Nhiều trẻ lớn lên thiếu tự tin và không dám tự bảo vệ chính mình bởi khi nhỏ chúng bị cha mẹ buộc phải "chia sẻ" mọi thứ với người khác dù chúng không hề muốn.
Bài viết của nhà tâm lý học Hạ Thiên, đăng trên diễn đàn làm cha mẹ Kaishujiangshi của Trung Quốc.
Khoảnh khắc nhìn thấy mẹ chồng giật đồ chơi của con trai, tôi thực sự rất tức giận. Nước mắt lưng tròng, cậu bé ôm khư khư chiếc xe đồ chơi. Rõ ràng là con không muốn chia sẻ chiếc xe đó, nhưng mẹ chồng tôi vẫn phớt lờ cảm xúc và giật chiếc xe đưa cho cháu gái. Không chỉ lấy đồ chơi, bà nội còn trừng mắt dọa dẫm: "Bà có thể lấy của cháu bất cứ thứ gì..." Nhìn thấy vậy, tôi vội bước tới, xoa đầu con trai nói: "Nếu không muốn chia sẻ đồ chơi với người khác, con có thể từ chối".
Con trai như được truyền cảm hứng, tự tin chạy đến và lấy lại món đồ chơi từ em gái. Mẹ chồng tôi bất mãn, lẩm bẩm: "Đúng là một đứa trẻ vô học và ích kỷ..", rồi bà tức tối, giậm chân đi lên lầu. Trong mắt mẹ chồng, những đứa trẻ không "sẻ chia" là ích kỷ, không có giáo dục. Nhưng tôi lại không nghĩ vậy.
Nhận thức về quyền quan trọng hơn thể diện và thái độ người khác
Khi còn là một đứa trẻ, tôi từng bị tổn thương sâu sắc bởi sự quan điểm "Chia sẻ" và "Giữ thể diện".
Con cái bạn bè của mẹ đến nhà chơi, dù muốn hay không, đồ chơi của tôi luôn bị mẹ tự ý đưa cho các bạn. Nếu tôi khóc và đòi lại, ngay lập tức mẹ sẽ kéo tôi vào nhà tắm, véo vào tay và dọa: "Mọi người là khách. Phải đối xử tốt với họ vì không thể để người khác nghĩ gia đình mình keo kiệt". Theo cách này, tôi bị mất kiểm soát với tất cả đồ chơi của mình nếu bạn bè xuất hiện trong nhà.
Giao cho người khác tài sản đáng lẽ là của mình, tôi vô cùng khó chịu. Nhưng nếu không giao, mẹ sẽ làm tôi thấy khó chịu hơn. Tâm lý vướng víu này gần như ảnh hưởng đến những năm tháng trưởng thành sau này của tôi. Lớn lên chút nữa, dù không muốn đổi chỗ với các bạn trong lớp, nhưng sợ họ giận, tôi miễn cưỡng đồng ý. Hay như vừa mua được cuốn truyện tranh yêu thích, chưa kịp đọc trang nào đã bị giật mất. Khi cuốn sách về đến tay, bìa đã rách toạc hoặc nhàu nát, nhưng tôi cũng chẳng dám cất lời.
Tôi luôn nhớ lời nói của cô giáo tâm lý năm cấp 3 rằng: "Nếu bạn không dám từ chối yêu cầu của người khác, ngay cả khi yêu cầu đó vượt quá khả năng chịu đựng thì lý do cơ bản nhất là bạn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc trong giá trị bản thân. Bạn trông chờ tìm thấy giá trị của mình thông qua sự đánh giá của người khác".
Đây là một tính cách "dễ chịu" điển hình. Trong đó, mọi người được đánh giá qua thái độ của người khác, bắt nguồn từ "ý thức quyền lực" và "ý thức ranh giới" chưa được hình thành từ khi còn nhỏ. Nếu như vì "thể diện" và "thái độ của người khác" khiến tôi ngăn cản con trai giành lấy đồ chơi vốn dĩ thuộc về mình thì chắc chắn sau này con sẽ trở thành một người khác. Cháu sẽ luôn sống trong cảm giác bị bắt nạt, luôn rụt rè và bất lực với bản thân, như tôi của ngày xưa.
Hãy để trẻ học cách "tự vệ"
Gene Disay, giáo sư tâm lý của Đại học Chicago từng nói, bản chất của trẻ là ích kỷ. Hành vi hào phóng sẽ phát triển cùng trẻ theo tuổi tác. Điều này có nghĩa trẻ sẽ học dần cách chia sẻ khi chúng lớn lên, tuy nhiên vẫn còn nhiều người trưởng thành chưa học được cách từ chối người khác.
Cách đây vài năm, có một vụ án gây xôn xao dư luận Trung Quốc. Cô gái họ Vương khi đó đã ngoài 20 tuổi kiện một cậu em họ vị thành niên sau nhiều năm chịu đựng. Sự việc bắt đầu khi cậu em đến nhà Vương chơi và lấy mất một số đồ đạc trong phòng, trong đó có chiếc tai nghe mà cô yêu thích nhất. Cha Vương sợ làm tổn thương họ hàng nên liên tục thuyết phục cô bỏ qua chuyện đó. Nhưng cô gái không muốn và điều tra bằng được tung tích của chiếc tai nghe. Gia đình em họ sau đó nói rằng, họ phát hiện chiếc tai nghe lạ đã ném nó đi, đồng thời không quên mỉa mai "Lớn rồi mà vẫn chơi đồ con nít", thậm chí mẹ cậu bé còn nói: "Nếu cần, tôi đưa cho cô số tiền gấp 10 lần giá trị chiếc tai nghe đó".
Cha Vương xấu hổ, bất lực nói với con "Nó là trẻ con, chấp làm gì". Vì sự thỏa hiệp của cha, cô gái đành cắn răng bỏ qua. Tuy nhiên thời gian sau, chiếc tai nghe đắt tiền khác của Vương cũng không cánh mà bay sau buổi đến chơi của cậu bé đó. Lần này cô quyết định đưa sự việc ra pháp luật.
Có một câu nói thế này: "Những khi bạn yếu đuối nhất thì kẻ xấu lại xuất hiện nhiều nhất. Nếu không biết bảo vệ quyền lợi của bản thân, bạn sẽ phải tự chịu hậu quả".
Một từ thường được nhắc đến ở các trường tiểu học tại Anh: "Sự quyết đoán". Có thể hiểu nghĩa của từ này là thẳng thắn, kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình. Chỉ khi trẻ bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc và ý kiến một cách thẳng thắn thì chúng mới có thể hình thành một mối quan hệ thoải mái với người khác. Chỉ khi trẻ rõ ràng về ranh giới quyền lợi của mình, chúng mới có thể tiếp tục giải tỏa áp lực bản thân và có niềm tin vào chính mình. Vì vậy, hãy để trẻ học cách "tự vệ" và yêu thương bản thân hơn bất cứ điều gì khác.
Từ chối bị "cướp" bắt đầu từ sự bảo vệ dũng cảm của cha mẹ
Một người mẹ ở Anh từng chia sẻ trải nghiệm cá nhân của mình trên một diễn đàn dành cho cha mẹ. Khi cô bước vào công viên cùng với con trai tên Carson, có 6 đứa trẻ đi về phía cậu bé và yêu cầu chia sẻ đồ chơi lego. Nhưng Carson không muốn điều đó. Nhìn đám trẻ đông đảo và to cao hơn mình, cậu bé sợ hãi, ôm chặt món đồ chơi trước ngực và nhìn mẹ một cách đáng thương.
Nhìn thấy tình huống, người mẹ đã không thuyết phục con trai "học cách chia sẻ" mà kiên quyết nói: "Con có thể nói không với các bạn. Chỉ cần từ chối và không có gì khác". Khi 6 đứa trẻ nghe thấy lời từ chối của Carson, chúng buộc tội cậu là keo kiệt. Lúc này mẹ cậu đáp trả: "Con trai cô không cần phải chia sẻ đồ chơi cho người khác. Nếu Carson muốn cho các cháu mượn thì các cháu mới được lấy". Cậu bé nhìn mẹ đầy biết ơn và tự tin bước về phía trước.
Người mẹ này nói rằng, nếu bắt con trai chia sẻ là buộc con phải hy sinh."Cho phép trẻ ích kỷ để cái ‘tôi’ bên trong trẻ có thêm sức mạnh, làm chỗ dựa vững chắc là bản thân. Bởi nếu cứ hy sinh để làm hài lòng người khác, về lâu dài trẻ sẽ từ chối mọi điều tốt đẹp sẽ có ở tương lai", người mẹ nói.
Chuyên gia giáo dục trẻ em Janet Lansbury từng nêu quan điểm trong cuốn "Ranh giới, Tự do": "Trẻ cần có ranh giới. Nó giống như lái xe qua một cây cầu trong bóng tối. Nếu không có lan can ở cả hai bên của cây cầu, họ chỉ có thể vượt qua một cách chậm rãi và ngập ngừng. Nhưng nếu có lan can ở cả hai bên, họ có thể lái xe qua một cách dễ dàng và tự tin".
"Dạy trẻ em bảo vệ quyền của mình là món quà tốt nhất mà bố mẹ có thể dành cho chúng khi lớn lên", Janet Lansbury kết luận.
Vy Trang (Theo sohu)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét