Đường đến giảng đường của cô bé mồ côi

Hành trang vào Sài Gòn của Trịnh Thu Sương chỉ là chiếc ba lô đựng vài bộ quần áo sờn màu và nắm tiền lẻ mọi người giúi vội vào tay trước lúc lên đường.

Vừa đặt chân đến thành phố được mấy ngày, nghe tin bão số 9 đổ bộ vào miền Trung, gây mưa lớn cô gái quê Nghệ An, tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật vội cầm điện thoại, gọi về cho dì út. Nghe tin mọi người ở nhà an toàn, cơ mặt giãn ra. Câu hỏi tiếp theo của Sương là dành cho chú chó tên Mai Mai - "người cùng nhà" suốt 5 năm kể từ khi mẹ mất. Trước khi đi học, chú chó đã được gửi cho người dì chăm sóc hộ.

Tronng ký túc xá, mỗi khi buồn Sương lại mang đàn ra ngồi hát. Cây đàn này được cô gom góp tiền mua từ năm lớp 10. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tronng ký túc xá, mỗi khi buồn Sương lại mang đàn ra ngồi hát. Cây đàn này được cô gom góp tiền mua từ năm lớp 10. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trước khi mất cả bố và mẹ, Trịnh Thu Sương từng có một gia đình hạnh phúc. Năm cô bé 9 tuổi, cơn tai biến đột ngột cướp đi người cha. Cú sốc quá lớn này khiến mẹ Sương cũng mất đi sự minh mẫn kể từ đó. Cuộc sống của cô cứ lụn dần, bữa ăn thường chỉ có cơm trắng với cà muối, thi thoảng mẹ nhặt ve chai mới có thêm chiếc bánh đổi bữa. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì ngoài chiếc giường xiêu vẹo. Cái chân giường bị gãy được thay thế bằng những viên gạch xếp chồng lên nhau.

Nhưng số phận chưa thôi thử thách cô gái nhỏ. Đang học lớp 8, Sương lần nữa phải gánh nỗi đau mất mẹ sau một tai nạn giao thông. Hình ảnh mẹ nằm sõng soài giữa đường len lỏi vào giấc ngủ trở thành cơn ác mộng thường ngày của cô bé 14 tuổi. Đi học về, Sương không dám nhìn lên bàn thờ vì không nén nổi cảm xúc. Thương đứa cháu bơ vơ, bà ngoại ngoài 80 tuổi tuổi đón về ở cùng. Được một thời gian, bà già yếu nên người thân đưa bà về chăm sóc. Kể từ đó, trong căn nhà ngói "bé bằng cái nắm tay" chỉ còn lại một mình Sương. Để đỡ hiu quạnh, cô bé nuôi chó mèo. Chú chó đầu tiên được cô đặt tên là Mai Mai, gọi em xưng chị, đi đâu cũng được đèo đằng sau như người bạn thân thiết.

Ở một mình, Sương luôn thủ sẵn dao và gậy gỗ đặt phía đầu giường để... tự vệ. "Nhiều đêm mưa to, em nghe bên ngoài như có tiếng bước chân xột xoạt trong vườn, nên vùng dậy co mình vào góc tường rồi ôm Mai Mai thật chặt, tay thủ sẵn chiếc gậy. Khi tiếng bước chân dừng hẳn, em bật điện, lôi đàn ghi ta ra hát cho đỡ sợ", Trịnh Thu Sương kể.

Mồ côi bố mẹ nên hàng tháng Sương được trợ cấp 405.000 đồng. Số tiền còm ấy không thể đủ cho việc học và cuộc sống hàng ngày nên cô chủ của Mai Mai cùng với 4 con mèo và 5 con chó thường xuyên phải nhịn đói. Có lần nhà hết gạo, phải nhịn đói nguyên ngày, khi đến được nhà người bạn thì cô bé đã ngất xỉu vì kiệt sức. Bữa ăn của Sương chưa khi nào xuất hiện thịt cá, chỉ quanh quẩn trứng, đậu, rau... những thứ rẻ nhất ngoài chợ. Thiếu dinh dưỡng nên bao nhiêu năm qua số cân nặng vẫn chỉ dừng ở con số 41 kg. Dù nghèo, cô gái này chưa từng ngửa tay xin ai một đồng.

Cô Phùng Thị Lương, 40 tuổi, dì út của Sương cho hay, họ hàng ai cũng thương cháu gái nhưng hoàn cảnh ai cũng khó khăn nên không giúp được gì nhiều. "Sương rất hiểu chuyện, làm được gì là nó tự làm, ít nhờ vả ai bao giờ", chị Lương nói.

Thương con bé mồ côi, hàng quán thường cho mua trước, khi nào có tiền thì trả. Không ghi chép nhưng cô bé luôn ghi nhớ ai đã cho và giúp mình. "Em phải ghi nhớ để sau này trở lại giúp những ai từng khó khăn như mình", cô gái nhỏ tâm nguyện.

Ngoài đi học, chăm chó mèo là cách Sương quên đi lo lắng và tìm niềm vui trong nỗi cô đơn thường trực. Có lần đi học về, cơn đói sôi sục nhưng nhà chẳng còn gạo, Sương vừa đi vừa khóc. Về đến cổng nhà, thấy Mai Mai ló mặt ra từ lỗ hổng lớn của cánh cửa ọp ẹp, vẫy đuôi mừng rỡ, Sương lại mỉm cười. Nhiều lúc hết tiền, cô bé chỉ mong có 10.000 đồng mua cá cho đàn chó mèo. Bạn bè muốn đãi cốc trà sữa, cô cũng quy đổi ra tiền thức ăn cho những người bạn thân thiết ở nhà.

Nhà nghèo lại ở một mình, nhiều người khuyên Sương học hết lớp 9 rồi xin làm công nhân, nhưng cô bé vẫn quyết tâm học. Cô Hà Thị Thanh Thanh, giáo viên chủ nhiệm ba năm cấp 3 của Sương năm nào cũng phê trong sổ học bạ dòng chữ: "Có nghị lực vươn lên trong học tập". Từ lớp 7 đến lớp 10, Sương đều đoạt giải học sinh giỏi môn Giáo dục công dân của huyện Đô Lương. "Những đợt học bổng dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường đều ưu tiên dành cho cô bé này", cô Thanh cho biết.

"Con bé sống một mình nhiều năm nay. Nó hiền và có ý chí vươn lên trong cuộc sống lắm", xóm trưởng Xóm 9, xã Minh Sơn, huyện Đô Lương cho biết.

Năm lớp 12, trong khi nhiều bạn bè ôn thi tốt nghiệp ở trường, Sương không tham gia vì không có tiền. Thay vì đến trường, cô bé ở nhà tự học, không hiểu bài nhờ bạn bè giảng lại hộ. "Em biết, chỉ có học mới có thể thoát nghèo và vượt khỏi cuộc sống khổ cực luôn đeo bám", Sương tâm sự.

Căn nhà của Thu Sương ở xã Minh Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Sương ở một mình tại căn nhà này trong 3 năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Căn nhà của Thu Sương ở xã Minh Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngày nhận được kết quả đỗ vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, trong túi Sương không còn một đồng. Để có tiền nhập học, cùng đường cô nghĩ đến chuyện bán chó. Từng có một đàn chó mèo, nhưng vì cuộc sống khó khăn, chúng lần lượt chết hết, chỉ còn Mai Mai trụ lại. "Thôi bán đi, để Mai Mai gầy quá cũng tội nó", một người bạn động viên. Nhưng vừa thấy chiếc gậy sắt bắt chó người ta mang đến, cô lại ôm chầm lấy người bạn từng an ủi mình mỗi đêm vào lòng. Từ chối người mua, cô đưa Mai Mai vào nhà, nấu cho gói mì trộn cơm quen thuộc. "Dù thế nào chị cũng không bán em, nếu không sẽ ân hận cả đời", Sương vuốt ve con chó.

Trước ngày nhập học, trong balo của cô gái này chỉ có vài ba bộ quần áo đã ngả màu. Biết chuyện, họ hàng, làng xóm gom góp mỗi người cho vài chục nên Sương có thêm dăm ba trăm đi đường. Ra ngoài chợ, một bà bán rau giúi vào tay tờ 20.000 đồng kèm lời động viên: "Cố gắng mà học con nhé".

"Còn nhiều người thương mình lắm nên phải cố gắng nhiều hơn", cô gái tự dặn mình.

Vào TPHCM, ngoài việc học, Sương làm thêm tại một trung tâm ngoại ngữ vào cuối tuần, tiền lương tạm đủ trang trải cuộc sống sinh viên. Biết hoàn cảnh, thầy cô đang làm hồ sơ xin miễn học phí, nếu không được cô gái này dự tính vay ngân hàng cho 4 năm đại học sắp tới. Ước mơ của Sương sau khi tốt nghiệp là trở thành nhà cứu trợ động vật, bởi vậy cô đang cố gắng học tốt tiếng Anh để ước mơ sớm thành hiện thực.

Chiều mưa tháng 10, ngồi trong phòng ký túc xá, Sương lại lôi đàn ghi ta ra dạo vài bài quen thuộc. Nghe thấy tiếng hát vọng lại từ chiếc radio ở giường bên, cô ngân nga theo "Hôm nay dẫu có gian nan thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn. Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi"... Tiếng hát trong veo cất lên giữa khung trời u ám một ngày mưa, bừng sáng cả góc phòng.

Hải Hiền

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét