"Nếu con không ngoan, chú cảnh sát bắt con", đây là câu nói dối mà không ít bậc cha mẹ sẽ sử dụng để dọa trẻ, buộc chúng phải nghe lời.
Tuy nhiên, các nhà Tâm lý học tại Đại học công nghệ Nanyang Singapore (NTU) đã nhận định rằng, khi đứa trẻ lớn lên, những lời nói dối như vậy của cha mẹ sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến chúng.
Trong một nghiên cứu được thực hiện với sự phối hợp giữa NTU với Đại học Toronto (Canada), Đại học California, Đại học Sư phạm Chiết Giang, Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu đã hỏi 379 người trẻ Singapore xung quanh nội dung: Cha mẹ họ có nói dối họ khi họ còn nhỏ hay không? Hiện giờ họ có nói dối bố mẹ không? và họ có thích nghi tốt với những thách thức của tuổi trưởng thành hay không? Những người tham gia được yêu cầu điền vào bốn câu hỏi trực tuyến.
Câu hỏi đầu tiên yêu cầu người tham gia nhớ lại việc cha mẹ họ có từng nói dối họ về chuyện ăn uống, tiền bạc, sinh hoạt... hay không. Ví dụ những câu như "Con mà không nghe lời mẹ thì mẹ sẽ để lại con ở đây một mình", hay "Mẹ không có tiền, lúc khác mẹ có tiền thì chúng ta sẽ mua món đồ đó"...
Câu hỏi thứ hai yêu cầu người tham gia chỉ ra mức độ thường xuyên mà họ nói dối cha mẹ mình khi trưởng thành. Ví dụ những lời nói dối liên quan đến các hoạt động sinh hoạt trong đời thường, hoặc những lời nói mang tính phóng đại các sự kiện...
Cuối cùng, người tham gia được yêu cầu điền vào hai bảng câu hỏi, nhằm đo lường mức độ rối loạn điều chỉnh tâm lý xã hội, cũng như hành vi bốc đồng, ích kỷ...
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người trẻ bị cha mẹ nói dối, lừa dối nhiều lần trong thời thơ ấu có khả năng cao sẽ nói dối cha mẹ khi chúng trưởng thành. Họ cũng phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn trong việc đối mặt với những thách thức về tâm lý và xã hội. Những khó khăn này bao gồm việc dễ bị tác động, có vấn đề về hành vi, cảm giác xấu hổ, tội lỗi, các đặc điểm tính cách ích kỷ, hay lôi kéo...
Tác giả chính của nghiên cứu này là Setoh Peipei - trợ lý giáo sư tại khoa Khoa học Xã hội, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Cô nhận định: "Có thể việc thực hiện trách nhiệm nuôi dạy con bằng cách nói dối sẽ giúp tiết kiệm thời gian, đặc biệt khi bậc cha mẹ khó giải thích cụ thể với con lý do cho những yêu cầu của mình. Tuy nhiên, khi bạn thể hiện rằng bạn không trung thực, loại hành vi này sẽ gửi một thông điệp đầy mâu thuẫn đến con cái của bạn. Cha mẹ không trung thực có thể gây tổn hại cho con cái. Sự không trung thực của cha mẹ có thể làm tổn hại lòng tin của trẻ con và khuyến khích sự không trung thực của chúng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nuôi dạy trẻ con bằng cách nói dối sẽ tác động tiêu cực đến trẻ khi chúng lớn lên. Cha mẹ nên nhận thức được những tác động xấu tiềm tàng này và xem xét tới các lựa chọn thay thế cho việc nói dối, chẳng hạn như cung cấp thông tin cho trẻ, cho trẻ biết nhưng mong đợi của mình và cùng nhau giải quyết vấn đề...".
Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí tâm lý học trẻ em (Journal of Experimental Child Psychology) tin rằng nói dối trẻ em theo ý muốn chủ quan của người lớn là một sự tác động tâm lý, phá hủy ý thức tự chủ của trẻ em, và cuối cùng là làm tổn hại sứ khỏe cảm xúc của trẻ.
Nghiên cứu khuyến khích cha mẹ nên xem xét bản chất, mục tiêu của việc nói dối, để biết chính xác những gì nên nói. Ví dụ, nếu mẹ nói: "Con không nghe lời, mẹ sẽ vất con xuống biển cho cá ăn", lời nói dối này có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Tuy nhiên, nếu bạn nói "Nếu con không nghe lời thì còn sẽ không được mẹ thưởng kẹo ở nhà", thì hậu quả sẽ ít nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, lỗ hổng của nghiên cứu này là nó chỉ minh họa mối tương quan giữa hai yếu tố, nhưng không thể chứng minh được mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả.
Thùy Linh (Theo 163)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét