Ấp ủ lời cầu hôn, Joe Robi phải xin phép cấp trên, song liền bị điều quân đến Tây Nguyên, từ đó lạc mất người con gái ấy.
Bước sang dốc bên kia cuộc đời, ông Joe Robi, 73 tuổi, đang sinh sống tại tiểu bang Massachusetts (Mỹ) muốn tìm lại người phụ nữ mình từng yêu trong thời gian tham chiến tại Việt Nam, lúc đó ông là một nhân viên y tế. "Tôi đã tìm cô ấy nhiều năm gần đây, để chắc chắn cô ấy còn sống và hạnh phúc", ông Joe chia sẻ với VnExpress.
Joe là người Canada, theo quân Mỹ đến Việt Nam trong thời gian từ tháng 8/1966 đến 7/1967 và quen với cô gái Việt tên Chu Kim Dung. Họ gặp nhau lần đầu tiên tại EM club dành cho lính Mỹ ở Long Bình, Đồng Nai. Ngay lần đầu gặp, chàng trai 21 tuổi đã trúng "sét ái tình" với Kim Dung, 19 tuổi và là ca sĩ chính trong một ban nhạc.
Bức hình bà Chu Kim Dung thời trẻ vẫn được ông Joe (phải) giữ tới nay. Ông không nhớ rõ tên ban nhạc của bà, có thể là Les Fourmis. |
"Ngay giây phút nhìn thấy cô ấy, trái tim tôi đã đập thình thịch. Bài hát tiếng Pháp cô ấy hát trên sân khấu tôi cũng biết nên hát theo", Joe kể.
Sau đó, Joe bắt chuyện với Kim Dung và vui mừng khi cô cũng biết tiếng Pháp. "Những người bạn còn tưởng tôi biết tiếng Việt vì thấy chúng tôi giao tiếp thoải mái. Lúc đó chúng tôi đã cười ồ", ông nói thêm.
Thời ấy, Kim Dung vừa biểu diễn ở Long Bình, vừa xuống Sài Gòn đi học. Bất cứ lúc nào có cơ hội, Joe sẽ nhảy xe xuống Sài Gòn thăm cô.
Tình cảm ngày càng lớn, Joe thậm chí đã ấp ủ ý định cầu hôn. Tuy nhiên tháng 4/1967, ông nói với cấp trên tình cảm với một cô gái Việt, liền bị điều quân tới Quảng Nam rồi Kon Tum và sau cùng về nước nên hai người dần mất liên lạc.
Kim Dung trên một chuyến xe bus về lại Sài Gòn học, sau khi biểu diễn ở Long Bình. Ảnh: NVCC. |
Hiện người cựu binh vẫn còn giữ 2 bức ảnh và một bức thư Kim Dung gửi cho mình, thư viết khi ông về quê nhà Canada. Trong đó, cô thiếu nữ Việt bộc lộ tình cảm tế nhị:
"Sài Gòn, ngày 22 tháng 11 năm 1966
Anh Joe thân mến,
Anh thật tử tế vì đã viết thư cho em. Em rất xúc động khi anh vẫn còn nhớ em và mọi thứ nơi đây. Anh đừng buồn khi ở bên đó. Người nên buồn là những người ở lại, mỗi ngày đều nhìn những thứ gợi nhớ đến người đã xa.
Em rất vui vì vết thương của anh không gây phiền hà gì lắm. Một kỳ nghỉ ở Canada vào thời gian này là phần thưởng tuyệt vời dành cho anh. Hãy chụp ảnh nếu anh trượt tuyết và gửi cho em.
Thật tuyệt nếu em có thể ở đó. Em sẽ hát ca giữa những bông tuyết trắng, trong chiếc đầm trắng, một đôi boot trắng. Một quang cảnh thần tiên, chỉ trừ mái tóc của em, đúng không?...
Thật tốt nếu anh có thể tới đây vào tháng một. Nhưng dù anh có quay lại hay không, hãy nhớ rằng vẫn luôn có một người con gái ở bên kia địa cầu mãi nhớ đến anh và tình bạn của anh...".
Ông Joe Jobi theo nghiệp cha làm nghề xây dựng sau khi rời khỏi Việt Nam, hiện đã nghỉ hưu. Ảnh: NVCC. |
52 năm trôi qua, Joe giờ sống một mình sau khi trải qua hai cuộc hôn nhân và 4 người con đều đã trưởng thành. Hai con ở Mỹ cùng ông, hai con hiện ở Canada. Hình bóng cô thiếu nữ Việt vẫn thường trực trong trái tim ông. "Nơi tôi ở rất lạnh và nhiều tuyết. Cô ấy từng viết trong thư sẽ hát cho tôi nghe trong tuyết trắng. Bao lần tôi hình dung ra cảnh đó", Joe nói.
Nhiều lần ông nhờ bạn bè tìm đến nơi ở trước đây của cô ở Sài Gòn nhưng địa chỉ đã thay đổi. Cũng có lần ông nhờ đăng thông tin lên một nhóm Facbook lớn ở Đồng Nai mà không ai biết thông tin.
"Chỉ quen biết vài tháng ngắn ngủi, có lẽ cô ấy thậm chí còn không nhớ tôi. Tôi không hy vọng nhiều, nhưng bất ngờ vẫn có thể xảy ra. Mong được kết nối lại với cô ấy hoặc gia đình cô ấy", ông Joe Jobi mong mỏi.
Phan Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét