Ấn ĐộBị kỳ thị bởi là con của gái bán dâm, nhưng các cô gái ở trung tâm Kranti học cách thấu hiểu với mẹ và hành động để xã hội bớt kỳ thị.
Ký ức tuổi thơ đẹp đẽ trong Sandhya Nair là nghe người phụ nữ mà cô gọi là Amma kể chuyện trước khi chìm vào giấc ngủ. Amma là gái mại dâm và là hàng xóm của Nair.
"Mỗi đêm, khi mẹ làm việc, Amma cho tôi ăn và kể chuyện cho tôi ngủ", cô gái 23 tuổi, lớn lên ở Kamathipura, khu đèn đỏ lớn nhất Mumbai nói.
Nair cứ nghĩ Kamathipura an toàn, nhưng không phải vậy. Một lần, khi thấy cô ngủ trong nhà thổ, một người đàn ông đã hỏi: "Mất bao nhiều tiền để ngủ với cô". Lúc ấy, những phụ nữ hành nghề mại dâm nhao lên bảo vệ Nair. "Con bé là con của chúng tôi, đừng có đụng đến nó", họ lên tiếng.
Tuy nhiên, khi ra ngoài xã hội, là con của một gái bán dâm không hề dễ dàng. Năm Nair 10 tuổi, cô bé lần đầu tiên bị hãm hiếp và hành hung. Kẻ cưỡng bức còn nói "đó là trò chơi công bằng", vì nghề nghiệp của mẹ cô.
Suốt những năm đến trường, Nair thường xuyên bị hãm hiếp, quấy rối tình dục và bắt nạt. "Cả đời tôi sẽ ghét mẹ vì bà làm nghề mại dâm và vì những gì liên quan đến nó", cô từng nghĩ.
Năm 2015, cô gái tội nghiệp tình cờ biết đến trung tâm Kranti - được điều hành bởi một tổ chức phi chính phủ ở Mumbai - nơi trực tiếp trao quyền cho con của gái mại dâm để trở thành tác nhân thay đổi xã hội. Một trong những sứ mệnh quan trong của tổ chức này là giúp những đứa con hiểu quá khứ và lựa chọn bất đắc dĩ của mẹ.
Nair hiện là một trong 20 con gái của gái mại dâm đang sống tại trung tâm. Trong thời gian phong tỏa vì Covid-19, họ nhận được cuộc gọi cầu cứu của gái bán dâm ở Kamathipura, kể về việc bị đói vì thất nghiệp. Nair và những người bạn quyết định phân phát thực phẩm cho 3.000 người bán dâm ở Mumbai và gây quỹ cho công tác cứu trợ bằng cách mở lớp học trực tuyến dạy Zumba, thiền, yoga và nấu ăn.
"Khi đến nhà thổ, chúng tôi nhận ra có rất nhiều người đang bị đói", Nair nói. Nhóm cũng nấu 200 suất ăn mỗi ngày cho người làm công ăn lương sống trong khu ổ chuột mất việc vì đại dịch và bệnh nhân xuất viện không có nơi trú chân.
Nair và những người bạn hy vọng bằng cách chia sẻ câu chuyện của mình, họ có thể giúp xã hội cảm thông, giảm sự kỳ thị với người bán dâm và người thân.
Nhóm đã mang một vở kịch đi lưu diễn ở Mỹ và châu Âu nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi quan niệm sai lầm về những người làm nghề như mẹ họ. "Giờ tôi mới hiểu đó không phải lỗi của mẹ. Bà bị bán từ năm 14 tuổi và tiếp tục làm nghề mại dâm để nuôi bảy anh chị em", Nair nói.
Một cuộc khảo sát năm 2016 của UNAids (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS) cho hay, có 657.800 gái mại dâm ở Ấn Độ. Nhưng theo Tạp chí nghiên cứu giới tính Ấn Độ, việc xác định con số thực tế rất khó khăn. Ước tính năm 2018, có tới 3 triệu người bán dâm, trong đó 35% là trẻ vị thành niên bị buôn bán.
Theo một chương trình phúc lợi được công bố bởi Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 3, 200 triệu phụ nữ Ấn Độ được hưởng 500 rupee (khoảng 150.000 đồng) mỗi tháng dưới dạng cứu trợ vì Covid-19.
Tuy nhiên, thiếu giấy tờ chứng minh và tài khoản ngân hàng thích hợp nên phụ nữ bán dâm không được tiếp cận chính sách. Hàng trăm tổ chức và cá nhân ở Ấn Độ đứng lên ủng hộ những người không được hưởng quyền lợi, nhưng Nair cho biết, không có nhiều người có ý định giúp đỡ gái mại dâm.
"Nhiều người thấy xấu hổ nếu vào một khu vực đèn đỏ để cứu trợ. Ai sẽ giúp đỡ một người làm nghề bị coi là làm ô nhục xã hội?", cô nói.
Taniya Yadav, một người dạy Zumba thuộc trung tâm Kranti cho biết, gái bán dâm rất khổ sở: chỉ có sự kỳ thị và xa lánh. Cô gái 23 tuổi chỉ nhận ra điều đó vài năm trước, khi tiếp xúc với gái mại dâm ở Mumbai. Trước đó, cô đổ lỗi cho mẹ mình - một vũ công bar và người bán dâm - hèn hạ, không công bằng với con gái mình.
"Khi tôi 13 tuổi, mẹ đã để tôi và em cho người chồng bạo lực của bà ấy rồi biến mất", cô kể. Trong ba năm, người đàn ông này trút cơn thịnh nộ lên Yadav, thường xuyên cưỡng hiếp, đánh đập cô. Đứa trẻ tội nghiệp sợ hãi và bất lực, cảm thấy như mình đang sống cuộc đời của mẹ.
16 tuổi, Yadav chạy trốn khỏi nhà và trú ẩn tại Kranti, nơi nhiều năm qua trị liệu tâm lý cho cô. Bây giờ, Yadav đã có thể tha thứ cho mẹ. "Tôi hiểu bạo lực ở cả nơi làm việc và gia đình đã khiến mẹ phải chạy trốn. Tôi đã mất một thời gian dài để hiểu bà đã căng thẳng và đau khổ đến mức nào khi phải rời bỏ con mình", cô nói.
Về phần Nair, năm năm sống tại trung tâm, cô đã học được cách chấp nhận. "Tôi đã điền vào đơn xin học đại học nghề nghiệp của mẹ là nghề mại dâm. Tôi không xấu hổ nữa", cô nói.
Nhật Minh (Theo SCMP)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét