Nhiều thử nghiệm cho thấy, tuần làm việc 4 ngày mang lại rất nhiều lợi ích như giảm sử dụng phương tiện giao thông, giảm ô nhiễm, cải thiện sức khỏe người lao động...
Khi tận hưởng chuyến đi nghỉ cùng gia đình, Jonny Tooze, giám đốc điều hành công ty tiếp thị LAB ở London thực sự hào hứng. Trong lúc cùng vợ con ngắm nhìn bãi biển và những chiếc thuyền đi qua, người đàn ông đột nhiên tự hỏi: Tại sao mỗi cuối tuần không thể làm như này?
Khi trở lại, anh đã quyết định thực hiện thay đổi lớn ở LAB. Nhân viên được quyền chọn nghỉ thêm một ngày vào thứ Hai hoặc thứ Sáu bên cạnh hai ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật truyền thống. Tức là họ sẽ chỉ còn phải làm việc 4 ngày một tuần.
Trong thời Covid-19, làm việc ở nhà trở nên phổ biến và những thay đổi mang tính đột phá như ở LAB trở nên khả thi hơn. Sự linh hoạt về nơi làm việc khiến chúng ta nghĩ đến tương lai hoàn toàn khác. Chính sách làm việc từ thứ hai đến thứ sáu, 8 tiếng một ngày có thể sớm trở thành quá khứ.
Tiến sĩ Jan-Emmanuel De Neve, giám đốc Trung tâm nghiên cứu sức khỏe tại Đại học Oxford, tin rằng những thay đổi do đại dịch có thể là bước đầu tiên hướng tới một cuộc "cách mạng" về thời gian và năng suất làm việc, nó sẽ cho ta thấy làm việc 4 ngày một tuần trở thành xu hướng.
"Tôi nghĩ sắp tới sẽ rất khó để một người quản lý nói không, ví dụ như bạn không thể làm việc ở nhà vào chiều thứ tư hoặc thứ sáu, bởi thực tế đang thể hiện rằng điều đó hoàn toàn có thể", ông nói.
Và không chỉ các chuyên gia bắt đầu nghĩ như vậy. Tuần trước, Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern, đã đề xuất ý tưởng giảm số ngày làm việc xuống còn 4 ngày mỗi tuần trong khi bàn bạc các phương án giúp nền kinh tế đất nước phục hồi sau tác động của Covid-19, trong đó bao gồm cho mọi người nhiều thời gian hơn để làm những việc họ yêu thích.
Nhiều công ty đã đi trước một bước. Số các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp nhỏ, những người ủng hộ làm việc 4 ngày một tuần đang tăng lên trong những năm gần đây. Tuy nhiên, mô hình này chưa được thử nghiệm ở quy mô quốc gia. Nếu thành công, việc New Zealand áp dụng một tuần làm việc 4 ngày có thể là hết sức thú vị.
Theo tiến sĩ De Neve, làm việc ít hơn một ngày mỗi tuần không chỉ đem lại niềm vui cá nhân mà còn tốt cho môi trường.
Một nghiên cứu năm 2012 bởi trường Kinh doanh Henley ước tính mô hình làm việc 4 ngày sẽ khiến người dân Anh lái xe ít đi 560 triệu dặm mỗi tuần. Do đó sẽ giảm lượng khí thải từ giao thông. Nhiều nghiên cứu khác cho thấy thời gian chúng ta làm việc càng ngắn thì càng tốt cho môi trường. Chẳng hạn, việc sử dụng máy tính giảm đồng nghĩa với việc giảm năng lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp.
Trong cuộc thử nghiệm năm 2019 của Microsoft Nhật Bản, trong một tuần làm việc 4 ngày, công ty giảm được một phần tư tiền điện. Những người nghỉ thứ sáu in ít hơn 60% giấy.
Ở Mỹ, đã có những ý kiến cho rằng việc áp dụng thời gian làm việc ngắn hơn có thể cắt giảm 7% lượng khí thải carbon.
Ngoài những tác động tức thời, có thể đo lường được như trên, làm việc 4 ngày một tuần cũng phá vỡ chu kì "làm việc – chi tiêu". Thay vì sử dụng thời gian rảnh để mua sắm, các chuyên gia nhận thấy mọi người sẽ tham gia các hoạt động lành mạnh và hữu ích hơn như nấu ăn, tập thể dục hoặc thậm chí sửa chữa các đồ vật gia đình bị hỏng mà trước kia họ sẽ bị vứt đi vì quá bận bịu.
Minh chứng là ở Pháp. Khi nước này áp dụng làm việc ít hơn 35 giờ một tuần từ năm 2000, mọi người đã dành thời gian rảnh rỗi mới cho các hoạt động ít tác động tới môi trường hơn. Họ ít mua sắm hơn, dành thời gian cho gia đình hoặc tận hưởng không gian ngoài trời.
Bên cạnh những lợi ích xanh, một tuần làm việc 4 ngày cũng có thể ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe tinh thần. Tiến sĩ De Neve cho biết: "Khi xem xét những yếu tố khiến mọi người hài lòng hơn với công việc của họ hoặc cuộc sống nói chung, nghiên cứu chỉ ra rằng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống đóng vai trò quan trọng".
Có một số nghiên cứu cho thấy rõ rằng khi làm việc 5 ngày một tuần, số giờ lao động năng suất thực tế chỉ chiếm phần nhỏ. Ngoài ra, mọi người còn rất khó khăn trong việc sắp xếp thời gian cho các hoạt động khác của cuộc sống như chăm sóc con cái, đi khám bệnh. Điều đó khiến họ căng thẳng, mệt mỏi.
"Chúng ta có thể loại bỏ sự mệt mỏi đó và chuyển nó thành một phúc lợi", ông De Neve nói.
Sức khỏe của nhân viên là một động lực lớn khi LAB quyết định chuyển sang một tuần làm việc 4 ngày. "Thật ra, vài năm trước, chúng tôi đã không muốn chấp nhận chính sách làm việc truyền thống từ 9 giờ đến 17 giờ từ thứ hai đến thứ sáu. Chúng tôi nghĩ đó không chắc là cách làm việc hiệu quả nhất và có lẽ không phải là cách làm việc tốt nhất đối với sức khỏe tinh thần", ông Tooze nói.
Nhân viên của LAB có những phản ứng khác nhau đối với lịch làm việc mới nhưng hầu hết đều vui vẻ đón nhận một ngày không phải làm việc. Tooze cho biết nhân viên của mình đã thực hiện nhiều chuyến đi ngắn ngày hơn, cũng như dành thời gian cho các sở thích như nhiếp ảnh, chạy marathon.
Năng suất làm việc cũng thay đổi. Khi bắt đầu, quá trình chuyển đổi dẫn đến nhiều vấn đề. Tuy nhiên, việc kiểm soát tốt hơn thời gian và cách thức làm việc cuối cùng dẫn đến hiệu quả tốt hơn. Nhân viên LAB ít tập trung vào mức độ thường xuyên làm việc hơn mà thay vào đó quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của những gì họ đang làm. Điều đó có nghĩa là với những người làm việc 4 ngày một tuần, họ sẽ nỗ lực làm việc hơn vì không có thời gian để thảnh thơi.
Một vấn đề khiến De Neve lo ngại là với những công ty thường tập trung vào việc khen thưởng những người dành nhiều thời gian tới văn phòng, làm việc ít thời gian hơn có thể dẫn đến tiền lương thấp hơn. Có thể họ sẽ trả lương ít hơn khi cho rằng nhân viên chỉ làm việc 4 ngày chứ không phải 5 năm ngày.
Ông De Neve hy vọng với trọng tâm là chất lượng chứ không phải số lượng, như trường hợp của LAB, các công ty sẽ tiếp tục trả cho nhân viên mức lương tương tự. Sẽ không công bằng nếu giảm lương vì số giờ làm việc giảm trong khi mọi người thực sự lao động hiệu quả hơn. Nên trả lương dựa vào năng suất chứ không phải thời gian nhân viên đến văn phòng, De Neve cho hay.
Ánh Dương (Theo Euronews)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét