Sau bữa cơm chiều cuối năm, Minh Hòa (29 tuổi, ở Tuyên Quang) không phải rửa bát bởi hai chị chồng đã "thuê" em trai 500 nghìn đồng làm thay.
"Mợ lui cui nấu nướng cả ngày rồi. Giờ đến lượt các chị rửa bát, nhưng các chị bận con nhỏ thì thuê cậu", bà chị cả vừa bế con vừa tuyên bố. Mẹ chồng cô cũng hùa vào: "Nó đang kêu không có tiền mua đào Tết, để nó lao động kiếm tiền". Sau vài phút, Hòa bàn với chồng "cùng làm rồi chia đôi tiền". Đôi vợ chồng trẻ chia nhau bê mâm, vừa rửa bát vừa trêu đùa.
Minh Hòa về làm dâu ở TP Tuyên Quang từ cuối năm 2019. Tết năm ngoái, chỉ có vợ chồng cô và bố mẹ chồng đón Tết cùng nhau. Nhà neo người nên ít bát đũa, nấu nướng. Công việc gì Minh Hòa cũng được mẹ chồng hỗ trợ.
Năm nay, Hòa mang bầu tháng thứ ba. Hai chị chồng đều đưa cả nhà về ngoại ăn Tết nên mâm cơm có thêm bảy người. Việc bếp núc, dọn dẹp cũng vất vả hơn. "Tôi nghĩ một năm mới có ba ngày Tết, bận rộn tí cũng chẳng sao nhưng các chị chồng đều biết mình nhiều việc và tâm lý", Hòa nói.
Bận với con nhỏ đứa 6 tháng tuổi, đứa một tuổi quấn mẹ, lại lạ nhà nên quấy khóc, các chị chồng không giúp được gì nhiều cho Hòa nhưng hễ thấy em dâu khệ nệ mang vác đồ nặng, các chị chồng lại huých anh rể xắn tay phụ giúp.
Hôm gói bánh chưng, cả nhà quầy quần bên bếp củi, tranh nhau kể chuyện ngày bé. Nhờ thế mà Hòa biết anh chồng giáo viên vốn điềm tĩnh và đạo mạo của mình thời trẻ con từng vác gậy đuổi chị cả khắp nhà vì bị vứt mất mấy hòn bi ve.
Tối 27 Tết, thấy em trai đi chơi đến nửa đêm mới về, hai chị chồng của Hòa gọi vào mắng: "Đang dịch bệnh, vợ lại bầu bí, các cháu còn nhỏ phải biết phòng thân để không gây họa cho mọi người chứ". Nằm trong phòng vờ ngủ, Hòa vừa "hả hê" vì chồng bị mắng, vừa xúc động khi về làm dâu một gia đình hiểu biết.
Biết con dâu có bầu, bố mẹ chồng cô cũng bớt cầu kỳ chuyện cỗ bàn. "Ông bà bảo bây giờ không ai Tết nhất mời nhau ngồi ăn cỗ nữa. Đang đại dịch, gặp gỡ ít thôi, vừa an toàn lại vừa có thời gian cho con cái nghỉ ngơi", Hòa kể.
Thay vì dồn hết việc nhà lên vai phụ nữ hay "thuê em trai" rửa bát, hôm 28 Tết, chị cả đề nghị họp gia đình, phân công công việc cụ thể cho từng người. Hòa và mẹ chồng làm cơm. Bố chồng lo xẻ thịt lợn gói giò, chẻ củi. Các anh rể và chồng Hòa rửa bát, quét dọn nhà cửa, phơi đồ. Các chị trừ lúc vướng con thì tranh thủ rửa lá gói bánh, lau bàn ghế, dọn dẹp khi khách rời nhà. Ai không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị phê bình vì không nghiêm túc sẽ phải nộp tiền vào lợn đất tiết kiệm của gia đình.
"Dù mọi người không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình như kỳ vọng của chị cả, nhưng tôi thấy mình may mắn khi tất cả các thành viên đều có tư tưởng tiến bộ. Ai cũng biết san sẻ và đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu", cô con dâu quê ở huyện Chiêm Hóa, nói.
Tết với Thu Hiền (31 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) không chỉ là dịp để nghỉ ngơi mà còn là quãng thời gian bổ ích để khám phá. Sinh ra và lớn lên trong gia đình là người Hà Nội gốc, Hiền chưa bao giờ được trải nghiệm Tết quê, cho đến khi lấy chồng - anh Thanh Đức, ở Thanh Hóa.
Tết đầu tiên về quê chồng cách đây năm năm, Hiền theo mẹ chồng dậy từ mờ sáng sang nhà hàng xóm đun nước sôi để "đụng lợn". Đàn ông hì hụi khênh con lợn nặng cả tạ ra chọc tiết. Phụ nữ lo chuẩn bị dao, thớt, bát, đĩa. Vừa làm, vừa trò chuyện rôm rả. Nhiều từ địa phương, cô gái Hà Nội cứ ngây ra không hiểu, mẹ chồng lại "tua" chậm lại và "phiên dịch" để con dâu làm quen dần.
Hiền thích nhất bữa cơm chiều 30 Tết. "Xưa nay tôi nghe nhiều đến Tết đoàn viên, nhưng giờ mới hiểu ý nghĩa thực sự khi chung mâm với gia đình chồng", cô gái Hà Nội nói.
Cô sống trong một gia đình bố mẹ ly thân chứ không chịu ly hôn. Từ nhỏ, chị em cô mỗi người ở với bố hoặc mẹ, ăn cơm hai mâm trong ngôi nhà có vách ngăn. Khi bố qua đời vì bệnh nan y, hai chị em Hiền mới được "đoàn tụ".
Bữa cơm tất niên của nhà chồng Hiền luôn đủ mặt các thành viên trong gia đình. Ông bà thường dùng sự kiện này để điểm lại những "thành tựu" của gia đình một năm qua: có thêm đứa cháu nội, hai đứa cháu ngoại, bán hai con bò sắm được thêm cái xe máy... Đêm giao thừa, khi chiếc TV màu đời cũ vang lên giọng đếm của MC truyền hình, cả nhà thường im lặng, nghe hết bài chúc Tết của Chủ tịch nước rồi mới làm lễ cúng gia tiên. "Mọi người đều kính cẩn hướng lên bàn thờ. Cảm giác rất thiêng liêng", Hiền cảm nhận. Bố mẹ chồng cô thường mừng tuổi cho các con, cháu trước khi nhận những bao lì xì đỏ.
Sáng mùng 1, cô con dâu người Hà Nội tỉnh giấc khi bát đũa ăn đêm qua, mẹ chồng đã rửa sạch, Hiền và chồng chỉ còn việc nhập hội với con cháu trong họ, đi chúc Tết từng nhà trong xóm. "Trẻ con ở quê rất đáng yêu, mừng tuổi 10 nghìn hay 20 nghìn chúng đều rất háo hức", cô nói.
Đi giày cao gót nên chỉ được một lúc là mỏi nhừ chân, cô tháo ra đi chân trần. "Con ni mới viền đây mấy ngày mà sắp giống hệt mịa chồng. Toàn đi chân đất", bà hàng xóm cười rồi xách đôi dép tổ ong ra cho mượn.
"Mỗi dịp cuối năm, chỉ mong về quê chồng ăn Tết. Với tôi, đây là quãng thời gian nghỉ dưỡng tuyệt vời, cả thể chất và tâm hồn", chị Hiền nói.
Nhật Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét