Mỗi khi đọc tới những vụ đánh ghen trên mạng xã hội, nỗi đau ngày nào của Nhi lại ùa về, đau đớn và nhức nhối.
Phương Nhi (34 tuổi) ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội lập gia đình 7 năm trước. Cuộc sống của cô êm đềm cho đến khi người chồng thăng chức, thường xuyên đi tiếp khách. Chuyện nhà cửa, con cái một mình cô cáng đáng.
Gần đây người vợ phát hiện chồng ngoại tình sau những lần nhận cuộc gọi mà không dám nghe. Tìm hiểu, Nhi biết đó là một cô gái trẻ, xinh xắn nên lập tức lên kế hoạch đánh ghen.
Nhi tìm đến nhà nhân tình của chồng nhằm "dạy cho cô ta một bài học" và tránh xa người đàn ông của mình. Không ngờ chồng Nhi cũng có mặt tại đó. Sau trận cãi vã, cô lao vào định hành hung người phụ nữ kia nhưng chưa kịp làm gì đã nhận hai cái tát như trời giáng của chồng. "Nhìn lại mình đi, có ra hồn người không?" - câu nói của người đàn ông đầu gối tay ấp khiến cô sững người. Kết thúc cuộc hỗn chiến, Nhi thẫn thờ ra về trong sự đắc thắng của cô nhân tình.
Giống như Nhi, cảm giác "phải đánh ghen" lập tức trỗi dậy khi Việt Hằng biết chồng ngoại tình. Cô cũng tìm đến nhà tình địch nhưng người kia nói bản thân cũng là nạn nhân. "Tôi tưởng anh ấy vẫn độc thân. Nếu biết đã có vợ tôi không dám đụng vào", cô gái phân bua.
Dù vậy Hằng không dừng tay mà lao vào đánh nhân tình của chồng ngay trước cửa nhà. Vụ đánh ghen làm náo loạn một góc phố, gây chú ý với mọi người xung quanh. Một số can ngăn, số khác lại tranh thủ quay phim, chụp ảnh. Trong khi mọi thứ hỗn loạn, người chồng nhanh chóng biến mất khỏi hiện trường.
Những vụ đánh ghen giữa vợ với nhân tình của chồng không hiếm. Tháng 10/2021, tại đường ven Hồ Tây, Hà Nội, một phụ nữ đã chặn chiếc ô tô trong đó người chồng đang chở nhân tình, gây ầm ĩ và ách tắc giao thông. Trước đó một tháng, một phụ nữ khác ở Thanh Hóa trèo lên nắp capo ô tô đánh ghen vì cho rằng chồng đang chở "tiểu tam" đi chơi. Gần đây nhất, ngày 30/1/2023, một cô gái ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũng bị vợ và mẹ của người tình tạt xăng, châm lửa đốt. Hậu quả cô nhân tình bị bỏng nặng, còn người vợ bị khởi tố.
Trong một khảo sát hơn 1.000 độc giả báo VnExpress gần đây với câu hỏi: "Nếu phát hiện bạn đời ngoại tình, bạn có đánh ghen?", chỉ có 3% đồng tình, 50% phản đối, 47% còn lại nói cần tìm hiểu kỹ càng đối phương trước khi quyết định.
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, dù chỉ có 3% nhưng đây là con số không khuyến khích.
"Đánh người với bất kỳ lý do gì cũng là sai trái, bởi chúng ta đang sống trong một đất nước thượng tôn pháp luật", ông Tú khẳng định. Nếu gây thương tích hay án mạng, phụ nữ đánh ghen sẽ chịu hậu quả khi dính lao lý, có thể chịu án, con cái bơ vơ.
Vị chuyên gia chia sẻ, hành động đánh ghen cũng chứng minh người vợ chưa đủ trưởng thành vì đánh mất giá trị bản thân, xấu đi trong mắt mọi người, lại là cái cớ để chồng đến gần hơn với nhân tình. "Chẳng thể giữ nổi chồng nếu chỉ biết đánh ghen. Thứ mà người vợ giữ lại chỉ là một ông chồng danh nghĩa chứ không còn hôn nhân hạnh phúc", ông Tú nói.
Còn theo thạc sỹ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, khi chồng ngoại tình, trách nhiệm chính là ở người đàn ông. "Với đàn ông trăng hoa, nay xử lý được cô nhân tình này nhưng mai lại xuất hiện đối tượng khác, người vợ có đủ sức giải quyết hết?", bà Hoa đặt câu hỏi.
Theo chuyên gia, đàn ông dù trong hoàn cảnh nào cũng muốn giữ thể diện, kể cả khi anh ta mắc lỗi. Bởi vậy, tức giận đến mấy, người vợ cũng cần bình tĩnh để xử lý thấu đáo, không đưa ra bất kỳ quyết định gì khi đang nóng giận.
Một lý do nữa bà Hoa khuyên phụ nữ không nên đánh ghen bởi nếu hành vi này diễn ra ở nơi công cộng, nhiều người qua lại, rất có thể thông tin sẽ được chia sẻ lên mạng xã hội. Lúc này, không chỉ còn là chuyện riêng trong gia đình mà là chuyện phiếm của những người xa lạ. Người thông cảm thì ít, giễu cợt, gièm pha lại nhiều. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của những đứa con.
"Chúng sẽ cảm thấy xấu hổ vì bị bạn bè chê cười, nhiều trường hợp rơi vào trầm cảm, muốn bỏ học vì bê bối của bố mẹ", bà Hoa khẳng định.
Hai đứa trẻ nhà Phương Nhi cũng rơi vào tình cảnh tương tự kể từ sau vụ đánh ghen của mẹ bị đưa lên mạng xã hội. Không chỉ bạn bè trong lớp mà trong trường cũng chỉ trỏ, trêu chọc mỗi khi hai đứa trẻ đi qua. Chúng khóc lóc đòi bỏ học vì không chịu nổi áp lực dư luận. Phương Nhi sau đó phải tìm đến bác sỹ tâm lý nhằm giúp ba mẹ con vượt qua thời kỳ khủng hoảng.
Còn với Việt Hằng, chuyện cô làm ầm ĩ với nhân tình của chồng sau đó đến tai mẹ đẻ. Người mẹ khuyên con gái, dù chồng ngoại tình cũng không nên vạch áo cho người xem lưng, bởi theo bà "lạt mềm buộc chặt", nên bỏ qua mà tiếp tục sống cùng nhau.
Nhà văn Hoàng Anh Tú không đồng tình với cách xử lý này. Theo ông, "lạt mềm" dù chắc chắn đến đâu cũng không thể buộc chặt hạnh phúc. "Lạt mềm vốn chỉ dùng để nắn chỉnh những thứ đang xô lệch ngả nghiêng mà không thể neo giữ hạnh phúc", ông Tú nói.
Bởi vậy, khi phát hiện chồng ngoại tình, không quan trọng là tha thứ hay buông bỏ, mà người vợ nên nghĩ sẽ sống tiếp như thế nào. Một phụ nữ biết yêu và trân trọng giá trị bản thân sẽ không đánh ghen hay cam chịu mà biết chọn thái độ sống như thế nào để dẫn mình tới hạnh phúc.
Cùng quan điểm, chuyên gia Lê Thị Minh Hoa cho rằng, người vợ không nên tìm người thứ ba, thay vào đó nói chuyện thẳng thắn với chồng. Nếu bản thân người vợ cũng có lỗi, cả hai cùng cho nhau cơ hội sửa chữa, hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt. Nếu nguyên nhân không xuất phát từ phía người vợ mà chồng vẫn không chịu chấm dứt với nhân tình, hãy buông bỏ và tìm hạnh phúc mới.
"Một cuộc hôn nhân chất lượng thấp không bao giờ tốt bằng cuộc sống một mình nhưng chất lượng cao", bà Hoa nói.
Theo bà, hôn nhân chỉ là một phần của cuộc sống. Phụ nữ nên tập trung tìm kiếm cách khiến bản thân hạnh phúc. Bà gợi ý, đi du lịch, tập thể dục, đọc sách, kết bạn hay học hỏi những kỹ năng mới là cách tốt nhất để cuộc sống trở nên trọn vẹn và tươi đẹp.
"Khi cuộc sống của phụ nữ tràn ngập những điều mới mẻ, họ sẽ không còn buồn về bất hạnh trong hôn nhân", nhà tâm lý nói.
Hải Hiền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét