Khi con lăn đùng ra tiệm đồ chơi khóc lóc vì muốn được mua món đồ chúng thích, mệnh lệnh "Dừng khóc ngay" chẳng tác dụng mà bạn thì không muốn phí tiền.
Có các cách dưới đây mà bạn có thể áp dụng trong từng tình huống để xử lý những chiêu trò của trẻ.
Việc dọa nạt để trẻ ngừng khóc là việc làm không được các chuyên gia khuyến khích. Ảnh minh họa: Time. |
1. Trẻ hay ăn vạ
Thay vì dọa nạt trẻ hay yêu cầu chúng phải ngừng khóc, nếu không sẽ ăn roi, bạn có thể đánh lạc hướng chúng bằng cách hỏi về màu sắc, ví dụ: "Ồ, áo/giày con có màu gì thế?". Vấn đề chính là trẻ đang không nghĩ về những thứ chúng mặc trên người, thế nên chúng sẽ bắt đầu tập trung vào điều đó. Như thế chúng sẽ ngưng gào khóc vì bận đi tìm câu trả lời cho bạn.
2. Trẻ đòi chơi tiếp khi bạn yêu cầu
Trẻ đang chơi vui mà bạn yêu cầu chúng về, chắc chắn chúng sẽ không thích chút nào. Nếu bạn nói "Cho con 5 phút nữa thôi rồi ta về nhé", chúng sẽ bối rối vì không thể đếm phút và không hiểu thời gian trôi nhanh thế nào. Cảm giác đó sẽ khiến trẻ cảm thấy bị hối thúc, thế nên chúng gào khóc bắt vạ bạn.
Thay vì nói "5 phút nữa nhé", hãy nói rằng "5 lượt chơi nữa nhé", "10 vòng nữa nhé", "ba lần đu quay nữa nhé", ví dụ thế, trẻ sẽ tự ước lượng được và vui vẻ chơi hết lượt của mình, trước khi về với bạn.
3. Lười vệ sinh cá nhân
Nếu trẻ không đánh răng, không lau mặt, cứ thử mẹo này mà xem. Đầu tiên, bạn đưa trẻ đứng kế bên mình, rồi làm gương cho trẻ bằng cách thực hiện việc làm này trước. Giao tiếp không lời nói cho phép bé hiểu những gì đang diễn ra. Tuy nhiên việc này có thể không hiệu quả ngay tức thì, bạn cần kiên trì, cho đến khi trẻ bắt đầu bắt chước bạn.
4. Trẻ không biết cảm ơn, xin lỗi
Nếu trẻ có thiện chí giúp đỡ bạn việc nhà, thì đừng quên nói lời cảm ơn. Ai cũng cần nghe những lời đánh giá, nhận xét tích cực. Bạn cần phải học cách nói cảm ơn và xin lỗi với trẻ, dù cho rằng nó không cần thiết. Kiểu hành vi này làm cho bạn cảm thấy gần gũi hơn với con cái và giúp bạn củng cố mối quan hệ, dù con ở độ tuổi nào đi nữa. Thêm vào đó, trẻ cũng lấy bạn làm tấm gương để sẵn sàng nói cảm ơn, xin lỗi khi ứng xử với mọi người.
5. Trẻ lười ăn rau
Không phải trẻ nào cũng dễ ăn, nhiều trẻ cứ thấy rau, củ là gạt ra, dù đó là những loại đồ ăn rất tốt cho sức khỏe. Một mẹo vặt cho bố mẹ trong tình huống này là hãy bắt đầu bằng việc cho trẻ ăn rau trước khi bước vào bữa tối, bởi vì đó là khi chúng đói và sẽ chịu ăn mọi thứ, kể cả carot, rau xanh...
6. Khi trẻ tranh giành với anh chị
Khi bạn không chỉ có một, mà có đến vài đứa con nhỏ, thì việc chúng chành chọe giành đồ chơi là việc rất dễ hiểu. Thay vì yêu cầu đứa lớn phải nhường đứa bé hay đứa bé phải nghe lời anh, chị, thì giải pháp chính là phân chia theo ngày. Mỗi đứa sẽ được chơi món đồ đó một ngày trong tuần và buộc phải tuân thủ theo quy định, nhờ thế chúng sẽ không giành nhau nữa.
7. Với trẻ hay vòi vĩnh, đòi hỏi
Nhiều trẻ khi vào cửa hàng, siêu thị thường nằn nì đòi mua bằng được những món đồ chúng thích. Khi không được đáp ứng, chúng lăn ra ăn vạ.
Mẹo của cha mẹ chính là không đưa ra cho chúng quá nhiều lựa chọn. Trước khi đi mua sắm, hãy yêu cầu con lập ra một danh sách vài món con thích mua, và chỉ mua trong số đó. Nếu trẻ ưng mắt món đồ khác, bạn có thể nói: "Hãy cho nó vào danh sách lần sau, mẹ sẽ suy nghĩ". Như thế, trẻ sẽ tự khắc hiểu vấn đề và không đòi các thứ ngoài danh sách.
Với việc ăn uống cũng vậy, không nên cho trẻ quá nhiều lựa chọn. Thay vì đặt câu hỏi: "Con thích ăn bánh mì cho bữa tối?", bạn có thể hỏi "Con thích ăn gì kèm với bánh mì cho bữa tối?". Hãy lưu ý khi đặt câu hỏi cho trẻ, bởi vì có một số câu hỏi của bạn sẽ khiến trẻ có lý do để mè nheo đấy.
8. Xử lý trẻ thiếu độc lập, thiếu chủ động
Mỗi khi ra ngoài, trẻ thường chẳng chịu tự giác mặc đồ, đi giày dép mà phải để bạn hỗ trợ. Hãy bắt đầu bằng việc cho trẻ sự lựa chọn và tránh các câu hỏi tu từ. Trẻ luôn luôn thích sự lựa chọn và làm chủ vấn đề của mình, vì vậy, khi bạn ra ngoài với con, hãy hỏi chúng xem chúng thích mặc chiếc áo thế nào? Tuy nhiên, cần phải cụ thể với câu hỏi của bạn. Thay vì hỏi "Con mặc cái nào?", hãy hỏi "Con thích áo, giày màu vàng hay màu đỏ nào?".
9. Trẻ không chịu đi ngủ đúng giờ
Thay vì yêu cầu con lên giường đi ngủ đúng giờ, bạn cần làm gương cho con bằng việc tự mình lên giường vào giờ đó. Nếu bạn bảo con đi ngủ trong khi vẫn ngồi lỳ trước tivi hay lướt điện thoại, trẻ sẽ đặt câu hỏi thắc mắc: Vì sao bố mẹ chưa đi ngủ mà mình phải ngủ? Ít nhất thì hãy giả vờ là bạn vào phòng ngủ đi ngủ, trẻ cũng sẽ làm theo bạn. Khi bạn giả vờ nhắm mắt lại, trẻ cũng sẽ làm theo như thế và dần chìm vào giấc ngủ. Dần dần, điều này trở thành thói quen tốt cho trẻ về lâu dài.
Thùy Linh (Theo Brightside)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét