Tết ông Táo ở tâm dịch

Hải DươngTờ mờ sáng anh Công bật dậy, mở cửa như tên bắn. Từ phòng khác chị Hương ló ra hỏi "trộm hả?". "Trộm đâu, ông nội mang đồ tiếp tế", anh đáp.

Một lúc sau, Hương khệ nệ ôm bụng bầu 36 tuần vào bếp. Nhìn đống đồ ông bà nội gửi, chị thấy nhẹ lòng vì có đủ thức ăn cho một tuần tới. Trong đó có gia vị, măng miến, gà, cá, có tiền vàng mã, bánh kẹo và ít rượu.

Chị bắt tay làm cơm cúng ông Táo từ các nguyên liệu có sẵn. Mất hơn hai tiếng chị nấu xong một mâm cơm khá tươm tất gồm: canh măng, rau củ luộc, nem, tôm chiên, xôi, dưa muối và hoa quả. Tuy nhiên, đồ cúng quan trọng nhất chị lại không có: Ba con cá chép.

"Được như thế đã quá may mắn rồi", chị Cao Mai Hương, 29 tuổi, từ tâm dịch Chí Linh, chia sẻ. Nhiều gia đình người quen của chị còn không cúng được ông Táo, thậm chí Tết cũng không thể thắp hương vì cả nhà đang đi cách ly. Những gia đình khác cũng không thể mua đủ được đồ cúng vì gần như tất cả cửa hàng đều đóng cửa.

Thành phố Chí Linh đang trong thời gian 21 ngày phong tỏa. Một ngày trước Tết ông Táo nhiều người dân đổ ra đường mua sắm đồ chuẩn bị Tết. Khu vực chợ Sao Đỏ tập trung đông người, dù ai cũng đeo khẩu trang nhưng không đảm bảo khoảng cách an toàn. UBND phường lập tức ra công văn đóng cửa chợ, tuyến phố và siêu thị tại đây, đồng thời phát loa thông báo đề nghị bà con mua hàng online. Nhà chị Hương cách chợ 1 km, đã đóng cửa tự cách ly từ 28/1 bởi anh Công chồng chị làm shipper khu vực phường Cộng Hòa, nơi có ổ dịch công ty Poyun. Chị Hương đang bầu những tuần cuối cùng không thể đi đâu. Mọi thứ đều phải nhờ ông bà nội ngoại tiếp tế.

Gần một tuần qua, gia đình chị thực hiện nghiêm quy tắc phòng chống dịch. Chị và con gái ngủ riêng phòng. Đồ dùng sinh hoạt từ cốc chén, bát đũa, quần áo tách bạch với chồng. Trong mỗi phòng đều có sẵn nước sát khuẩn và cồn lau tay khi mở cửa ra vào. Vì nhà nhỏ nên phải đứng xa nhau và phải đeo khẩu trang hoặc nói chuyện bằng điện thoại.

Hơn 11h trưa thắp xong cơm cúng, chị Hương xẻ nửa mâm cơm cất đi để dành cho bữa chiều. Chỗ thức ăn còn lại vừa đủ cho hai vợ chồng và con gái 6 tuổi, chị tiếp tục chia nhỏ vào một khay riêng đặt trước của phòng của chồng, nói lớn: "Ăn cơm đi chồng ơi". Trong phòng ăn chỉ còn lại hai mẹ con. Thi thoảng lại nghe tiếng người mẹ bảo con, mà cũng như bảo mình: "Ăn hết đi con, không được bỏ phí"...

Cán bộ làm nhiệm vụ trực chốt tại chốt cách ly thuộc xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: Vũ Chí Hậu.

Cán bộ làm nhiệm vụ trực chốt tại chốt cách ly thuộc xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: Vũ Chí Hậu.

Có cá để tiễn ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp, nhưng vợ chồng anh Vũ Chí Hậu, 36 tuổi, nhân viên y tế ở xã Hưng Đạo, TP Chí Linh lại không thể về nhà. Nhờ bố mẹ vợ đặt giúp cá, đồ lễ qua điện thoại và nhận ở chốt kiểm dịch, hai vợ chồng cùng làm ở các trạm y tế phường ở tâm dịch tạm yên lòng.

Từ tối 26/1, anh Hậu và vợ cùng nhận được điện thoại của cấp trên yêu cầu đi truy vết những người tiếp xúc gần bệnh nhân dương tính với nCoV. Vợ anh gom quần áo, tư trang, gửi con gái 10 tuổi và 2,5 tuổi cho ông bà ngoại ở phường Sao Đỏ, gần nhà. Anh Hậu tự dọn trên tầng hai nhà bố mẹ đẻ ở xã Hưng Đạo để tự cách ly.

Đêm đó, họ cùng đồng nghiệp trắng đêm làm nhiệm vụ. Càng truy vết càng lo, khi danh sách người tiếp xúc mỗi lúc lại dài thêm. Sau thông báo phong tỏa, anh Hậu đứng ở điểm chốt nối xã Hưng Đạo với tỉnh Bắc Giang. Nhiệm vụ trong ca trực luân phiên ngày, đêm của nhân viên y tế này là đo thân nhiệt của người đến giao hàng và ngăn người dân qua lại.

Đứng ở điểm trực chốt cuối cùng, Hậu hay nhìn về đầu làng. "Ảm đạm, đìu hiu đến không lời nào để tả", giọng anh buồn thiu.

Bằng tầm này năm ngoái, ở Hưng Đạo, người dân kéo nhau đi sắm Tết. Gần sáng, Hậu đã nghe thấy tiếng lợn kêu eng éc, tiếng nhạc xuân rộn ràng. Vợ chồng anh sẽ xin đi làm muộn hơn thường lệ để làm cơm cúng ông Táo. Hậu phóng xe máy 10 km đến sông Cầu Bình thả cá. Trước hay sau xe anh, đều có cả đoàn người. Mặt sông cả sáng hôm đó không phút nào phẳng lặng.

Nhưng năm nay, mọi thứ nhường chỗ cho tiếng loa phát thanh tuyên truyền về Covid-19. Dân trong xã muốn mua cá, mua đồ lễ đều phải gọi điện đặt hàng. Việc giao nhận thực hiện ở các chốt kiểm dịch, sau khi khách và người bán đều đã được đo thân nhiệt.

Hậu nhìn thấy cá và đồ lễ ở các điểm chốt đầu làng từ hôm 21 tháng Chạp. Tuy nhiên, cái không khí Tết hiếm hoi đó, anh Hậu cũng không phải người trong cuộc. Chốt của Hậu ở điểm giáp ranh nên ít người qua lại. "Chỉ lâu lâu bà con giao rau củ quả, còn mua bán đồ lễ cúng ông Táo thì không có. Người nơi khác, họ cũng sợ đến gần điểm vùng có dịch chứ", anh Hậu giải thích.

Với gia đình anh Hậu và phần đông người dân ở TP Chí Linh, Tết năm nay là một mùa xuân không thể quên trong đời. Ngày 23 tháng Chạp hay mùng 1 Tết cũng không còn khiến anh bận lòng nhiều. Điều Hậu mong mỏi là có thể về nhà với các con.

Nghe tin toàn xã sẽ bị phong tỏa, việc đầu tiên chị Nguyễn Hồng Hạnh ở Đông Triều, Quảng Ninh làm là gọi điện mua vàng mã cho Tết và đồ ông Công, ông Táo.

Là con dâu trưởng trong gia đình nên mọi chuyện giỗ Tết đều do nữ giáo viên tiểu học 45 tuổi này đảm đương. Năm nay, được yêu cầu cách ly nên việc nhang khói tổ tiên, chị phải giao lại cho chồng - vốn chưa từng lo việc này.

Hôm 28/1 (16 tháng Chạp), nghe tin học sinh lớp mình chủ nhiệm tiếp xúc gần một người mắc Covid-19, chị Hạnh bàng hoàng, thức trọn đêm. Không chỉ sợ mình và học trò nhiễm virus, chị trằn trọc vì lo Tết nhất ở nhà không có người lo liệu nên ngoài vàng mã, chị đặt mua thêm một cuốn sách văn khấn để anh nhà biết quy trình. Thi thoảng, nhớ ra điều gì, chị lại dặn anh. Người vợ người mua thêm thịt lợn, chất đầy tủ lạnh.

Cũng hôm đó, phụ huynh gọi đến nói một học trò của chị sợ, không chịu đi cách ly. Một em có ông bà đi cùng vì thuộc diện F1, nhưng hai học sinh 10 tuổi còn lại phải đến khu cách ly một mình. Thương trò, chị dành cả tiếng động viên chúng. Hai đứa bé khóc, đòi "Cô đi cùng chúng con". Chị Hạnh cũng khóc: "Bảo nếu cô khai là F1 để đi cùng các con thì 30 bạn cùng lớp và các cô giáo khác cũng phải đi cùng".

Khi học sinh gọi về thông báo "Con âm tính rồi cô ạ", chị Hạnh như trút được gánh nặng. Sau ba ngày lấy mẫu xét nghiệm, chị cũng nhận được kết quả tương tự. "Dễ thở hơn, đêm ngủ ngon hơn", chị kể khi nhận tin mừng.

Đồ cúng ông Táo gồm tiền vàng, mũ, quần áo, bánh kẹo được chị Hạnh sắm sửa trước khi lệnh phong tỏa ban hành. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đồ cúng ông Táo gồm tiền vàng, mũ, quần áo, bánh kẹo được chị Hạnh sắm sửa trước khi lệnh phong tỏa ban hành. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bị liệt vào danh sách F2, chị Hạnh chỉ phải cách ly tại nhà. Chiều 22 tháng Chạp, cô con dâu trưởng trong gia đình mở tủ, lấy quần áo ông Công, ông Táo, gói kẹo, để sẵn lên bàn để sáng bày mâm.

Năm nay, chị cũng thổi xôi, thịt gà nhà nuôi, nhưng không có hoa quả, cũng không có cá. Các ca nhiễm virus tăng từng ngày, cán bộ thôn thắt chặt việc cách ly tại nhà. Chị Hạnh tin, chẳng mấy nhà ở xã có cá cúng năm nay.

"Chẳng biết ông Táo đi bằng gì để về trời", chị bần thần khi sắp cỗ.

Phạm Nga - Phan Dương

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét