Đọc tin thấy những đám cháy lan ngày càng gần nhà mình, chị Lê Oanh, ở Melbourne, bang Victoria, hình dung ra cảnh đang đêm phải dậy đi di tản.
"Có lúc tôi đã sợ và nghĩ hay là về Việt Nam một thời gian cho qua giai đoạn khó khăn này", chị Oanh, 33 tuổi, quê Hà Nội, bộc bạch.
Sẩm tối 7/1, tại con phố ở Keilor Downs, thành phố Melbourne, chị Oanh đứng trước cửa nhà nhưng 15 phút trôi qua không có một bóng người. Bầu trời xám xịt, khói bụi khiến chị thấy hơi khó thở. Mọi nhà đều đóng cửa.
"Sáng 6/1 mưa nhỏ nên trời âm u lắm. Toàn thành phố bao trùm bởi bầu không khí như Tam Đảo mờ sương. Nhưng vẫn chưa kinh khủng bằng chiều qua. Tôi đi siêu thị mua đồ mà không thể lái xe được giữa ban ngày vì khói từ các vùng cháy ở ngoại ô bay vào thành phố", Oanh chia sẻ.
Chị Oanh trước cửa nhà mình sẩm tối 7/1, bầu trời xám xịt vì khói bụi. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Các vụ cháy rừng ở Australia kéo dài từ tháng 9/2019 đến nay khiến ít nhất 25 người thiệt mạng, gần 2.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, hơn 6 triệu hécta đất bị thiêu cháy, theo The Guardian.
Sống tại Melbourne 10 năm, chị Lê Oanh chưa bao giờ thấy xứ sở kangaroo lại khốn đốn như lúc này. Bang Victoria nơi chị sống cùng với New South Wales là hai bang bị ảnh hưởng nặng nhất từ các vụ cháy.
Từng có ý nghĩ di tản, song lại thôi. Điều chị Oanh trăn trở nhất hiện giờ là phải làm gì để góp sức đẩy lùi đám cháy. Gần chục ngày qua, trước lúc ngủ chị đều cầu mưa. Sáng sớm tỉnh dậy, chị luôn chạy ra cửa sổ nhìn trời. "Sáng 6/1 thấy mưa mừng rơi nước mắt", chị nói. Oanh cũng kêu gọi các đồng nghiệp tại chỗ làm quyên góp tiền để ủng hộ đẩy lùi đám cháy.
Từ cuối tuần trước, như nhiều người dân ở Keats Ave, Kingsbury, Melbourne, Trần Kim Ngọc, 23 tuổi, đã sống tại đây năm năm, đã cùng chồng chuẩn bị một chiếc vali, bên trong có các giấy tờ quan trọng và đồ dùng cần thiết, phòng khi lửa lan tới là đi, dù đám cháy hiện tại cách chỗ cô 170 km.
"Mới hôm qua, Melbourne còn khói mù mịt, khiến nhiều người khó thở. Hôm nay có mưa đỡ hơn, nhưng dự báo chất lượng không khí sẽ không cải thiện cho đến cuối tuần này", anh Đăng Trình, biên tập viên một tạp chí, sống giữa thành phố Melbourne bốn năm qua, cho biết. Những ngày này, anh hạn chế ra đường.
Điều anh lo lắng là cơn mưa không đáng kể, hơn nữa mùa cháy rừng mới bắt đầu. "Tình hình này cháy còn dài", anh nói.
Lương Mai, sống ở Sydney, thủ phủ bang New South Wales, cho biết cô đã giật mình cuối tuần trước, khi kéo rèm cửa sổ thấy bầu trời trong xanh chuyển sang màu cam đỏ.
"Đây là thảm họa khủng khiếp chưa từng gặp, ngay cả đối với các bạn người bản địa của tôi cũng nói vậy", cô gái 25 tuổi đã sống ở đây tám năm cho biết. Theo Mai, năm nào Australia cũng cháy rừng nhưng chưa năm nào nghiêm trọng và kéo dài như năm nay.
Bầu trời tại Sydney nơi Mai đang sinh sống ngày cuối tháng 12/2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Chất lượng không khí suy giảm nghiêm trọng vì các vụ cháy thải ra lượng CO2 gần bằng một nửa lượng khí thải trung bình hàng năm của Australia. Theo CNN, cuối tháng 12/2019, chất lượng không khí ở Sydney bị đánh giá là tệ hơn mức "nguy hiểm" 11 lần.
Tại Australia, người Việt chủ yếu sống ở các thành phố lớn, cách xa các đám cháy nên không cần di tản, tuy nhiên không tránh khỏi bầu không khí ô nhiễm. "Có nhiều ngày, không khí Sydney rất tệ. Mọi người phải đeo khẩu trang có màng lọc đặc biệt. Tro lởn vởn khắp nơi, giống như tuyết", Mai nói. Để đảm bảo an toàn cho nhân viên, công ty Mai cho phép nhân viên làm việc ở nhà.
Không khí ô nhiễm khiến Mai bị khó thở và ợ nóng nhiều. Cô vừa trang bị một máy lọc không khí ở nhà. Cô nhân viên IT này cũng đóng góp và kêu gọi thêm bạn bè quyên góp "cứu Australia".
Phan Dương - Minh Trang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét