MỹNgày 15/7 chính quyền Trump hủy kế hoạch cấm du học sinh ở lại Mỹ nếu chỉ học trực tuyến. Ít ai biết chiến thắng này có công của Tôn Hiền Anh, sinh viên Harvard.
Ngày 6/7, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo du học sinh tại Mỹ sẽ phải về nước nếu chương trình đang theo học chuyển sang dạy online 100% vào mùa thu tới. Người ở lại bị coi là cư trú bất hợp pháp. Luật này ảnh hưởng lên hơn 1,1 triệu du học sinh theo giáo dục đại học tại Mỹ.
Tôn Hiền Anh, sinh viên ngành Luật tại Đại học Harvard là một trong những người bị tác động trực tiếp một khi luật mới được áp dụng. Gia đình cô sinh viên trẻ đã chuẩn bị cho con gái một tấm vé về nước đầu tháng 8. Song, khi chứng kiến nhiều bạn khác không tìm được chuyến bay và có thể sẽ phải vào trại tị nạn theo luật Mỹ, Hiền Anh quyết định mình "phải làm cái gì đó".
Ngay hôm ICE ra thông báo, cô đã thức thâu đêm nghiên cứu luật này, bóc tách từng điểm xem ảnh hưởng đến học sinh quốc tế sẽ là gì. Sau đó thông báo về những hậu quả tiêu cực cho học sinh quốc tế nếu điều luật được thực thi và đề nghị Harvard xem xét các phương pháp khả thi để đảm bảo an toàn và quyền lợi cho học sinh.
Viết xong, Hiền Anh gửi đơn đại diện sinh viên quốc tế đang kẹt tại Mỹ cho ban lãnh đạo Đại học Harvard. Đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân có liên quan cùng gửi lá đơn mà cô soạn sẵn để bày tỏ sự ủng hộ. Ngay sáng 7/7, lãnh đạo trường có cuộc họp khẩn cấp. Đích thân hiệu trưởng trả lời Hiền Anh rằng trường sẽ chính thức kiện ICE lên toà án.
Khác với Đại học Công nghệ Massachusetts (MIT) - trường đã cùng khởi kiện ICE cùng với Harvard - chương trình học của Harvard cho năm tới đã định sẵn 100% online. ICE chỉ cho các trường 10 ngày để thay đổi và thông báo kế hoạch cuối cùng. Không ai biết vụ kiện này sẽ kéo dài bao lâu và đến khi nào mới có phán quyết. Hiền Anh tiếp tục chạy đua với thời gian viết lá đơn thứ hai đề nghị trường cân nhắc bổ sung thêm một khoá học offline.
Cô sinh viên ngành luật này đã nghiên cứu biện pháp các trường đại học khác ứng phó trước luật mới, chính sách của 15 trường có lớp học offline và các phong trào sinh viên ở hơn 30 trường kêu gọi nhà trường đưa ra những giải pháp để hạn chế hậu quả của luật mới.
"Trong suốt quá trình em vừa nghiên cứu, vừa tham khảo ý kiến các bạn sinh viên, các anh chị cựu sinh viên, giáo sư quan tâm đến vấn đề này để cùng hoàn thiện lá đơn", Hiền Anh chia sẻ.
Trong lá đơn của mình, Tôn Hiền Anh tóm tắt những ảnh hưởng nghiêm trọng đến học sinh quốc tế ở Harvard nếu ICE thắng kiện. Ví dụ theo luật của ICE, tất cả các học sinh quốc tế đang kẹt tại Mỹ có thể sẽ bị trục xuất và tước visa nếu ở quá hạn, trong khi rất nhiều nước trên thế giới đang đóng cửa biên giới vì đại dịch, nhiều du học sinh không thể về nước khiến họ rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Việc bay giữa các quốc gia cũng làm tăng nguy cơ mắc Covid-19, gây nguy hiểm cho sinh viên.
Sau đó, Hiền Anh kiến nghị một số biện pháp khả thi đối với Harvard, không quá tốn công sức và đầu tư, mà vẫn đảm bảo an toàn sức khoẻ, giãn cách xã hội, ví dụ một khoá học offline. Cô dẫn ví dụ toàn bộ các trường đại học thuộc nhóm Ivy League khác đều học có yếu tố offline như Princeton và Yale. Một số trường như Columbia và UC Berkeley đã bổ sung thêm một khoá học offline ngay khi luật mới của ICE được ban hành.
Cuối bản kiến nghị, Hiền Anh trích lời hiệu trưởng Harvard: "chúng ta không thể đứng nhìn những hoài bão của sinh viên quốc tế bị phá huỷ chỉ vì điều luật sai lầm này. Chúng ta nợ họ việc đứng lên và chiến đấu và chúng ta sẽ làm điều đó". Cô gái Việt bày tỏ mong muốn Harvard sẽ giữ đúng lời hứa và quan điểm của mình.
Trong vòng 20 giờ, bản kiến nghị của Hiền Anh đã có hơn 1.000 chữ ký của các giáo sư Harvard, hơn 50 sinh viên lãnh đạo các tổ chức lớn ở trường và cựu sinh viên. Ban hội đồng nhà trường đã trực tiếp xem xét lá đơn Hiền Anh viết. Chủ tịch Rakesh Khurana của trường Harvard hồi đáp và cảm ơn cô đã lên tiếng.
Ngày 8/7, Đại học Harvard và MIT khởi kiện quy định visa mới. Từ đó tạo ra làn sóng thu hút hàng chục trường đại học, chính quyền các bang và hơn chục công ty công nghệ phản đối chính sách trên. Áp lực tứ phía khiến Nhà Trắng buộc phải bãi bỏ chính sách hạn chế visa hôm 15/7.
Ngay khi nhận được tin này, giáo sư triết học và thần học tại Harvard, David C. Lamberth đã gửi thư cho Hiền Anh: "Thầy rất vui mừng về việc chính phủ đã đã rút lại quyết định gần đây về thị thực. Hàng loạt tiếng nói từ khắp cả nước, từ sinh viên, giảng viên, trường đại học và doanh nghiệp đã hội tụ trong vòng chưa đầy một tuần và phong trào tự vận động của em đã đóng góp không nhỏ".
Trong quá trình vận động, Hiền Anh đã đối mặt với nhiều thách thức. Có những bạn không hiểu luật, không hiểu vì sao phải quan tâm đến quyền lợi sinh viên quốc tế. Ngay cả trong cuộc đối thoại với lãnh đạo nhà trường sau khi gửi đơn cũng có giáo sư khuyên Hiền Anh nên im lặng.
Chị Lã Thanh Hà, mẹ Hiền Anh chia sẻ, nghe tin con gái có ý kiến với nhà trường, vợ chồng chị như "ngồi trên đống lửa". "Con chỉ là một du học sinh ngoại quốc, làm sao có thể đàm đạo với lãnh đạo với trường. Tôi lo không khéo trường tống cổ con về Việt Nam", chị bày tỏ.
Hiền Anh đã trấn an mẹ: "Con muốn đưa tiếng nói của cộng đồng Harvard đến ban lãnh đạo trường. Con muốn giúp trường có cái nhìn toàn diện về những vấn đề sẽ xảy ra rất tiêu cực khi học sinh quốc tế phải lập tức về nước trong bối cảnh dịch bùng phát như thế này và tìm ra giải pháp hợp lý nhất".
Nghe nói vậy, chị Hà ủng hộ con. Hơn một tuần qua, vợ chồng chị theo sát diễn biến của vụ kiện và thở phào nhẹ nhõm khi luật bị bãi bỏ, sinh viên quốc tế được bảo vệ.
Hiền Anh là con thứ hai của vợ chồng chị Lã Thanh Hà, ở Hà Nội. Vợ chồng chị có hai con gái Tôn Hà Anh và Tôn Hiền Anh cùng nhận được h. Khác với chị gái Hà Anh - hiện là cố vấn cấp cao công ty tư vấn quản lý quốc tế McKinsey, New York - có cá tính năng nổ, thì Hiền Anh trầm tính, sâu sắc và thích theo đuổi các hoạt động xã hội liên quan đến chính sách và công bằng cho những tầng lớp thiệt thòi về quyền lợi xã hội.
Nhận học bổng Harvard năm 2016, Hiền Anh vốn định theo ngành y của mẹ nhưng sau vài năm học tại ngôi trường hàng đầu thế giới này, cô nữ sinh quyết định theo ngành Luật.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ vì từ trước tới nay thế mạnh của Hiền Anh là khả năng viết luận sâu sắc, logic", chị Hà cho hay.
Học kỳ vừa qua, Hiền Anh là một trong những sinh viên đứng đầu lớp. Các giáo sư nhận định cô có tài viết luận và là "một ngòi bút mạnh mẽ, chính trực". Giáo sư Bonnie Talbert sau khi đọc bài luận cuối khoá của Hiền Anh về vấn nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ và phong trào Black Lives Matter đã ấn tượng và gửi bài luận này cho chủ tịch của trường, ông Rakesh Rakesh Khurana.
Giờ thì họ cũng biết chính sinh viên này đã trực tiếp đối thoại và yêu cầu quyền lợi cho sinh viên quốc tế.
Phan Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét