Mạng xã hội Singapore đang "dậy sóng" vì bài viết của nhà tuyển dụng Delane Lim than phiền rằng, các ứng viên quá "lười nhác, đòi hỏi và không không khát khao làm việc".
Delane Lim - người sáng lập Futuready Asia, công ty cung cấp các dịch vụ giáo dục, kỹ năng mềm cho giới trẻ - cho biết, ông vừa phỏng vấn 12 người vừa tốt nghiệp nhưng không tuyển được ai mà "chỉ nhận lại sự thất vọng". Người này cho biết, 7 trong số các ứng viên đã kê ra một loạt các yêu cầu như: được nghỉ phép nhiều hơn, được trợ cấp đi lại, có một nhóm đồng nghiệp cấp dưới để giúp việc. Một người khác yêu cầu "không làm việc vào cuối tuần".
"Tôi cảm giác đang được họ phỏng vấn, chứ không phải mình đang tìm kiếm nhân viên", Delane Lim nói và nhấn mạnh những người trẻ này "không khao khát một công việc", họ "không khiêm tốn và không sẵn sàng chịu đựng".
Sau chia sẻ của Delane, không ít người đồng ý với ông và lặp lại quan điểm rằng đa phần các nhân viên trẻ tuổi ngày nay "quá đòi hỏi". Trong khi đó, những người không đồng ý với Dalane nói rằng qua thời cái thời muốn được ghi nhận thì phải "bán linh hồn và thể xác" cho công ty.
Nhiều đánh giá về thế hệ trẻ Singapore đều chỉ ra rằng thế hệ này có phần lười biếng và xuề xòa. Một cuộc khảo sát năm 2019 do tiến sĩ Janil Puthucheary, cựu thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore, phối hợp với tờ Channel News Asia thực hiện, cho thấy chỉ có 15% - 17% người trẻ tự đánh giá rằng họ là người có kỷ luật hoặc trung thành. Ngoài ra, chỉ từ 27 đến 32% cảm thấy rằng họ làm việc chăm chỉ và làm chủ công việc của mình.
Đây không phải là chuyện mới. Báo cáo Bằng chứng thực nghiệm về sự khác biệt thế hệ trong thái độ làm việc - được xuất bản trên Tạp chí Kinh doanh và Tâm lý học năm 2010 - chỉ ra, nhiều người thuộc thế hệ trẻ đánh giá công việc không phải trọng tâm cao nhất trong cuộc sống của họ.
"Thật khó để nói tại sao lại như vậy, nhưng tôi nghi ngờ rằng sự dễ dàng và đa dạng của các lựa chọn giải trí có thể đã góp phần vào sự khác biệt này. Ví dụ, đi lại bằng máy bay ngày nay có giá cả phải chăng hơn nhiều so với những năm 80 hay 90", Tiến sĩ Sam Yam - phó giáo sư về quản lý và tổ chức tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - cho biết. Cũng cần phải thừa nhận rằng mỗi thế hệ đều có những đặc thù riêng.
Sabrina Ho - thành viên #HerWorldTribe, CEO của Half The Sky - một nền tảng nghề nghiệp dành cho phụ nữ, nhận định, mỗi thế hệ có cách tiếp cận công việc khác nhau, và tầm nhìn của họ được định hình nhiều bởi các yếu tố bao gồm kinh tế, xã hội và công nghệ của thời đại". Ví dụ, những người sinh từ năm 1946 đến năm 1964 lớn lên trong thời kỳ hậu chiến, mục tiêu của họ là sự ổn định khi làm việc gắn bó, lâu dài trong một công ty.
Tuy nhiên, thế hệ Millennial (những người sinh từ 1981 đến 1996) lớn lên trong thời kỳ bùng nổ của Internet, đánh giá cao việc được lắng nghe, điều này khiến họ muốn phục vụ cho một mục đích lớn hơn chứ không muốn mình "chỉ là một bánh răng trong cỗ máy". Thêm vào đó, họ là con cái của "thế hệ nỗ lực hy sinh" - những người có tư duy "Chúng tôi muốn con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn". Điều này càng khiến thế hệ Millennial thích được hưởng quyền lời và lười biếng - hoàn toàn trái ngược với sự siêng năng mà thế hệ cha mẹ họ từng thể hiện.
Bất chấp kinh tế Singapore đang bị đại dịch tàn phá, nhiều người trẻ đã bỏ việc mà không có việc thay thế. "Làm việc tại nhà trong thời gian phong tỏa khiến tôi bị kiệt sức, vì vậy tôi quyết định nghỉ việc", Elizabeth Liew, 28 tuổi, chia sẻ. Cô đang làm tự do trong khi đang chờ xin việc toàn thời gian. "Tôi thích sự sắp xếp công việc linh hoạt hiện tại, nó cho phép tôi kiểm soát thời gian của mình nhiều hơn, không phải "bấm giờ". Với công việc mới, những ưu đãi như làm việc từ xa hoặc lịch trình làm việc linh hoạt là những gì chúng tôi tìm kiếm".
''Các ưu tiên của chúng tôi đang thay đổi, nhiều người trong chúng tôi không thích cuộc sống của mình xoay quanh một khuôn mẫu công việc cố định. Đó không phải là đi ngược lại văn hóa làm việc truyền thống, mà là việc áp dụng các phương pháp lành mạnh hơn, giúp chúng ta hạnh phúc hơn và làm việc hiệu quả hơn", cô chia sẻ.
Vậy điều gì thực sự thúc đẩy thế hệ ngày nay? Theo kết quả nghiên cứu được Manpowergroup công bố vào năm 2019, những gì người trẻ đánh giá cao là công việc linh hoạt, có ý nghĩa và đầy thử thách. Vì vậy, họ có nhiều khả năng rời bỏ công việc nếu nó làm họ kiệt sức. Họ coi trọng việc kiếm được một công việc mình yêu thích, ngay cả khi công việc đó không được trả lương cao.
Sabrina nhận định, thế hệ trẻ ngày nay là thế hệ khác biệt: "Họ vô cùng khao khát và tham vọng. Chỉ là họ thể hiện điều này theo một cách khác và có yêu cầu cao hơn ở nhà tuyển dụng. Đó hoàn toàn không phải là một điều xấu. Tôi đã chứng kiến quá nhiều nhà tuyển dụng với cách tiếp cận quản lý theo kiểu cũ luôn thể hiện: Tôi trả tiền cho bạn, vì vậy tôi sở hữu bạn. Điều này không hiệu quả với thế hệ mới".
Giữa những quan điểm trái ngược, tiến sĩ Yam nhấn mạnh rằng điều quan trọng là không nên so sánh đạo đức làm việc của các thế hệ khác nhau: "Sự khác biệt thế hệ về mặt giá trị cũng giống như sự khác biệt về tính cách. Không có mặt trái hay mặt phải, bởi vì sự khác biệt của mỗi cá nhân đều có ưu và khuyết điểm riêng. Ví dụ, thế hệ trẻ có thể kém tính trật tự và khuôn khổ hơn so với cha mẹ của họ, nhưng cũng có thể sáng tạo hơn. Một nhà lãnh đạo tại nơi làm việc phải nhận thức sâu sắc những gì mà nhân viên của mình coi trọng và quản lý họ cho phù hợp".
Thùy Linh (Theo CNN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét