Mất vị thế, hậu duệ các gia đình hoàng tộc Ấn Độ phải làm việc và cố gắng duy trì ảnh hưởng bằng cách bảo tồn văn hóa, nghệ thuật.
Tháng 7/1971, Ấn Độ bãi bỏ chế độ quân chủ kéo dài gần 3.000 năm khiến hàng trăm gia đình hoàng gia khắp đất nước này phải thay đổi cuộc sống. Để tồn tại, nhiều người đành bán bớt trang sức, của cải. Số khác, dù nắm giữ hàng chục tỷ USD, vẫn phải coi mình là thường dân và tìm công ăn, việc làm. Một trong những công việc hay được các thành viên dòng tộc chọn lựa là biến các cung điện hàng trăm năm tuổi trở thành khách sạn.
Gia đình hoàng tộc Mandawa, bang Gujarat là những người tiên phong kinh doanh di sản do tổ tiên để lại.
Lâu đài Mandawa được xây dựng như một pháo đài trên sa mạc vào năm 1755. Đến năm 1980, nó trở thành khách sạn hạng sang với 80 phòng. Hiện người điều hành lâu đài Mandaw là công chúa Priyanjali Katoch.
Ngoài việc thuê nhân công địa phương và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành du lịch, gia đình hoàng tộc Mandawa cũng nỗ lực hồi sinh nghệ thuật dệt truyền thống.
"Đặc quyền đi cùng trách nhiệm", công chúa Priyanjali nói. "Người dân noi theo và kỳ vọng chúng tôi ăn mặc, ứng xử theo một số quy tắc nhất định".
Tương tự Priyanjali, công chúa Meenal Kumari Singh Deo 52 tuổi từ dòng tộc Dhenkanal ở miền đông Ấn Độ điều hành lâu đài 200 tuổi của gia đình. Nơi này đã được biến thành homestay, bên trong trang trí đầy đồ thủ công địa phương.
"Thời Ấn Độ cổ đại, hầu hết các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, khiêu vũ, kiến trúc đều được hoàng gia bảo trợ", Meenal nói. Bản thân bà cũng là một nhà thiết kế sở hữu dòng sản phẩm thủ công riêng. "Kể cả bây giờ, tôi vẫn cảm thấy choáng ngợp mỗi khi bước vào làng dệt do tổ tiên dựng nên. Tôi cảm thấy mình phải tiếp bước họ".
Yaduveer Singh là hậu duệ của Maharana Pratap, vị vua thứ 13 của Mewar, nay đổi tên thành bang Rajasthan. Chàng trai 24 tuổi cho biết bố mẹ anh đã hướng con theo nghề khách sạn.
"Bố mẹ kiên quyết rằng tôi phải học ở Ấn Độ, làm việc cho nhiều khách sạn khác nhau và được đào tạo về mọi thứ, từ dọn phòng đến nấu ăn", Singh nói. Anh đang điều hành khách sạn của gia đình, nơi trước đây là lâu đài hoàng gia.
Bảo tồn văn hóa, nghệ thuật truyền thống cũng là cách các gia đình hoàng tộc Ấn Độ duy trì sự ảnh hưởng của mình. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2015, Ấn Độ có 1,3 tỷ dân, trong đó 176 triệu người sống nghèo khổ với thu nhập chưa đầy 2 USD mỗi ngày. Giữa bối cảnh đó, những đặc quyền "cha truyền con nối" của các gia đình hoàng tộc dễ bị xem gây xúc phạm và lạc hậu. Chưa kể, nhiều vị vua và hoàng hậu Ấn Độ từng nổi tiếng với lối sống xa hoa cùng sự nhẫn tâm với thần dân.
"Những thành viên hoàng gia như tôi vẫn sống sung túc dù không còn nắm giữ quyền lực", Vidita Singh 40 tuổi thừa nhận. Cô xuất thân từ hoàng tộc Barwani, bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ, hiện chuyên vẽ trang trí cho siêu xe.
Krishna Kumari, công chúa hoàng tộc Panna ở Madhya Pradesh cho biết cô có thể chuyển đổi giữa hai thế giới khác nhau "một cách liền mạch". Người phụ nữ 48 tuổi sống trong cung điện do tổ tiên để lại và chăm sóc ngôi trường mà chính gia đình bà mở cách đây 32 năm cho những hộ dân thu nhập thấp. Bà cũng có nhiều công việc khác như chụp ảnh thiên nhiên hoang dã, đua xe địa hình và làm đồ sứ.
Krishna cho biết điều quan trọng nhất là tận dụng vị trí của mình để cống hiến cho xã hội. "Bạn phải biết trân trọng nguồn gốc và những thứ mình có, vì bạn là một phần của dòng họ danh giá này", bà nói.
Akshita M Bhanj Deo 27 tuổi, chiến lược gia truyền thông của một viện nghiên cứu nhận định vai trò của hoàng gia đã thay đổi trong những năm qua.
"Bố mẹ chúng tôi luôn nhắc nhở rằng chúng tôi là những người trông coi di sản và có nghĩa vụ bảo tồn chúng. Vậy nên đó giống như nghĩa vụ hơn là đặc quyền", công chúa từ bang Mayurbhanj, miền Đông Ấn Độ nói.
Gia đình Akshita đã biến cung điện Belgadia xây từ thế kỷ 18 của mình trở thành khách sạn bền vững với nội thất làm từ vật liệu tái chế.
"Hoàng gia không đồng nghĩa với việc được ca tụng nữa. Là người hoàng gia, bạn có nền tảng, tiếng nói và phải dùng chúng để giải quyết các vấn đề trong cộng đồng, cũng như thu hút sự chú ý của thế giới đến truyền thống và nghệ thuật, nghề thủ công của Ấn Độ", Akshita nói.
Thu Nguyệt (Theo SCMP)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét