Hà Nội21h30 ngày 30/1, chị Trần Thị Nga ngồi sụp xuống khi nhận tin, một học sinh cùng lớp với con trai 9 tuổi của chị đã mắc Covid-19.
Sau hai ngày thấp thỏm, điều không mong đợi nhất đã đến. Con trai chị cùng với 35 học sinh và giáo viên lớp 3E trường tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm) sẽ phải đi cách ly.
Từ tối thứ Sáu, người phụ nữ 37 tuổi nhận được thông báo của trường cho biết, có một học sinh lớp 3E có bố là F1. Hai vợ chồng chị Nga lập tức ngồi cùng con để "lục lại trí nhớ" xem con đã tiếp xúc gần với bạn hay chưa. "Bạn này mới chuyển về nên con chưa chơi thân. Bạn ấy lại ngồi ở dãy bàn khác", bé Tin - con trai chị, trả lời. Cơ mặt họ giãn ra.
Sáng thứ Bảy, chị Nga biết tin phụ huynh F1 đã dương tính. Con chị từ F3 đã trở thành F2.
"Tôi không làm được gì, mắt không dám rời cái điện thoại", người phụ nữ nói. Nhóm chat của các phụ huynh lập tức "sôi sục" nhưng ngay sau đó mọi người động viên nhau đoàn kết. Không ai muốn xa con trong những ngày cận Tết này nhưng mọi người xác định nếu đi cách ly vẫn có cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô khác của trường ở cùng các con nên cũng đỡ lo.
Vợ chồng chị Nga cũng "làm công tác tư tưởng" với bé Tin trước. "Chồng tôi nói về mức độ nguy hiểm của virus với cộng đồng và bảo con nếu có cách ly sẽ đi cùng cô giáo và các bạn. Còn nếu được, bố sẽ vào ăn Tết cùng con", chị kể. Cậu bé 9 tuổi tỏ ra hiểu chuyện, cười nói vui vẻ như ngày thường.
Tối đó, anh Huỳnh Anh, chồng chị nấu bữa tối, còn chị dọn dẹp nhà cửa. Không ai bảo ai nhưng cả hai vợ chồng đều chuyển điện thoại sang chế độ "đổ chuông". Hễ thấy tiếng thông báo, cả hai cùng lao vào cầm máy. 21h30, họ nhận được tin bạn của con đã dương tính với nCoV.
Chị Nga ngồi thụp xuống, chân tay bủn rủn, nước mắt lại trào ra. Những cuộc gọi của người thân liên tục dội về giục mua đồ cho bé Tin đi cách ly. Lúc này bà mẹ chẳng nghĩ được gì nhiều. Chị chỉ nhớ con thích bánh gạo, bánh ngọt nên gọi siêu thị giao hàng đến. Đầu dây bên kia bắt máy mà mãi chị mới nói được thành câu.
Ông bố gọi con ra cùng chuẩn bị đồ để "nhập trại". "Con sẽ đi cách ly cùng các bạn trong lớp và cô giáo 21 ngày. Con nhớ nghe theo hướng dẫn của cô và các bác, các cô tại trường nhé. Hàng ngày, bố mẹ sẽ gọi cho con", Huỳnh Anh dặn dò con trai.
Nghe phải đi cách ly ngay trong đêm, Tin leo lên giường nằm khóc. Bố mẹ khuyên thế nào cũng không nín. "Con sợ lắm", cậu bé gục đầu vào lòng mẹ, làm chị Nga nghẹn không nói được thành lời.
22h30, cô hiệu trưởng thông báo, một phụ huynh được cùng con ở lại điểm cách ly. Hai vợ chồng nhìn nhau thở phào. Chị Nga gạt nước mắt, ngồi phắt dậy đi thu xếp quần áo cho chồng. Cu Tin cũng thôi khóc. Hơn 23h, chị tiễn chồng và con trai ra cửa.
Người mẹ bế đứa con ba tuổi thở dài, nhìn đoàn xe lao vào đêm. Xuân này, lần đầu tiên sau 10 năm kết hôn, gia đình chị phải ăn Tết hai nơi, cách nhau chỉ 4 km. "Năm qua đầy những biến động, nhưng gộp tất cả lại không bằng bão táp của đêm biết con phải đi cách ly", chị Nga nói.
Không chỉ chị Nga, hơn 70 phụ huynh khác trong lớp 3E đều "ruột nóng như lửa đốt". Ngày 31/1, trong cơn mưa chiều nặng hạt, anh Ngô Văn Đức khoác áo mưa, phóng tới trường vì vợ anh đang ở trong khu cách ly nhắn ra bảo mang truyện cho con gái. Đêm qua đi gấp, họ chẳng nhớ được gì nhiều.
Tới cổng trường, anh gửi bọc đồ tiếp tế qua các chiến sĩ bộ đội bên ngoài rào sắt, rồi cố rướn người hướng mắt nhìn vào trong nhưng rồi thất vọng vì chẳng thể nhìn thấy con gái. "Không ngờ chỉ sau một tin nhắn giữa đêm vợ và con cùng dắt díu nhau vào khu cách ly", người đàn ông 38 tuổi thở dài.
Vợ con rời nhà vào nửa đêm, anh Đức cũng thức tới sáng. Anh dự định sẽ mang chút đồ, lấy cớ để nhìn vợ con từ xa. Nhưng ở khu cách ly, đồ đạc chuyển tới phải gửi ở ngoài, không ai được gặp người thân. Mở túi đồ, anh Đức kiểm đếm, ngoài sách truyện, vài món ăn con gái thích và ít quần áo, còn tờ giấy nhỏ: "Vợ và con gái cố lên nhé".
"Không sao đâu, tớ sẽ đi cùng cậu", bé Vân Nhi - lớp trưởng lớp 3E an ủi bạn qua điện thoại trong lúc bố mẹ đang xếp đồ cho con gái vào khu cách ly. Trái với sự bình tĩnh của cô bé, bà mẹ vẫn còn run lẩy bẩy sau khi đọc tin nhắn thông báo.
Trước khi nhận tin, vợ chồng anh Nguyễn Văn Vịnh, 38 tuổi, đã nhờ người quen mua hoa quả, sữa, đồ ăn để chuẩn bị cách ly tại nhà. Không ngờ những món đồ đó, anh Vịnh phải gói ghém cho vợ và con gái Vân Nhi mang đến trường.
2h đêm 31/1, con gái anh Vịnh cùng mẹ và các bạn lần lượt đi lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi ổn định chỗ ở, nhân viên y tế và cô giáo đến bên từng bạn động viên, đồng thời hướng dẫn các em nội quy. Mỗi phòng có bốn học sinh và phụ huynh đi kèm, chia thành bốn góc. Họ lấy bàn kê làm giường, chăn màn đã sẵn. Quen ở nội trú nên sinh hoạt tại trường không khiến các con bỡ ngỡ. Cô bạn thân khóc với Vân Nhi giờ đã cười với bạn qua màn hình điện thoại.
Sáng hôm sau, anh Vịnh gọi vào cho vợ và con gái, nghe thấy tiếng loa phát đi thông báo mọi người ngồi cách nhau 2m. Cũng như các trường hợp khác, mẹ con bé Nhi được phát một máy đo thân nhiệt riêng. Cứ vài tiếng cô bé lại chủ động cầm máy lên, rồi thông báo kết quả với người phụ trách phòng. Trải qua một đêm biến động, nhưng tinh thần và thể trạng của các bé ở phòng Vân Nhi đều tốt.
"Hôm nay nhân viên y tế và cán bộ phải lấy mẫu xét nghiệm nhiều nên các con ăn tạm bánh mỳ. Phụ huynh mang nhiều hoa quả, trái cây vào nên không vấn đề gì", anh Vịnh chia sẻ.
Hơn 10 giờ đêm 31/1, anh Vịnh, chị Nga, anh Đức và hơn 70 phụ huynh khác ở lớp 3E cùng nhận được tin nhắn từ cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, hiệu trưởng trường tiểu học Xuân Phương báo tin tất cả 116 mẫu xét nghiệm của học sinh, giáo viên và phụ huynh lớp 3E cho kết quả âm tính. Tất cả như vỡ òa.
"Tin nhắn trong nhóm đến giờ vẫn ting ting. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Mẹ con cô ấy chắc mừng, giờ còn chưa ngủ đâu", anh Vịnh nhắn lúc nửa đêm.
Các phụ huynh trong lớp 3E đang kêu gọi ủng hộ truyện tranh, sách để bố mẹ và các bé biến những ngày cách ly thành quãng thời gian bổ ích. "Bình thường các bạn sẽ được chơi cùng nhau nhưng giờ không được tụ tập, ngồi một chỗ chắc chắn sẽ rất buồn. Cho xem điện thoại nhiều cũng không tốt", chị Nga viết trên Facebook.
Các phụ huynh lớp 3E bàn nhau, sau này được về nhà, truyện và sách sẽ gửi cho học sinh ở khu cách ly khác hoặc trẻ ở vùng khó khăn.
Tên một số phụ huynh và học sinh đã được thay đổi
Phạm Nga - Hải Hiền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét