MỹAlicia lo lắng khi hành vi của con mình không phù hợp với những mô tả trong cuốn sách trẻ em cô đang đọc.
Bé gái bốn tuổi ở thành phố Burlington, bang Vermont bật khóc mỗi khi nghe tiếng chim kêu, một người hát sai điệu hoặc mặc quần áo xấu. Bé luôn luôn đòi được mẹ bế và không chịu ở một mình.
Alicia kiệt sức. Cô sợ con mình có vấn đề bất thường và vô tình bắt gặp quyển sách trong đó nhắc đến cụm từ "đứa trẻ quá nhạy cảm". "Mô tả trong đó cực kỳ giống con tôi", bà mẹ nói.
Nhạy cảm vốn bị đánh đồng với yếu đuối. Alicia đã học cách coi đó như một món quà của con gái, dù điều đó chẳng hề dễ dàng gì.
Những đứa trẻ nhạy cảm như những người người quan sát thế giới, nhưng có xu hướng bị kích thích quá mức. Chúng thường có nội tâm mãnh liệt, khả năng sáng tạo cao nhưng cảnh giác với tình huống mới và những người chưa quen.
Trẻ quá nhạy cảm dễ dàng cảm nhận tâm trạng và nỗi đau của người khác. Điều này khiến bạn đồng lứa và đôi khi cả người lớn tìm đến chúng để tâm sự. Lớn lên, những đứa trẻ này thường làm việc trong lĩnh vực tư vấn và chăm sóc sức khỏe để tận dụng lợi thế trời sinh của mình.
Theo nhà tâm lý học học Elaine Aron, cứ 5 đứa trẻ lại có một bé cực kỳ nhạy cảm. Nhạy cảm là khí chất bẩm sinh nên không biến mất mà kéo dài cả đời.
Tiến sĩ Michael Pluess, giảng viên tâm lý học phát triển ở Đại học Queen Mary London (Anh) phát hiện kinh nghiệm sống, đặc biệt vào những năm đầu đời, cũng tác động mạnh mẽ đến mức độ nhạy cảm của trẻ em.
"Chúng tôi phát hiện một nửa mức độ nhạy cảm chịu ảnh hưởng của yếu tố di truyền. Nửa còn lại phụ thuộc vào môi trường, bao gồm cả môi trường trước khi sinh", tiến sĩ Pluess nói.
Vị chuyên gia chia con người thành ba nhóm, đặt tên theo ba loài hoa. Người cực kỳ nhạy cảm là "hoa lan", loài hoa đẹp nhưng cần môi trường đặc biệt để phát triển. "Bồ công anh", cứng cáp và mọc được ở bất cứ đầu. "Tulip" là nhóm đông nhất, nằm giữa hai nhóm kia.
"Sự phân biệt này không nhằm đánh giá nhóm nào tốt, nhóm nào tệ", tiến sĩ Pluess giải thích. "Chúng là những kiểu tính cách khác nhau. Mỗi nhóm đều có ưu nhược điểm riêng".
"Điều quan trọng là phải giúp đứa trẻ hiểu rằng sự nhạy cảm của chúng không phải vấn đề mà có thể trở thành sức mạnh", ông nói thêm.
Tiến sĩ Pluess nhận thấy so với người ít nhạy cảm, người quá nhạy cảm nhận được nhiều lợi ích từ những trải nghiệm tích cực hơn. Trong một nghiên cứu do ông tiến hành năm 2015 ở Anh, những bé gái độ tuổi vị thành viên thuộc nhóm "hoa lan" phản ứng tốt với liệu pháp điều trị trầm cảm hơn những bé khác.
Tuy nhiên, mặt trái là khi còn bé, người quá nhạy cảm rất dễ bị tổn thương bởi những trải nghiệm đau buồn hoặc đôi khi chỉ đơn giản là sự thiếu thấu hiểu của người lớn.
Tiến sĩ Tracy Cooper, nhà nghiên cứu tại Đại học Baker, bang Kansas tự nhận là một người quá nhạy cảm. Ông cho biết bộ não của người như mình có nhiều đặc điểm riêng. "Những nghiên cứu trên hình chụp não cho thấy ở người quá nhạy cảm, các neuron gương liên quan đến thấu cảm và xã hội hóa hoạt động mạnh hơn. Các kết nối não kích thích sáng tạo cũng xuất hiện nhiều hơn", ông Cooper cho biết.
Những đứa trẻ quá nhạy cảm hay bị choáng ngợp ở các buổi tiệc hay tụ họp gia đình đến nỗi muốn rời đi. Chúng cũng gặp khó khăn trong việc thích nghi với không khí náo nhiệt ở lớp học. Tiến sĩ Cooper kể rằng hồi đi học, ông là "đứa trẻ kỳ lạ ngồi cuối lớp vẽ tranh, tách biệt khỏi mọi người và dù biết câu trả lời cũng không bao giờ giơ tay phát biểu".
Với những đứa trẻ quá nhạy cảm khó hòa nhập ở trường và các hoạt động nhóm, đại dịch mang tới thời gian nghỉ ngơi, cho chúng không gian để tự khám phá, sáng tạo, đọc và tư duy. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những thói quen như đi học giúp chúng bớt lo nghĩ về những chuyện có thể xảy ra.
Nhìn chung, tiến sĩ Cooper tin rằng phần lớn trẻ nhạy cảm tự điều chỉnh tốt trong hoàn cảnh dịch bệnh, thậm chí tốt hơn nhiều người lớn.
Các nghiên cứu cho thấy số trẻ trai quá nhạy cảm gần ngang bằng trẻ gái. Vấn đề ở chỗ, sự nhạy cảm bị cho là vi phạm chuẩn mực nam tính nên trẻ trai có thể phải chịu đựng sự xấu hổ, kỳ thị, thậm chí bạo lực ở trường.
Tiến sĩ Cooper cho rằng cần tôn trọng nhu cầu ở một mình của những trẻ trai quá nhạy cảm, thay vì ép chúng tham gia các hoạt động cạnh tranh như thể thao đồng đội.
Sự nhạy cảm quá mức đôi khi bị nhầm với nhút nhát, chứng sợ xã hội hoặc tự kỷ. Thực tế, phần lớn trẻ quá nhạy cảm là hướng nội nhưng vẫn có 30% hướng ngoại.
"Các nhà giáo dục thường ngạc nhiên khi biết các học sinh quá nhạy cảm stress thế nào khi ở trường", Candy Crawford, nhà trị liệu ở Chicago chia sẻ. "Tôi giải thích với họ rằng khi những đứa trẻ quá nhạy cảm lo lắng, giáo viên nên cho chúng đứng dậy, đi lại và lấy một cốc nước".
Cũng là một người quá nhạy cảm nên khi còn nhỏ, tiến sĩ tâm thần học Judith Orloff từ Đại học California luôn luôn căng thẳng mỗi khi đi siêu thị hay tới chỗ đông người. Ngày đó, người lớn xung quanh bảo Orloff "hãy cứng rắn lên".
"Đó là lời khuyên sai lầm", tiến sĩ Orloff nói. "Hãy dạy những đứa trẻ quá nhạy cảm hít thở vài hơi sâu, tưởng tượng ra một khung cảnh thư giãn và bình tĩnh lại".
Đôi lúc, người lớn cần đưa đứa trẻ quá nhạy cảm ra khỏi tình huống khiến chúng khó chịu. "Hãy giúp các con chấp nhận bản thân mình và tránh bị kích thích. Đừng cố loại bỏ những đặc điểm của chúng bằng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu".
Để giúp đỡ những đứa trẻ quá nhạy cảm chấp nhận chính bản thân, Alane Freund, chuyên gia trị liệu ở gia đình ở California đưa ra hình thức trị liệu thông qua hình tượng con ngựa.
"Một con ngựa có thể biết khi nào bạn căng cơ, thay đổi hơi thở. Chúng cũng có thể ngửi thấy mùi mồ hôi của bạn", Freund lý giải. "Sự nhạy cảm tột độ đó là cách chúng sống sót trong môi trường tự nhiên".
Giống như loài ngựa, trẻ quá nhạy cảm chậm làm quen với hoàn cảnh mới. "Ngựa trở thành hình mẫu để những đứa trẻ ấy hiểu rằng thận trọng là điều tốt", nữ chuyên gia nói tiếp.
Gần đây, Freund nhận được tin nhắn từ một cô bé 16 tuổi cực kỳ nhạy cảm, viết: "Cháu rất tệ trong việc kết bạn". Bà nhắn lại: "Cháu không tệ trong việc kết bạn, cháu chỉ làm điều đó theo một cách khác thôi. Thật ra, cháu rất giỏi kết bạn vì cháu từ tốn, chọn đúng người và cuối cùng tạo nên một tình bạn sâu sắc".
Thu Nguyệt (Theo New York Times)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét