Trung QuốcMột bà mẹ ở Nam Kinh bỏ lại con gái trên ga tàu điện ngầm rồi hét lên: "Tôi không muốn nuôi con bé đó nữa" chỉ vì bé không làm bài tập về nhà.
Khi cảnh sát gọi điện cho người mẹ, cô tức giận đến mức phủ nhận mình là mẹ của đứa trẻ. Sau 20 phút thuyết phục, người mẹ bât khóc: "6 năm rồi, tôi bị con bé hành hạ suốt. Tất cả là vì nó không bao giờ muốn làm bài tập về nhà". Cảnh sát nói rằng, chỉ cần nghe giọng của người mẹ đã đủ hiểu cô đang tuyệt vọng và bất lực đến thế nào với cô con gái 12 tuổi của mình.
Các phụ huynh Trung Quốc vẫn truyền tai nhau câu nói vui "Nếu kiếp trước làm điều ác, kiếp này phải cùng trẻ làm bài tập về nhà". Nhiều bậc cha mẹ đều có chung cảm nhận, họ luôn bị bài tập về nhà của con tra tấn đến phát điên.
Gần đây, một bà mẹ ở thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến vì quá tức giận khi con trai không làm bài tập về nhà đã nhảy sông tự vẫn. Một người mẹ khác, con làm bài thi không tốt đã tát con khiến cậu bé phải nhập viện vì bị chấn thương vùng đầu... Mới nhất là vụ cậu bé 10 tuổi gọi điện báo cảnh sát: "Mẹ đang đánh bố, các chú phải đến ngay". Tuy nhiên khi đến nơi, cảnh sát mới phát hiện, vì cậu bé mải xem tivi không chịu học bài nên người mẹ bỏ nhà đi. Không tìm được mẹ, cậu ta mới nghĩ đến việc cầu cứu cảnh sát.
Thật sự, kèm con cái học hành là một việc làm rất khó. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hòa thuận trong gia đình.
Đối với con trẻ, chúng có nhiều thủ thuật để trì hoãn việc học và làm bài tập như đi uống nước hoặc đi vệ sinh, kêu đói khát hoặc buồn ngủ. Hay khi đang làm bài tập, trẻ lại nhìn sang xung quanh, giống như dưới mông có gắn lò xo, có thể nhảy lên ngay lập tức khi nghe thấy một âm thanh lạ ngoài khu vực bàn học. Tâm thế và hành động của trẻ lúc này có thể "giết chết" sự nhẫn nại của bố mẹ chỉ trong vài phút.
Một người mẹ kể rằng khi giúp con làm bài tập về nhà, đề bài yêu cầu đặt câu với từ "cẩn thận". Người mẹ đưa ra một số ví dụ và nghĩ rằng cô đã truyền cảm hứng tốt để con có thể hoàn thành bài tập. Thật bất ngờ, đứa trẻ viết trong vở: "Hãy cẩn thận với bố, cẩn thận với mẹ và cả với chị gái nữa". "Gia đình chúng ta có phải những kẻ khủng bố không mà con viết như thế?" người mẹ hét lên tức giận. Cô đột nhiên tức ngực bất thường rồi nhồi máu cơ tim và phải đi cấp cứu.
Một người khác kể về con gái của mình. "Tôi hỏi con gái làm thế nào để tính diện tích hình vuông, nó nói rằng không biết". Vì vậy, người mẹ đã vẽ một hình vuông rồi hỏi khi tất cả các cạnh đều là a, diện tích sẽ bằng bao nhiêu? "Con bé nói với tôi rằng: Mẹ vẽ quá xấu". "Tôi không biết ở hoàn cảnh này, ông trời có kiềm chế được không nhưng tôi sắp phát điên", người mẹ than vãn.
Mỗi lần đọc được tin như vậy, tôi thực sự không biết nên thương em bé hay thương bố mẹ trẻ. Quả thực dạy trẻ học là một chặng đường dài mà bố mẹ nào cũng phải trải qua. Nhiều người còn nói với tôi, khi dạy con học, để không muốn lên cõi bất tử, họ cần phải nín thở.
Trong một bài luận "Mẹ là người như thế nào?" ở một trường tiểu học tại Bắc Kinh, giáo viên nhận được những câu trả lời như thế này: "Mẹ giống con hổ, ngày nào cũng thích la mắng, bắt con làm bài thật nhanh"; "Khi mẹ nổi giận, mẹ giống khủng long, nhe răng và vuốt như thể sắp nuốt chửng con"... Còn nếu dùng một câu để cho trẻ miêu tả tâm trạng của bố mẹ khi dạy con học, hãy đoán xem chúng trả lời thế nào? Đó là "Tàn nhẫn, độc ác", "Thương đau", "Nước mắt đầy mặt"....
Câu trả lời của trẻ như đánh thẳng vào trái tim vốn đầy rẫy mệt mỏi của bố mẹ. Đôi khi nhiều phụ huynh cũng phát hiện ra bản thân đang đối xử "không phải" với con nhưng chỉ trong phút chốc, hành động của trẻ khiến tinh thần họ trở lại như cũ.
Trên thực tế, làm bài tập về nhà là một việc tốn rất nhiều công sức và trẻ không thích cũng có lý.
Ví dụ chúng luôn mất tập trung và lơ đãng, đó là do chức năng khử tiếng ồn trong bộ não trẻ hầu hết đều không mạnh. Nếu não bộ không thể tự động giảm tiếng ồn, trẻ rất dễ bị nhiễu thông tin từ bên ngoài.
Mặt khác, trẻ hay trì hoãn và chán nản cũng bởi do lượng bài tập quá nhiều. Hiện học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Trung Quốc dành tới 2,82 giờ cho bài tập về nhà mỗi ngày. Con số này gấp 3,7 lần và 4,8 lần so với học sinh cùng lứa tuổi ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Bài tập chưa hoàn thành khiến trẻ nảy sinh những cảm xúc không tốt. Mất tập trung, lơ đễnh là điều bình thường và việc trì hoãn lại càng phổ biến hơn.
Như cô bé 12 tuổi ở Nam Kinh bị mẹ bỏ lại ở ga tàu điện ngầm, kể rằng cô bé làm bài rất chậm và ngày nào cũng phải học tới khuya. Càng nợ bài tập về nhà, tâm trạng của trẻ sẽ ngày càng giảm sút.
"Bố mẹ càng thúc giục, con càng không muốn làm"
Khi một đứa trẻ phải đối mặt với bài tập về nhà, phản ứng đầu tiên của não bộ là từ chối thay vì hành động. Sự kiềm chế của bố mẹ bỗng thay đổi chỉ là vấn đề thời gian.
Nhưng nhà văn Phó Thủ Nhĩ lại không nghĩ như vậy. Khi đối mặt với những đứa trẻ bị phân tâm bởi bài tập về nhà, cô luôn tìm ra được điểm mấu chốt để truyền cảm hứng cho sự nhiệt tình của trẻ, đó là lời khen ngợi. "Bài tập hôm nay không khó với con chút nào, giống như ăn một miếng bánh mà thôi"; "Chữ con viết đẹp như này bảo sao người lại nhanh nhẹn và thông minh như thế". Sau khi nghe những lời khen ngợi, khuôn mặt của đứa trẻ vốn ảm đạm và cau có trước đó ngay lập tức trở nên tươi tắn và nghiêm túc.
Vì vậy, sau rất nhiều lần "làm mẹ hổ" đau đớn mà không hiệu quả, tôi cũng bắt đầu thay đổi chiến lược dạy con, như những gì nhà văn Phó Thủ Nhĩ từng làm. "Con viết chữ này đẹp quá, cố thêm chút nữa sẽ hoàn hảo", "Con làm bài tập nhanh như vậy, thật lợi hại quá đi". Sau khi bị "bao vây" trong làn sóng khen ngợi, con trai tôi hiển nhiên có chút khách khí "Con có thể viết đẹp hơn", nó ngáp một cái rồi tiếp tục viết.
Có thể thấy, khi làm việc với trẻ nhỏ, cảm xúc của cha mẹ thật sự rất quan trọng. Nếu bạn bình tĩnh, trẻ sẽ bình tĩnh. Nếu bạn cáu gắt, trẻ sẽ nổi loạn.
Dù không hài lòng về cách hành xử, nhưng khi chấm bố mẹ được bao nhiêu điểm, nhiều trẻ từng tham gia bài luận ở một trường tiểu học ở Bắc Kinh vẫn cho điểm 10 trọn vẹn: "Vì bố mẹ quan tâm đến cháu, tất cả là vì cháu". Một cậu bé nhớ lại mẹ đã cùng mình giải các đề thi Toán Olympic hàng đêm bỗng nghẹn ngào: "Mẹ rất tuyệt vời". "Con thực sự không cố ý làm cho bố mẹ tức giận, chỉ là con viết hơi chậm và chưa hiểu rõ bài", cậu bé nói tiếp.
Thực tế, trẻ hiểu tất cả những việc đang xảy ra và giữ trong lòng. Chúng cảm thấy mệt mỏi chỉ khi phải đối mặt với những lời thúc giục và cằn nhằn liên tục.
Học tập cùng con với nhiều bố mẹ sẽ là những ngày tháng "cay đắng không kể xiết", nhưng điều này không phải lý do để la hét hay động thủ với con cái mỗi khi tức giận. Nhà giáo dục người Ucraina - Anton Makarenk từng nói: "Sự hướng dẫn bình tĩnh, nghiêm túc và tìm kiếm chân lý từ thực tế là biểu hiện bên ngoài của giáo dục gia đình, không nên tỏ ra hách dịch, nóng giận và la mắng"
Suy cho cùng, nuôi dưỡng một đứa trẻ tự tin là rất khó, nhưng để hủy hoại ý chí của trẻ lại dễ như trở bàn tay. Vì vậy hãy cho phép trẻ chậm lại, cho phép trẻ mắc lỗi, tiếp tục tha thứ và kiên nhẫn. Nếu thực sự không kiềm chế được, kêu lên vài tiếng cũng không hại gì, dù sao đây thật sự là một việc đáng giận. Nhưng đừng là "nhà phê bình tiêu cực" của con cái.
Bài viết của nhà văn Dora, được đăng trên diễn đàn Kaishujiangshi làm cha mẹ của Trung Quốc.
Hải Hiền (Theo sohu)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét