Hà NộiĐi công tác rồi kẹt lại Bangladesh hơn 100 ngày, về nước anh Toàn trở thành bệnh nhân 356, nhiều ngày phải quỳ thở nhờ chiếc gối bác sỹ cho mượn.
Năm giờ sáng một ngày giữa tháng 7, anh Nguyễn Quốc Toàn, gấp chăn màn rồi bước ra sân đón ánh nắng mặt trời. Sau tám ngày trong phòng cấp cứu, phải thở oxy, có lúc tưởng như đã gục ngã bởi Covid-19 hành hạ, giờ anh đã có thể vươn vai đứng thẳng dậy, hít thở không khí buổi sớm.
"Bảy tháng qua tôi được trải nghiệm nhiều điều và nhận ra cuộc sống này thật lạ lùng nhưng cũng thật đẹp", người đàn ông 42 tuổi bắt đầu câu chuyện.
Nguyễn Quốc Toàn là kỹ sư cơ khí, người gốc Hà Nội, sinh sống ở quận 4, TP HCM. Anh làm tư vấn trưởng bộ phận cơ khí thiết bị trong một dự án của chính phủ Bangladesh do Ngân hàng thế giới tài trợ. Sau Tết nguyên đán, anh đến thủ đô Dhaka công tác và dự kiến trở về ngày 28/2. Do trục trặc visa, chuyến bay bị lỡ và dời đến ngày 26/3.
Cuối tháng 3, bệnh nhân Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Bangladesh. Tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến khó lường khiến chính phủ nước này tuyên bố phong tỏa toàn quốc. Ngày 24/3, tất cả các chuyến bay đến và đi tới Bangladesh đều bị hủy bỏ. Nhóm làm việc của anh Toàn trước chỉ có 4 người, nay nhận thêm 11 người khác từ các công trường khắp Dhaka đổ về. 15 người Việt, gồm 3 nữ, 12 nam bắt đầu những ngày chung sống tập thể tại một căn hộ 250 m2 và văn phòng làm việc có cùng diện tích ngay bên dưới.
Căn hộ có 4 phòng, ba phụ nữ sống chung một phòng, những phòng còn lại chia cho 11 người sử dụng. Không đủ giường, vài người phải trải nệm xuống sàn để ngủ. Những ngày đầu mắc kẹt, chưa biết thời điểm trở về, mỗi người chỉ biết ôm chiếc điện thoại ngồi một góc, tâm trạng lo lắng, bất an. Nhiều xích mích bắt đầu nảy sinh.
Hiểu được sự ức chế của mọi người khi bị mắc kẹt, chưa biết ngày trở về, anh Toàn nhắn nhủ: "Đây là sự cố chẳng ai mong muốn. Nguy không loạn, nên sống vui vẻ để người ở nhà còn an tâm". Sau một tuần, khi đã quen với cuộc sống tập thể, mọi người chấp nhận "sống chung với lũ".
Họ chia nhóm 3-5 người, hàng tuần chịu trách nhiệm nấu nướng, dọn dẹp. Một nhóm chuyên đi siêu thị cũng được thành lập với găng tay, quần áo bảo hộ, khẩu trang. Cứ bốn ngày, nhóm này lại ra ngoài mua đồ một lần. Hàng nhiều, họ phải thuê xe đẩy chở về. Mọi việc diễn ra nhịp nhàng, sự gắn kết vì thế cũng được tăng lên.
Ngoài báo cáo tiến độ công việc với lãnh đạo ở nước ngoài, thời gian rảnh anh Toàn thường đọc sách và tập thể dục. Hàng ngày, người đàn ông này bật YouTube, tập gym hoặc hít đất, đi bộ 6 km vòng quanh sân thượng. Ban đầu chỉ có hai người tham gia luyện tập cùng, vài ngày sau lên tới sáu người. Nhóm thể dục ngày nào cũng lên sân thượng đi bộ hóng gió và ngắm máy bay, gửi gắm hy vọng sớm có chuyến bay đưa họ về nước.
Sau hơn 100 ngày mắc kẹt tại Bangladesh, cuối tháng 6, Đại sứ quán thông báo chuyến bay đón đoàn về nước sẽ cất cánh vào đêm 2/7.
Nhưng chưa kịp vui vì sắp được về nước thì Covid-19 "hỏi thăm" nhóm người Việt. Ngày 24/6, người đầu tiên trong nhà chung sốt 39 độ. Đến ngày 29/6, 14 trong số 15 người đều có dấu hiệu, chủ yếu sốt, đau người và mệt mỏi.
"Chẳng ai nghĩ mình bị Covid -19 vì chúng tôi cách ly rất nghiêm ngặt", anh Toàn cho hay. Thời điểm này mọi người lại tự mua thuốc hạ sốt, nấu cháo, nấu nước xông từ củ sả rồi chăm sóc lẫn nhau. Những ai bị sốt cũng hết nhanh sau đó hai ngày càng khiến họ tin chỉ bị cảm mạo thông thường.
22h ngày 2/7, đoàn được đưa đến sân bay với đồ bảo hộ, nước uống đồ ăn. Do thời gian chờ đợi và di chuyển quá lâu, vốn là người cơ địa có nhiều mồ hôi, lại khuôn vác đồ cho mọi người nhiều nên khi thu xếp xong hành lý về nơi cách ly tại Thanh Hóa sau đó gần 30 tiếng, anh Toàn gần như lịm đi vì mất nước.
Sáng hôm sau, y tế về lấy mẫu Covid-19 của cả đoàn để sàng lọc. Đến ngày 5/7, 15 người thì 14 người có kết quả dương tính.
Những người mắc bệnh được đưa lên xe chạy thẳng về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 Đông Anh, Hà Nội nhập viện. Ngay tối hôm đó, anh Toàn bắt đầu cảm thấy thân thể rã rời và khó thở, chỉ húp được canh, không nuốt nổi thêm thứ gì. Sang ngày thứ hai, sau khi thăm khám, bác sĩ chỉ định đưa anh vào phòng cấp cứu vì chỉ số oxy xuống quá thấp. "Phải tự thở để tăng chỉ số oxy nhé, tránh dùng máy thở sẽ có biến chứng không hay", bác sĩ nhắn nhủ.
Cả đêm đó, bác sĩ và điều dưỡng luôn túc trực bên cạnh Toàn hướng dẫn thở. Nhưng cứ 10 phút máy lại báo chỉ số oxy xuống quá thấp. Bác sĩ đề nghị anh quỳ gối nằm úp rồi matxa cho dễ thở nhưng do cơ thể quá yếu được một lúc anh lại đổ gục.
"Phải cố gắng, phải tự thở", bác sĩ tiếp tục động viên.
Để chiến đấu với chiếc máy với chỉ số ngày càng xấu, anh mượn chiếc gối ôm của bác sĩ lót dưới bụng. "Giờ chỉ có thể quỳ. Em không đủ sức", Toàn thều thào. Cái gối ôm đã giúp anh qua được đêm đầu tiên chỉ quỳ để thở.
Sáng hôm sau khi cơ thể dễ chịu hơn, bác sĩ thông báo phổi của anh bị tổn thương nặng do biến chứng cấp tính bởi virus đang trong quá trình mạnh lên. "Anh phải cố ăn dù mệt và khó chịu, bởi nếu biến chứng thì không biết như thế nào", bác sĩ căn dặn.
Những cơn đau kéo từ nửa đầu sang hai hốc mắt cùng với những trận sốt trên 39 độ vẫn không làm cho người đàn ông bỏ bữa cháo nào, dù nhiều lúc vẫn nhè đờm lẫn máu ra từ miệng.
Sau 3 đêm trắng không ngủ của bệnh nhân và bác sĩ, bệnh tình của Toàn dần ổn định. Năm ngày sau dù vẫn phải nằm phòng cấp cứu nhưng anh phục hồi dần. Chiều 15/7, anh đã cai được oxi và được đưa ra khỏi phòng cấp cứu về phòng điều trị thường.
Sau 15 ngày điều trị Covid-19, dù sút tới 8 kg nhưng Toàn đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1, tinh thần trở nên phấn chấn.
Hàng ngày anh đều lướt Facebook trò chuyện với bạn bè và làm thơ - việc trước đây chưa từng thực hiện.
Ngoài gia đình và bạn bè ở Việt Nam, người đàn ông này còn nhận được sự động viên của nhiều đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới. "Tình cảm của mọi người dành cho khiến tôi rất hạnh phúc", anh chia sẻ.
Dự định của Toàn sau khi ra viện là sẽ dành thời gian nhiều hơn bên gia đình, quan tâm hơn đến việc học của hai cô con gái, trước đây vì lý do công việc anh hay thoái thác cho vợ. Anh cũng muốn sau khi khỏi bệnh, sẽ trực tiếp gặp những bác sĩ, điều dưỡng điều trị cho mình để nói lời cảm ơn mà không phải thông qua đồ bảo hộ.
Mới đây trên trang cá nhân, Toàn chia sẻ biến cố Covid 19 khiến anh ngộ ra nhiều điều. Người đàn ông này cho rằng, đời người cần phải ốm nặng một lần để có thể thấy: "Tài sản quý giá nhất của chúng ta không phải là một túi tiền hay một căn nhà to mà chính là sức khỏe và sự bình an của cả gia đình", anh viết.
Hải Hiền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét