Hà Tĩnh10h30, nắng chói chang. Chiếc áo thun trên người Thắng ướt đầm. Anh lùi sát đống xe linh kiện của 16 chiếc xe đạp vừa được tháo tung sáng nay.
Chiếc máy chà chổi sắt trong tay anh Trần Quyết Thắng quay tít, kêu inh tai phát ra khi tiếp xúc với những khung xe đạp hoen gỉ. Mạt sắt từ chổi thi thoảng đứt gãy, bay tung tóe. Chợt thấy cảm giác nhói đau ở chân, Thắng biết đã bị mạt sắt ghim vào. Song, tay anh vẫn di đều. Khoảng nửa tiếng, 1/3 chiếc khung đã được cạo sạch lớp sơn cũ nham nhở.
"Khi đã làm xe, chắc chắn mình sẽ dành nguyên ngày cho nó", người đàn ông ngoài 30 tuổi ở Phố Châu, Hương Sơn, nói về lịch làm việc từ 7h-12h30, chiều từ 3h đến 7h tối.
Nếu gặp Thắng hơn một tháng trước, chắc nhiều người sẽ không nhận ra anh bây giờ. Anh quản lý khách sạn gia đình, da trắng đến nỗi bạn bè hay gọi là "mỹ nam", nhưng giờ ai thấy cũng kêu "đen nhẻm, bụi bặm".
Từ năm 2015, Thắng đã tham gia các dự án gom máy tính, sách giáo khoa cũ, sửa lại tặng cho trẻ em; tổ chức các nhóm học tiếng Anh với khách du lịch lưu trú tại nhà mình; trao tặng thùng rác cho bà con...
Ý tưởng "hồi sinh" những chiếc xe đạp để tặng lại cho những trẻ em nghèo nảy ra từ tháng 4. Lần ấy vì Covid-19, những phòng tập gym trong thị trấn đều đóng cửa, Thắng chuyển sang đạp xe. Chiều chiều rong ruổi đạp trên đồng quê, vào các ngõ xóm, Thắng phát hiện có nhiều chiếc xe đạp bị vứt bỏ. Trong khi đó, anh vẫn chứng kiến những đứa trẻ đi bộ đến trường bất kể nắng mưa. "Mình chợt nghĩ nếu số xe đạp này được sửa chữa và trở thành phương tiện cho các em đi học thì tốt biết mấy", Thắng nói.
Quyết Thắng đi xin xe đạp người ta không dùng nữa, rồi bắt tay sửa sang. Chiếc xe đầu tiên Thắng sửa là xe trẻ con 4 bánh. Anh tháo tung xe, vệ sinh, sửa lại, mãn nguyện vì nhìn nó mới và đẹp. Nhưng nhờ đứa cháu đi thử thì xe không di chuyển được. "Tôi nhận ra một chiếc xe không chỉ đẹp mà cần phải chạy tốt và an toàn", anh nói.
Thắng mang xe ra thợ trong vùng, trực tiếp xem và làm cùng họ. Những chiếc xe của Nhật phức tạp, anh mất nhiều thời gian mày mò. Từ chỗ không có kiến thức gì về về nan hoa, bánh răng, bàn đạp, xích... khi tân trang xong chiếc xe thứ ba, Thắng đã hiểu được cấu tạo và tự tin có thể sửa được toàn bộ vấn đề của một chiếc xe đạp.
Quy trình biến một chiếc xe cũ hỏng thành xe mới đẹp phải qua nhiều công đoạn. Xe sẽ được vệ sinh bằng máy rửa áp lực cao để làm sạch bùn đất, mảng bám trước khi tháo tung. Toàn bộ linh kiện được phân loại sau khi tháo, đánh giá tình trạng, cái nào còn dùng được thì tân trang, cái nào hỏng thì mua mới thay thế. Xích, líp, trục, bi phải ngâm dầu. Dây phanh, tay nắm, giỏ xe, lốp, săm, pedal, đèn hậu.. sẽ được thay mới toàn bộ. Sau khi khung xe, chắn bùn, hộp xích, hộp phanh, cùi đĩa được đánh rỉ sét, tẩy sơn thì đến công đoạn phun sơn.
"Quá trình đánh sơn mất nhiều thời gian và nguy hiểm vì mạt sắt có thể đâm vào người. Tốt nhất khi làm chỉ nên đeo găng tay cao su, tuyệt đối không đeo găng tay vải vì có thể bị máy đánh cuốn cả bàn tay vào", anh khuyến cáo. Thời gian đầu, tay anh bị vô số vết trầy xước.
Ông chủ khách sạn này thừa nhận, "hồi sinh" những chiếc xe không phải thú vui mà là việc nặng nhọc thực sự, đòi hỏi phải có sức khoẻ, sự tập trung, kiên nhẫn trong thời gian dài. Thường những chiếc xe ở phố bỏ xó lâu ngày sẽ không mất quá nhiều thời gian. Nhưng xe lấy từ các làng quê đa phần đều là xe không thể sử dụng nữa, nên sẽ mất 1-2 ngày. May mắn công việc kinh doanh khách sạn gia đình suôn sẻ, nên anh có nhiều thời gian làm việc mình thấy có ý nghĩa.
Quá trình hồi sinh những chiếc xe cũ:
Xe sửa đến đâu, Thắng đem đi trao tặng tới đó. Lần gần nhất hôm 19/6, Thắng trao 5 chiếc cho học sinh trường Tiểu học Sơn Hàm, một trường miền núi của huyện Hương Sơn. Trường có nhiều trẻ 10-11 tuổi chưa biết đi xe đạp. Trao xong, các thầy cô đã dành một buổi dạy các em tập đi.
"Nhìn cảnh các em vừa đi vừa chống chân, bạn nọ dựa xe cho bạn kia không rời chiếc xe suốt cả buổi, thấy yêu và thương", Thắng nói. Anh hứa đợt tới sẽ tặng trường thêm 10 chiếc nữa.
Trong những chiếc xe đã tặng, Thắng ấn tượng nhất em Phan Bảo Khánh, 8 tuổi, trường Tiểu học thị trấn Phố Châu. Chập tối ngày 15/5, Khánh thập thò ngoài cổng nhà anh Thắng. Em đi bộ hơn 2 km tới để xin một chiếc xe đạp. Bố mẹ em đã mất. Em cùng anh trai ở với ông bà. Bà già yếu, còn ông bị ung thư. Anh trai học lớp 9 vừa bỏ học và em cũng đang có ý định này.
Nhóm Thắng đã tặng hai chiếc xe cho hai anh em Khánh và một số đồ dùng học tập. Từ bữa đó đến nay, Bảo Khánh không còn phải đi bộ tới trường. Sau buổi học, em chở mẹt hoa quả trong vườn đi dọc chợ bán để phụ giúp ông bà.
Tính đến nay đội "hồi sinh" xe đạp của anh Trần Quyết Thắng đã trao 45 chiếc cho học sinh các trường. 16 chiếc nữa cũng sắp xong. Anh cũng đã gom được một kho xe cũ ở Thanh Trì, Hà Nội, sắp tới sẽ gửi về Hà Tĩnh để sửa. Một chủ tịch phường ở Dĩ An, Bình Dương hứa gửi ra cho Thắng 100 chiếc nữa.
Trong hơn một tháng làm dự án, Quyết Thắng đã nhận được nhiều sự giúp đỡ. Một người bạn trong CLB đạp xe Phố Châu của anh đã đánh xe ôtô con về tận huyện Cẩm Xuyên, cách Hương Sơn 100 km để gom về 10 chiếc xe đạp cũ rích. Có người bạn chỉ cần nghe ai có xe cũng đi gom, nhặt những chiếc từ chuồng bò, chuồng gà, đem về phải lui cui vệ sinh mất cả buổi.
Nhiều lúc anh mang xe đi sửa, từ người hàn, người dán tem, nắn khung đều làm miễn phí, cửa hàng phụ tùng lấy giá gốc. Hàng xóm thường xuyên sang giúp công. Có người không giúp được thì ủng hộ tiền mua phụ tùng. "Công việc trở nên thú vị, vui vẻ hẳn lên", anh chia sẻ.
Điều Quyết Thắng bất ngờ nữa là việc làm của anh đã được lan tỏa và nhân rộng. Đến nay mô hình hồi sinh xe đạp cũ hỏng đã được hình thành ở 5 tỉnh là Hà Nội, Sài Gòn, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Tại đầu cầu Hà Nội, Phạm Nguyên Soái, nghệ sĩ 30 tuổi, cho biết đã có "ý tưởng này cách đây hai năm nhưng chưa có cơ hội thực hiện". Lần đầu tiên đọc bài viết trên Facebook của Thắng, Soái đã rất vui vì ý tưởng của mình cuối cùng có người thực hiện. Anh cũng đứng lên kêu gọi mọi người gửi xe đạp cũ cho mình để sửa.
Ngôi nhà ở Long Biên, Hà Nội của Soái chật như "cái hũ nút" nhưng có bất cứ chỗ trống nào là anh chất xe, từ ngoài sân, phòng khách, thậm chí phòng ngủ, bên cạnh rất nhiều quần áo, đồ từ thiện anh chuẩn bị mang tặng bà con vùng cao. Đến nay họa sĩ này đã sửa được 6 chiếc xe.
Tại Sài Gòn, từ 2 tuần nay anh Ngô Chiến Thắng, kĩ thuật viên bậc 2 tại một khu công nghệ cao, cũng bắt đầu xin xe và sửa lại để trao tặng cho học sinh khó khăn. Nhóm của anh hiện gom được 30 chiếc xe và thường tụ họp vào cuối tuần để sửa.
"Có câu 'Đồ vứt đi của người này lại là vật báu của người khác'. Chúng tôi mong muốn dự án này sẽ tạo hiệu ứng lan truyền hành động tặng xe cho những người còn thiếu", Trần Quyết Thắng nói.
Phan Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét