Thời thơ ấu là giai đoạn quan trọng để trẻ phát triển thói quen tốt. Nhiều thói quen tưởng không đáng kể, nhưng mang lại những thay đổi bất ngờ cho tương lai của trẻ.
Trong cuốn sách Đời người như cõi tạm, nhà giáo dục nổi tiếng Trung Quốc Lương Thực Thu từng viết: Bản chất tự nhiên của con người là gần giống nhau, nhưng khác nhau về thói quen. Thói quen dễ được tạo thành nhất từ thời thơ ấu, một khi đã được gieo trồng, thật không dễ gì mà thay đổi.
Theo một số chuyên gia, có 6 thói quen rất hữu ích mà các bậc cha mẹ cần rèn cho con càng sớm càng tốt.
Làm việc nhà
Có một khoảng cách rất lớn giữa việc trẻ làm việc nhà và không làm việc nhà. Tất nhiên, mục tiêu cuối cùng của việc để trẻ làm việc nhà là để trau dồi nhiều khả năng của trẻ thông qua công việc đó. Khoa học chứng minh, trẻ có thể làm việc nhà sẽ có xu hướng độc lập hơn và biết tự chăm sóc bản thân. Quan trọng hơn, chúng có ý thức trách nhiệm cao hơn với gia đình và hiệu quả học tập cao hơn.
Báo giáo dục Trung Quốc gần đây công bố một kết quả khảo sát cho thấy trong số các gia đình có quan điểm rằng trẻ em nên làm một số việc nhà, 86,92% trẻ đạt kết quả học tập xuất sắc. Trong số các gia đình có suy nghĩ rằng "miễn học giỏi là được, không cần làm việc nhà", chỉ có 3,17% trẻ đạt kết quả xuất sắc.
Tuân thủ quy tắc và nghi thức
Trẻ em tuân thủ quy tắc, nghi thức phản ánh việc nhận được sự giáo dục tốt nhất của cha mẹ. Ngược lại, trẻ không tuân thủ nguyên tắc và nghi thức dễ hành động nổi loạn: bạo lực, chửi thề, vô kỷ luật nơi công cộng, coi thường cảm xúc của người khác.
Sau khi trẻ 3 tuổi, cha mẹ nên dần dạy trẻ cách chú ý đến lời nói, việc làm của bản thân ở nơi công cộng, để chúng biết các nghi thức, các quy tắc. Không nên đánh giá thấp những điều này, bởi dần dần chúng sẽ thành thói quen của con, giúp trẻ xây dựng hình ảnh của chính mình trong xã hội.
Có giờ giấc sinh hoạt, nghỉ ngơi khoa học
Khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra sự nguy hiểm của việc sinh hoạt và nghỉ ngơi không điều độ đối với trẻ, đó là:
Ảnh hưởng đến phát triển thể chất: bao gồm tăng trưởng chiều cao.
Ảnh hưởng đến sự phát triển của trí tuệ: nghiên cứu của đại học Oxford cho thấy trẻ ngủ sớm từ 2 tuổi, đến năm 8 tuổi sẽ có nguy cơ mắc các vấn đề về sự tập trung chú ý thấp hơn 62% so với trẻ ngủ muộn hơn, ở cùng độ tuổi.
Ảnh hưởng đến sức khỏe: Trong số những trẻ ngủ kém, 45,9% trẻ có khả năng miễn dịch thấp, thường bị cảm lạnh. 40,5% trẻ có nguy cơ bị suy nhược thần kinh hoặc trầm cảm, 36,5% trẻ có nguy cơ béo phì.
Rèn giũa lời ăn tiếng nói
Người xưa có câu: Không có quy củ thì không thành nề nếp. Do đó, cha mẹ cần phải đầu tư nhiều nỗ lực để hướng dẫn trẻ các quy tắc trong lời nói, hành động, để chúng có thể biết làm thế nào để hòa hợp với xã hội. Điều này bắt đầu từ các quy tắc nhỏ như quy tắc ăn uống, đi đứng, giao tiếp... Những "sức mạnh mềm", khi được trang bị từ trước 8 tuổi, sẽ giúp trẻ phát triển tự tin trong suốt cuộc đời.
Yêu thiên nhiên, yêu thể thao
Với trẻ em, không nhất thiết áp dụng định nghĩa "tập thể dục" một cách cứng nhắc. Với trẻ, chơi cũng là một môn thể thao. Cha mẹ có thể cho trẻ chạy nhảy ngoài trời, chơi bóng đá... với các bạn ngoài thiên nhiên. Không nên giữ con bạn trong nhà với điện thoại di động, tivi quá lâu... Khi trẻ 6-8 tuổi, có thể cho trẻ bơi lội, trượt băng... để giúp trẻ phát triển thể chất.
Đọc sách và tìm tòi thông tin
Thời đại Internet ngày nay cho trẻ cơ hội để khám phá thế giới chỉ bằng một cú click chuột, vì thế, cha mẹ nên khuyến khích con tìm tòi, khám phá, phát triển những suy nghĩ độc lập. Trẻ cũng cần được khuyến khích bày tỏ quan điểm riêng, thay vì bố mẹ bảo gì thì nghe nấy.
Bạn cũng nên giáo dục trẻ thói quen đọc sách. Khi con còn nhỏ, bạn đọc sách cho con nghe để trẻ bắt đầu hiểu về thế giới xung quanh. Khi con biết phân biệt chữ cái, màu sắc, bạn mua các loại sách, tranh phù hợp để trẻ khám phá, mua màu cho trẻ tô, mua bút cho trẻ viết. Thông qua đó, trẻ dần tích lũy kiến thức và trình bày khả năng sáng tạo của chính mình.
Thùy Linh (Theo Aboluowang)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét