Bình DươngTốn 300 cây vàng và hai năm tìm mua những căn nhà cũ lọc lấy từng cấu kiện, ông Tâm mới tái hiện được không gian từng sống thời thơ ấu cùng cha mẹ, anh chị em.
Chủ nhân của ngôi nhà là ông Hồ Minh Tâm, 59 tuổi, ở TP Thủ Dầu Một từng là một nhà buôn tranh sơn mài có tiếng.
"Tôi nhớ mùi khói rơm, màu gạch tàu, mái ngói đỏ của ngôi nhà cũ, nơi có ba má, anh chị em cùng lớn lên, từng nằm chung trên chiếc ván để ngủ, ôm nhau mỗi khi mưa dột ướt lạnh", ông Tâm giải thích việc phục dựng căn nhà cổ 5 gian đậm chất Nam bộ.
Công việc của ông bắt đầu từ năm 1993 khi quyết định bán 1.000 m2 đất được cha mẹ chia khi xưa để lấy kinh phí. Ông đi khắp vùng sưu tầm và mua khoảng 40 căn nhà gỗ kiểu miền Nam nhưng đã hư hỏng, sắp bị phá dỡ rồi lọc lấy từng bộ phận, cấu kiện còn tốt. Đôi khi, bỏ tiền mua ba căn nhà nhưng chỉ chọn được vài cây cột, đòn tay, đôi tấm ván còn dùng được.
"Mua những căn nhà nát đó tôi tốn khoảng 40 cây vàng, bị vợ la quá trời", ông Tâm nói.
Sau hai năm sưu tầm ông mới đủ vật liệu và thuê 10 thợ mộc tay nghề cao trong vùng về dựng lại với yêu cầu "phải đúng kiến trúc nhà cổ". Tiền công cho nhóm thợ tốn hơn một triệu đồng mỗi ngày. Chỉ riêng công thợ chạm khắc 32 cây cột, đòn tay tốn khoảng 5 chỉ vàng mỗi cây.
Ngôi nhà được làm theo lối chữ Đinh (giống chữ T) rộng 1.000 m2, toàn bộ bằng gỗ quý như gõ mật, căm xe và bình linh. Phía sau nhà là bếp, phía trước là gian thờ tự với bàn thờ gia tiên ở giữa, cạnh đặt bộ trường kỷ gỗ, cùng đồ trang trí như liễn, hoành phi, câu đối làm từ gỗ quý, khảm xà cừ, tuổi đời trên 100 năm.
Thứ duy nhất ông Tâm không thể tìm được vật liệu nguyên bản là gạch lát nền do những ngôi nhà cũ ông mua đều đã hỏng phần này.
Chủ nhân ngôi nhà cho biết việc phục dựng đúng khoảng 80% kiến trúc ban đầu. Các cột, kèo, đòn tay, bao lơn đều do thợ giỏi chạm khắc họa tiết long phụng, hoa văn tinh xảo.
Để tái hiện ký ức tuổi thơ, ông bài trí trong nhà nhiều đồ dùng xưa như quạt cổ, nồi đồng, cối đá, xe máy cổ... nhất là chiếc phản (ván) gỗ, nơi hơn chục anh chị em ông cùng ngủ chung khi còn nhỏ.
Ông Tâm cho biết số tiền dựng lại nhà này tốn gần 300 cây vàng, bằng chi phí xây mới 2-3 căn nhà gạch.
"Tôi nhớ ngày đầu tiên bước vào ngôi nhà vừa hoàn thành, mắt đỏ hoe, bùi ngùi xúc động. Tôi cảm giác như ba má, anh chị vẫn đang sống trong nhà", ông kể.
Việc sưu tầm, dựng lại nhà cổ đã khó, sống trong đó còn khó hơn. Không như nhà hiện đại, không gian trong nhà cổ thường tối, thấp, hẹp, thiếu tiện nghi, nên vợ chồng ông phải thay nhau dọn dẹp mỗi ngày.
Hơn 20 năm nay, ông Tâm vẫn giữ thói ngủ trên tấm ván gỗ giống như thời thơ ấu. "Ngắm những cây cột gỗ nhẵn bóng, đặt chân lên nền gạch tàu nâu đỏ, nhìn mái ngói rêu xanh, sống trong những bức vách bằng ván nhuốm màu thời gian, tuổi già của tôi như vậy là đã mãn nguyện", ông nói.
Ông Phạm Văn Phương, 50 tuổi, hàng xóm thường lui tới thăm gia đình cho hay, ngôi nhà cổ này là phần ký ức tuổi thơ của ông Tâm về gia đình. Mỗi thứ trong nhà đều được ông tái hiện gần giống ngày xưa.
"Mỗi lần qua đây, chính tôi cũng được sống lại tuổi thơ. Ngôi nhà được ảnh phục dựng và bảo quản rất kỹ, lau dọn mỗi ngày để không bám bụi, mối mọt", ông Phương nói.
Ngôi nhà cổ trở thành nơi mọi thành viên trong gia đình, họ hàng, con cháu gặp gỡ mỗi khi có việc hoặc ngày lễ, giỗ, tết. "Tôi muốn những thế hệ trẻ hiểu được cha ông từng sống thế nào, qua đó truyền lại tình yêu với những giá trị truyền thống, phong tục, lễ nghĩa của dân tộc", ông Tâm chia sẻ.
Minh Tâm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét