Khánh HòaSáng dậy, nhìn thấy ở giường của Lê Thành Đô treo túi xách, những người cách ly cùng phòng thắc mắc: "Sao mày xài đồ phụ nữ". Đô bảo: "Em tự đan".
Hai mươi ba người cùng phòng lần lượt đến ngắm sản phẩm đầu tay của chàng trai 28 tuổi, quê Phú Thọ. "Thảo nào bữa đến giờ cứ thấy nó lúi húi lôi ra lôi vào mấy sợi len", một người cùng phòng nói qua lớp khẩu trang. Vài người lớn tuổi bật video gọi về cho vợ, khoe: "Túi ở bên Đức mua về, mình thấy đẹp không?". Thấy bà xã thích thú, họ đặt mua len và phụ kiện, nhờ Đô đan giúp. Chàng trai quê Phú Thọ và những người cùng cách ly đều từ Đức về nước trên chuyến bay VN30 hôm 28/1.
Theo quy định, mọi người nhập cảnh đều phải cách ly 14 ngày tại Trung đoàn Bộ binh 803 (Ninh Hòa, Khánh Hòa), nghĩa là đúng ngày 30 Tết, họ mới được đoàn tụ cùng gia đình.
Nhưng hai ngày sau, nhân viên y tế đến gọi tên một người trong phòng, yêu cầu cách ly riêng. Người này dương tính với Covid-19, nhưng không khai báo. Điều đó đồng nghĩa với việc tất cả những người cùng phòng sẽ phải tính thời gian cách ly bắt đầu từ 30/1.
"Mọi người trong phòng đều bức xúc vì một người gian dối mà ảnh hưởng đến cả tập thể. Để về được Việt Nam giữa lúc châu Âu phong tỏa đâu có đơn giản. Phải gửi thư lên đại sứ quán, chờ đợi rất lâu mới may mắn được xét duyệt trong hàng trăm nghìn người", Thành Đô kể.
Kế hoạch bị đảo lộn, chỉ ăn, ngủ rồi thể dục khiến chàng trai trẻ bí bách. Tình cờ xem một video dạy đan túi xách bằng len trên mạng xã hội, Đô tò mò vào xem. Chàng trai có hai năm kinh nghiệm trong nghề làm nail tin mình cũng có thể làm được những chiếc túi như vậy. Anh quyết định nhờ cán bộ đặt hàng giúp.
Ngày đầu bắt tay vào đan túi, chàng trai ôm khư khư laptop, vừa làm vừa xem video hướng dẫn. Sau một buổi sáng đan vào, tháo ra, Đô hoàn thiện xong một chiếc túi méo xệch, sợi len không đều nhau. "Khó nhất là khâu lắp các khớp cho thành một cái túi hoàn chỉnh", anh nói.
Mấy hôm đầu, mải đan, bạn cùng phòng mang cơm trưa đến đặt ở bàn, Thành Đô quên không ăn. Đến chiều, cơm nguội ngắt, anh lại lôi mỳ gói ra ăn.
Giường Đô đặt ở đầu phòng, nên thấy anh lúi húi đan móc, ai cũng trêu đùa. Trong nhóm chat của cả phòng đầy những bức ảnh, video thanh niên này đan túi. "Nhưng đến ngày hôm sau, nhìn thấy những chiếc túi hoàn thiện thì các chú, các anh trong phòng đều khen đẹp", Đô vui kể. Anh dự định sẽ tặng bạn mình vào dịp 8/3. Theo kế hoạch, Đô đan thêm túi tặng nhân viên y tế để kỷ niệm những ngày cách ly.
Từng hai lần "nhập trại", Đô rất ấn tượng với các nhân viên y tế, cán bộ khu cách ly. Ở lần hai này, khi khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới sắp đến, càng nhiều điều khiến anh tâm tư hơn.
"Các anh nhân viên y tế nói nếu không phát sinh bệnh nhân dương tính thì sẽ được về đón giao thừa với gia đình. Nhưng vì chúng tôi ở lại, các anh cũng phải ở lại. Nghe xong, lòng tôi trùng xuống", Đô kể. Ban đầu, anh và những người trong phòng chỉ bực bội vì cảm giác bị lỡ dịp đón năm mới, quên mất các nhân viên y tế cũng vậy.
Những ngày này, thời tiết ở Ninh Hòa nóng bức, nhưng hai nhân viên y tế lúc nào cũng phải mặc bộ đồ bảo hộ bịt kín. Ngày hai lần, họ leo bộ hai tầng cầu thang, đi đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe cho gần 200 người. Mồ hôi các anh ướt đẫm. Nhưng nghe Đô nói bị dị ứng, sáng hôm sau, họ mang thuốc đến ngay.
Ngoài quà tặng cho nhân viên y tế, những ngày qua, rất nhiều các cô chú, anh chị trong khu cách ly nhờ Thành Đô đan túi giúp. "Lúc chúng tôi về nước, cả châu Âu phong tỏa, ngoài quần áo, chẳng mang được quà cáp gì về. Thế nên thấy túi Đô đan đẹp, tôi cũng nhờ cậu ấy đan giúp vài cái", anh Hà Quốc Vương, 39 tuổi, quê Ninh Bình nói. Ngay khi nhận được quà của Thành Đô, anh Vương "bọc cẩn thận vì hở ra là có người giành mất".
Sáng ngày 29 Tết, Lê Thành Đô cùng các thành viên trong phòng thấp thỏm đợi nhân viên y tế đến đo thân nhiệt. Nhân đó, anh sẽ trao túi mình tự đan và quà của cả phòng cho các bác sĩ quân y.
"Không phải ai cũng tận dụng thời gian cách ly một cách ý nghĩa như Đô. Cậu ấy không chỉ chăm chỉ, khéo tay mà còn có tâm và thiện chí. Nhận món quà tinh thần ý nghĩa của công dân, chúng tôi rất biết ơn và có động lực để tiếp tục làm việc", bác sĩ Lê Minh Ngọc, phụ trách chăm sóc sức khỏe cho 24 người trong phòng Thành Đô, nói.
Xem thêm những chiếc túi do Thành Đô tự đan.
Phạm Nga
0 nhận xét:
Đăng nhận xét