Hong KongDawn và Kaye không đi học, không đi khám bệnh, cũng chẳng có chứng minh thư hay hộ chiếu.
Dawn, 30 tuổi, cười vang khắp phòng. Kaye, 29 tuổi, chăm chú nhìn chị gái với vẻ ngưỡng mộ, giống như khi còn nhỏ, cô vẫn hay lẽo đẽo theo chị mình đi khắp nơi.
Thoạt nhìn, dường như không có gì bất thường về hai chị em này. Nhưng đằng sau nụ cười huyên náo đó là sự thất vọng gần ba thập kỷ. Cả Dawn và Kaye đều được sinh ra tại bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth ở Yau Ma Tei, Hồng Kông. Nhưng về mặt pháp luật, chị em họ không hề tồn tại.
Mẹ của chị em Dawn là người gốc Philippines đến Hồng Kông làm giúp việc và quá hạn visa năm 1980. Khi Kaye được hai tuổi, người bạn trai đã ở bên bà năm năm biến mất, chẳng hỗ trợ bất cứ thứ gì để nuôi con. Sợ bị bắt giam hoặc các con bị tách khỏi mình, người mẹ không dám đăng ký khai sinh cho chị em Kaye và Dawn.
"Sau đó tôi đã cố tự mình làm giấy tờ cho con và yêu cầu cha chúng làm điều đó, nhưng ông ấy luôn đổi ý và tôi không muốn ép buộc ông ấy", người mẹ tên Feli, 58 tuổi, nói. Bà chấp nhận làm việc chui lủi ở Hồng Kông để nuôi con khôn lớn. "Tôi rất sợ", Feli, 58 tuổi, nhớ lại.
Mẹ con bà sống nhờ nhà bạn bè, khoảng bảy người tất cả ở Jordan, Yau Ma Tei, Hung Hom và Mong Kok. Đổi lại, Feli phụ giúp việc nhà, chăm sóc con cái của bạn và nuôi con mình. "Tôi không thể cho con đi học, nhưng cố dạy chúng", Feli nói.
Khi Dawn 11 hoặc 12 tuổi, một người bạn cho cô bé mượn thẻ thư viện và mượn năm cuốn sách cùng lúc. Sau đó, em gái Dawn sẽ lại đọc sách chị mượn được. Dù chưa từng đi học một cách chính thức, Dawn và Kaye thông thạo tiếng Anh và tiếng Tagalog (ngôn ngữ của một phần tư dân số Philippines).
"Thời điểm đó, tôi định về Philippines, nhưng tôi nghĩ sẽ dễ dàng nuôi con ở đây hơn là quay lại quê hương nghèo khó. Trong nhận thức muộn màng, tôi tiếc vì đã không về và cho con đi học", Feli hối hận về cách nuôi dạy con của mình.
Dawn ý thức được hoàn cảnh của mình từ khi lên 10. Mẹ cô bé né tránh, nhưng những người lớn khác nói cho Dawn biết. "Khi có khách đến thăm mà mẹ tôi không ở đấy, họ sẽ nói như thể họ nhận nuôi chúng tôi. Có người nói với tôi rằng chúng tôi có thể bị kiểm tra và mẹ có thể bị bắt. Thật đáng buồn và đáng sợ", cô nhớ lại.
Hai cô bé chủ yếu ở nhà xem tivi và chơi điện tử, chỉ đi chơi với mẹ. "Chúng tôi muốn bảo vệ mẹ", Dawn kể. Cuối tuần, họ đến nhà thờ công giáo để được tham gia hoạt động xã hội và chơi với bạn bè.
Về phần Kaye, tới tận năm 16 tuổi cô mới biết mình đang ở trong hoàn cảnh đặc biệt. "Chị dặn tôi cẩn thận. Tôi sợ hãi và cảm thấy tuyệt vọng. Trước đó tôi cũng tò mò nhưng không hỏi", Kaye, cô gái có năng khiếu về nhiếp ảnh nhưng từ bỏ ước mơ vì không có tư cách pháp nhân, nói.
Khi đến tuổi trưởng thành, những nghi ngờ và sợ hãi lớn dần và trở thành hiện thực. Họ không thể làm những việc bạn bè đang làm, không thể học và kiếm công việc tốt. Sự thất vọng của Dawn ngày càng lớn khi cô bắt đầu hẹn hò. Cô biết không có giấy tờ gì thì việc kết hôn và rời thành phố là không thể.
Tuy nhiên, khoảng năm năm trước, có một tia hy vọng cho chị em Dawn giữa tin tức bi thảm về một cô bé 15 tuổi tự vẫn. Cô bé này ở vịnh Repulse, sinh ra và lớn lên ở thành phố mà không có giấy tờ tùy thân. Sự kiện đau lòng này gợi ý cho chị em Dawn thay đổi nghịch cảnh.
"Tôi đọc thông tin về cô bé và biết đến người phát ngôn của PathFinders - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hồng Kông hỗ trợ các bà mẹ nhập cư và gia đình của họ. Người này nói có nhiều trường hợp tương tự và khẳng định sẽ có nhiều người ngoài kia sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi", Dawn kể.
Cô dành hàng giờ để tìm hiểu về các nhóm phi lợi nhuận hỗ trợ các bà mẹ nhập cư và con cái của họ. Kết quả là tháng 9 năm ngoái, Feli đã gọi cho PathFinders. "Mẹ tôi bình tĩnh những nước mắt ướt đẫm", cô con gái đầu kể.
Với sự giúp đỡ của nhóm phi lợi nhuận và hai luật sư, Feli và các con đã tiến hành xét nghiệm ADN để xác nhận mối quan hệ mẹ con để đủ điều kiện cấp giấy khai sinh.
Sau đó, họ tìm kiếm các nhân chứng và những bức ảnh cho thấy họ đã sống cả đời ở Hồng Kông và soạn thảo tiểu sử. Cuối cùng họ trải qua một cuộc phỏng vấn và nhận giấy khai sinh vào ngày 22/10 năm nay. Lãnh sự quán Philippines đã cấp giấy thông hành cho họ.
Quản lý hồ sơ của tổ chức từ thiện PathFinder, Hina Ali, cho biết, trường hợp của Feli không dễ giải quyết. Họ tiếp nhận nhiều trường hợp quá hạn giấy tờ và làm việc chui trong vài năm, không ai ở Hồng Kông bất hợp pháp lâu như mẹ con Feli.
Theo luật của Hồng Kông, trẻ sinh ra phải được đăng ký trong vòng 42 ngày. "Nhưng nếu quá 42 ngày, không nên chỉ quy trách nhiệm cho người mẹ. Chắc chắn cũng không phải trách nhiệm của trẻ. Là một xã hội, tôi cảm thấy mọi người đều có thể can thiệp sớm", cô nói.
Catherine Gurtin, Giám đốc điều hành của PathFinders, cho rằng cần phải giải quyết những quan niệm sai lầm trong cộng đồng, đồng thời cung cấp giáo dục về quyền thai sản của người giúp việc và thông báo cho họ trước khi đến Hồng Kông.
Sau khi được công nhận tư cách pháp nhân, Dawn cho biết gia đình cô sẽ trở về Philipines để có một khởi đầu mới. Họ sẽ gặp lại bà ngoại - người mà chị em cô chỉ biết qua những cuộc gọi video run rẩy — ở phía bắc của Luzon, hòn đảo nơi có thủ đô Manila.
Cô dự định sẽ bay đến Mỹ, nơi chồng sắp cưới đang ở, kết hôn và kiếm một công việc. "Tôi muốn giúp đỡ những người khác và ngăn điều tương tự xảy ra", Dawn cho biết.
Kaye dự định đi học và sau đó lấy bằng đại học về nhiếp ảnh và nghệ thuật kỹ thuật số. Feli lần đầu sau nhiều thập kỷ đã được đi khám và phát hiện mình mắc chứng cao huyết áp, tiểu đường. Bà muốn hồi hương để sống một cuộc đời bình yên, nuôi dê và gà, trồng rau trong trang trại ở quê nhà.
"Ai gặp cảnh như chúng tôi đừng sợ hãi. Hãy tin ngoài kia có những thứ dành cho bạn, có những người có thể giúp bạn", Dawn nói.
Nhật Minh (Theo SCMP)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét