Nước Mỹ "vỡ trận", thiếu thốn trang thiết bị y tế, nhiều bác sĩ tính sẵn phương án xấu nhất là họ có thể chết, nhưng không rút lui trong cuộc chiến chống Covid-19.
Những ngày này Michelle Au, Bệnh viện Emory St. Joseph ở Atlanta, cảm thấy như đang làm việc trong thảm hoạ hạt nhân Chernobyl năm 1986. "Bạn có cảm giác như mình đang trong làm việc trong thảm hoạ Chenobyl. Đồng hồ đếm ngược 10 giây, 20 giây, 30 giây. Bạn cảm thấy mình nhiễm xạ giống y như phim", chị nói.
Là một bác sĩ gây mê, Michelle Au chịu trách nhiệm công đoạn nguy hiểm nhất khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm nCov - đặt nội khí quản cho bệnh nhân không thể tự thở. Công việc đòi hỏi tiếp xúc gần miệng bệnh nhân. Rủi ro tăng cao nếu chẳng may người bệnh ho khi ống được đưa vào. Gần đây bác sĩ chị đã đặt nội khí quản cho hai bệnh nhân mắc Covid-19.
Virus còn có thể lẩn khuất dưới móng tay hoặc trên một sợi tóc khiến Au gặp ác mộng, lo cho sức khoẻ của mình, đồng nghiệp và hơn hết là chồng và ba đứa con.
Bác sĩ Au đã cùng chồng tìm người chăm hai con trong trường hợp họ không thắng được dịch bệnh. Ảnh: Facebook Michelle Au. |
Hàng ngày, trước khi rời bệnh viện, chị tắm, gội đầu và thay đồ mới. Chị làm lại điều tương tự như thế khi về nhà, bởi cảm thấy quần áo có thể nhiễm virus khi đi xe. Cuối cùng là công đoạn lấy dung dịch khử trùng lau sạch mọi bề mặt chạm vào từ tay nắm cửa, vô lăng, điện thoại... Cách đây không lâu, Au nghĩ những biện pháp phòng ngừa này là điên rồ. "Bây giờ, những việc đó có vẻ hoàn toàn hợp lý", chị nói.
Hai tuần qua chị ngủ dưới hầm, trong khi chồng chị, một bác sĩ phẫu thuật ngủ trong phòng ngủ của họ. "Một trong hai phải giữ sức khoẻ", Au nói thêm.
Các nghiên cứu chỉ ra nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân mắc Covid-19 có nhiều khả năng nhiễm bệnh với triệu chứng nặng hơn người bình thường. Nếu như hôm 16/3, Mỹ đứng thứ 8 thế giới về số ca nhiễm nCoV thì đến ngày 27/3, Mỹ vượt Trung Quốc trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 101.000 ca. Trong bối cảnh "vỡ trận", thiếu thốn trang thiết bị y tế, nhiều bác sĩ đã chia nhau đồ bảo hộ, găng tay và khẩu trang để giữ an toàn tính mạng. Họ cũng buộc phải nghĩ đến những kịch bản xấu nhất sẽ xảy ra với chính mình.
Nhân viên y tế có nguy cơ cao nhiễm nCov. Ảnh: EPA. |
Cuối tuần trước, vợ chồng bác sĩ Au ngồi lại bàn việc ủy thác chăm sóc con cái trong trường hợp cả hai đều qua đời vì Covid-19. Lần lượt 4 lựa chọn được đưa ra. "Hai lựa chọn hàng đầu là ông bà, những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Thứ 3 là một bác sĩ. Vì thế chúng tôi đã thêm người thứ tư có rủi ro thấp hơn", Au nói.
Bác sĩ John Marshall, Trưởng khoa cấp cứu tại Trung tâm Y tế Maimonides, Brooklyn, New York đã chọn cách vẫn về nhà để có cơ hội nhìn thấy 3 con trai từ xa, nhưng anh không nằm ngủ chung với vợ mình một tháng nay. Không ít đồng nghiệp của ông đã gửi vợ con đến nơi an toàn hơn hoặc thuê nhà ở một mình.
"Chúng tôi biết phải làm gì với vết thương do đạn bắn, phải xử lý thế nào khi ai đó bị nhiễm trùng hay đau tim. Nhưng hiện tại, chúng tôi không rõ cách nào chắc chắn bảo vệ bản thân và gia đình", bác sĩ Marshall thừa nhận.
Tại bệnh viện, ông thậm chí khuyến khích các đồng nghiệp viết sẵn di chúc.
Bác sĩ cấp cứu John Marshall khuyên đồng nghiệp viết sẵn di chúc. |
Tiến sĩ, bác sĩ Jane van Dis, bác sĩ sản phụ khoa ở Los Angeles là một mẹ đơn thân. Jane đã suy nghĩ rất nhiều trong bối cảnh này. "Tôi nhận ra nếu điều tồi tệ nhất có xảy ra thì cuộc sống của tôi vẫn phải do tôi tự quyết định", chị nói. Vào thứ bảy tuần trước nữ bác sĩ đã tìm hiểu tất cả các chính sách bảo hiểm nhân thọ, khuyết tật, kiểm tra lại thẻ tín dụng, thế chấp, các khoản vay... để có thể uỷ thác cho người chị tin tưởng chăm sóc con mình.
Bác sĩ Vicki Jackson làm việc tại bệnh viện Mass General tại bang Massachusetts thì nhắn nhủ tái hôn nếu mình chết vì Covid-19. "Em chỉ cần cô ấy là người can đảm, như thế sẽ tốt cho con chúng ta", Vicki nói với chồng.
Những đoạn đối thoại bàn trước về tình huống xấu nhất có thể xảy ra là điều các bác sĩ như Au, Marshall, Jackson đã làm nhiều lần trong sự nghiệp, khi họ cần các bệnh nhân sẵn sàng tâm lý đối mặt với thực tế hiểm nghèo nhất. Giờ đây, họ đang áp dụng điều đó với chính mình.
Tuy nhiên, khi được hỏi về ý định bỏ cuộc vì quá áp lực, bác sĩ Bhardwaj khẳng định: "Với tư cách một người mẹ, tôi phải có trách nhiệm bảo vệ đứa trẻ của mình. Song, tôi không bao giờ quên mình là một bác sĩ. Tôi sẽ không bao giờ lùi bước".
Bảo Nhiên (Theo Nytimes)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét