người chỉ giới hạn ba món. Chị xúc động nên quyết định kể từ nay không giới hạn số lượng, mỗi người có thể lấy vừa đủ theo nhu cầu.
Sáng 1/1, bà Phan Thị Trâm, 70 tuổi, đến cửa hàng lựa cho mình ba bộ đồ. Người phụ nữ ở cách đó hai km biết mô hình này nhờ hàng xóm mách nên nhờ cháu chở đi. Bà Trâm nghỉ hưu sống cùng con gái bán bún thuê, kinh tế khó khăn khiến bà thường phải "thắt lưng buộc bụng". "Mỗi món đồ miễn phí đều rất quý", bà nói.
Cạnh đó, Duy Lương, 17 tuổi, cùng ba người bạn chọn giày. Các em đều là học sinh, tình cờ thấy cửa hàng khi đến cư xá Thanh Đa ăn sáng. Lương cảm thấy bất ngờ vì sự đa dạng mẫu mã của các món hàng.
"Em sẽ trở lại để mang những món đồ của mình đến góp", Lương cho biết. "Mô hình này rất ý nghĩa và cần được nhân rộng".
Ngọc Ngân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét