TP HCMGần 200 lao động nghèo các tỉnh từ Phú Yên đến Quảng Bình được đi xe miễn phí về quê ăn Tết cùng những phần quà là bánh mứt và quần áo ấm.
Sáng ngày 31/1, (19 tháng Chạp), bà Lê Thị Liên, 69 tuổi cùng 11 người bạn bán vé số đều quê Phú Yên có mặt tại số 1A Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp để về quê. Đây là lần đầu tiên sau hơn chục năm bán vé số ở Sài Gòn, bà được về quê ăn Tết sớm như thế này.
Người phụ nữ và nhóm đồng hương cùng sống trong một khu trọ gần chợ đầu mối Thủ Đức. Nửa tháng trước, một người trong nhà trọ mang về tờ giấy giới thiệu về chuyến xe 0 đồng, bà liên hệ với anh Tống Hoàng Quân, trưởng nhóm thiện nguyện G9 - Vì nụ cười trẻ thơ để đặt chỗ. Anh Quân đã đến tận nơi tìm hiểu hoàn cảnh, mọi người bàn nhau nghỉ bán để về quê sớm. Mọi năm, họ tranh thủ bán đến 28 âm lịch, mới về quê.
Là một trong những người được nhận vé, phát quà sau cùng, sợ xe chạy mất nên khi thấy nhiều người đã di chuyển ra xe, bà Huỳnh Thị Thu, 63 tuổi vừa đi vừa chạy tìm chiếc xe số 4 đưa mình về Quảng Trị.
Là một người khuyết tật ở huyện Cam Lộ, bà Thu vào Sài Gòn làm nghề giúp việc nhà hai năm nay. Sắp Tết, bà Thu vừa bị chủ nhà cho thôi việc không lý do. Có mặt từ sáng sớm, hành lý của người phụ nữ chỉ có vài bộ quần áo. Bà không ngờ ngoài được đi xe về quê còn được tặng thêm rất nhiều quà.
Trong lúc chờ xe chạy, bà Thu mở phần quà tết ra xem thì thấy có đầy đủ mứt bánh, hạt hướng dương, dầu ăn, trà, đường... "Các em, các cháu lo cho tôi cái Tết đầy đủ không thiếu thứ gì. Đã không tốn tiền mua vé xe, lại còn có quà bánh và quần áo mới nữa", người phụ nữ rớm nước mắt nói.
Ngồi cạnh bà Thu, Phạm Văn Tiến, 20 tuổi, sinh viên Đại học Công nghiệp là người phải đi quãng đường xa nhất để về quê. Kết thúc gần 1.200 km với gần 30 tiếng về đến bến xe Đồng Hới (Quảng Bình), chàng trai phải đi thêm một chặng xe đò gần 2 tiếng nữa mới về đến nhà ở huyện miền núi Tuyên Hóa, nơi có căn nhà cấp 4 của gia đình bị ngập sâu 3 mét trong đợt lũ năm ngoái.
"Xe về đến nhà em đã lên đến 1,5 triệu đồng một vé. Năm ngoái, em về quê vào ngày 29 Tết nhờ mua lại được một tấm vé từ công nhân được hỗ trợ, họ không về nên bán lại. Bố mẹ em làm nông, năm nay lũ lớn nên kinh tế gia đình khó khăn, được nghỉ học sớm nên em về luôn", Tiến nói.
Anh Tống Hoàng Quân, trưởng nhóm G9 cho biết: "Nhóm chúng tôi hoạt động đã 8 năm, nhưng đây là năm đầu tiên làm chuyến xe 0 đồng. Năm ngoái, sau khi đi cứu trợ miền Trung bị lũ lụt trở về, chúng tôi quyết định sẽ tổ chức chương trình này bởi hiểu được những khó khăn của bà con vì dịch bệnh và thiên tai ở quê nhà".
Ý tưởng về "chuyến xe 0 đồng" của nhóm đã nhận được sự hưởng ứng và chung tay của nhiều nhóm thiện nguyện khác như Đoàn khối ngân hàng TP.HCM, CLB từ thiện Hành Trình Tím... Ngoài vé xe miễn phí, bà con lao động nghèo ngoại tỉnh còn được nhận những phần quà Tết, quần áo ấm, tiền lì xì... Một sân khấu lớn đã được dựng lên dự định để tổ chức tiệc tất niên với chương trình ca nhạc nhưng vì đợt dịch Covid-19 mới bùng phát nên bị hủy. Thay vào đó, bà con được tặng một phần ăn trưa do nhóm Rảnh là đi nấu.
Anh Quân cho biết, để tìm được người tặng vé xe 0 đồng, một tháng trước nhóm đã cùng nhau mở đăng ký trực tuyến nhưng sợ những lao động nghèo, những cô bác lớn tuổi không biết đến chương trình nên các thành viên quyết định đi tìm người để tặng vé.
Hàng ngày, sau giờ làm, anh Quân và mọi người chia nhau đi khắp những con đường ở Sài Gòn, hễ thấy người bán vé số, nhặt ve chai đêm khuya... thì đứng lại hỏi thăm, tìm hiểu hoàn cảnh và tặng vé nếu thấy họ cần giúp đỡ.
Đã tổ chức nhiều chuyến xe 0 đồng cho thanh niên, công nhân về quê ăn Tết nhiều lần nhưng đây lần đầu tiên Đoàn thanh niên khối ngân hàng TP HCM hỗ trợ chuyến xe cho người lao động tự do. Chị Trần Thị Hà Thanh, Bí thư đoàn khối cho biết: "Chúng tôi không muốn chỉ tặng vé xe mà muốn liên kết nhiều nhóm, hỗ trợ hết sức có thể với những phần quà khác để bà con có một cái Tết đủ đầy".
Anh Quân cho biết, đợt về đầu tiên này, nhóm phải vận động bà con về sớm để tránh tập trung vào những ngày cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn muốn ở lại làm thêm. Sau khi thấy dịch tái bùng phát, họ lại gọi điện đến xin được về sớm vì sợ bị kẹt lại Sài Gòn.
Vào ngày 7/1, (26 tháng Chạp) tới, nhóm sẽ có 2 chuyến xe 0 đồng nữa, đưa thêm gần 100 người lao động miền Trung về kịp đón Tết.
"Theo kế hoạch, nhóm sẽ cử mỗi xe một thành viên đi theo xe tiễn bà con đến tận điểm cuối của mỗi tỉnh, nhưng vì dịch nên không thực hiện được. Đây là điều tiếc nhất của tôi vì thấy chưa làm tròn trách nhiệm với bà con. Mong tất cả mọi người đều về đến nhà bình an", anh Quân chia sẻ.
Diệp Phan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét