Ở 5 năm vùng có tuổi thọ cao nhất thế giới, người dân không tập thể dục, mà họ di chuyển, làm việc tay chân gần như cả ngày.
Dan Buettner, nhà thám hiểm Mỹ, tác giả của nhiều bài báo nổi tiếng trên New York Times là người đi tiên phong trong ý tưởng rằng thế giới có 5 "vùng xanh", nơi con người phần lớn sống một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc ở tuổi già, tuổi thọ thường đạt đến 100.
5 "vùng xanh" bao gồm:
- Vùng Loma Linda, bang California, Mỹ
- Đảo Ikaria ở Hy Lạp
- Okinawa ở Nhật Bản
- Sardinia ở Italy
- Bán đảo Nicoya ở Costa Rica
Những người sống ở "vùng xanh" đều có 4 đặc điểm chung.
Đầu tiên, là rất ít ăn thịt. Thay vào đó, họ duy trì chế độ ăn chủ yếu là thực vật với các loại đậu đỗ, hạt, các loại rau họ cải. Chế độ ăn này có một số điểm tương đồng với chế độ ăn Địa Trung Hải (được định nghĩa là chế độ ăn tốt nhất cho năm 2020, theo tờ US News và World Report). Tuy nhiên, chế độ ăn cũng chỉ đảm bảo 50% cho phương trình trường thọ của "vùng xanh".
Ngoài ra, còn có 3 nguyên tắc cốt lõi nữa, giúp duy trì sự sống trong "vùng xanh", đó là:
Di chuyển thường xuyên, cứ khoảng 20 phút một lần
Đến phòng tập gym không phải là truyền thống ở "vùng xanh". Theo Buettner: "Họ không tập thể dục. Thay vào đó, mọi người trong 'vùng xanh' bị thúc di chuyển gần như liên tục trong cả ngày do thói quen, vả lại điều đó cũng là cần thiết. Họ đi bộ, làm việc tay chân cả ngày".
Tại bang Minnesota, quê nhà của Buettner - nơi anh thử nghiệm một "vùng xanh" - anh tin rằng việc đi dạo vào mùa đông hay đào đất, nhổ cỏ, tưới cây vào mùa hè sẽ giúp mình thêm hoạt bát, nhanh nhẹn hơn: "Tôi không có dụng cụ mở cửa garage, tôi mở nó bằng tay. Trong khả năng có thể, tôi sử dụng các công cụ vận hành bằng tay".
Buettner cũng biến không gian trong nhà mình thành một "vùng xanh" thu nhỏ, nơi anh thức dậy và bận rộn ở đó cả ngày. "Tôi đặt phòng TV ở tầng ba, vì vậy mỗi khi muốn ăn nhẹ một chút, tôi sẽ phải đi lên đi xuống cầu thang". Kỹ thuật này là một trong những điều Buettner học được trong quãng thời gian nghiên cứu đời sống ở "vùng xanh".
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng những hoạt động nhỏ như vậy có thể đóng góp quan trọng cho việc tập luyện thể dục nói chung. Một nghiên cứu công bố tháng 1/2019 cho thấy, chỉ 20 giây leo cầu thang đều đặn mỗi ngày cũng là một bài tập giúp cải thiện thể lực tốt. Tác giả nghiên cứu, Martin Gibala nói: "Đó là lời nhắc nhở với mọi người rằng những hoạt động nhỏ cũng có thể đem lại hiệu quả. Chúng có sự cộng dồn theo thời gian".
Sống có mục đích
Ở Nhật Bản, , trong khi ở Costa Rica, thuật ngữ này được gọi là "plan de vida". Các từ này, theo nghĩa đen là lý do để sống, và kế hoạch sống. Cả hai khái niệm này giúp cư dân của "vùng xanh" cảm thấy có lý do để thức dậy và làm những việc mà họ cần phải làm.
Các nghiên cứu cũng cho thấy ý thức về mục đích sống có liên quan đến tình trạng ít bị đột quỵ, đau tim, điều này cũng giống như việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc phòng ngừa.
Một cuộc điều tra năm 2017 của các nhà nghiên cứu Harvard đã kết luận rằng, ý thức về mục đích sống có liên quan đến chức năng thể chất tốt hơn ở người lớn tuổi, bao gồm sức mạnh cầm nắm tốt hơn, đi bộ nhanh hơn.
Đón nhận sự giúp đỡ từ bạn bè
Sức khỏe tốt và hạnh phúc có thể lây nhiễm, và béo phì cũng vậy. Trong "vùng xanh" của Nhật Bản, mọi người thành lập các nhóm xã hội tên gọi "Moai" để giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
"Cha mẹ gom con cái của họ thành nhóm 5 trẻ, sau đó cho chúng sống với nhau", Buettner giải thích trong một video gần đây. Chúng hỗ trợ nhau, cùng chia sẻ với nhau niềm vui và cả phiền muộn trong cuộc sống. Xu hướng này không chỉ có ở người Nhật.
Sống đoàn kết theo nhóm là đặc điểm của những người ở các "vùng xanh". Ảnh: tcmworld. |
Ở Loma Linda, California, những người sống trong "vùng xanh" sẵn sàng chia sẻ với nhau các bữa ăn đạm bạc hơn là gặp nhau tại một cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald.
Buettner đã thử nghiệm tạo ra những dự án vùng xanh ở nhiều nơi tại Mỹ, nơi chính quyền ban hành chính sách để thay đổi các điều kiện sống, như tạo đường đi bộ cho mọi người dễ đi dạo, khuyến khích cộng đồng ăn rau...
"Yếu tố di truyền xác định chúng ta luôn thèm đường, thèm chất béo, muối và nghỉ ngơi bất cứ lúc nào chúng ta có thể. Chúng ta cũng thiết kế cho mình môi trường không phải di chuyển, bạn không thể nào thoát khỏi khoai tây chiên, sodas, pizza, bánh mì kẹp thịt.... ".
Tại các thành phố từ Minnesota đến Texas, Buettner đã giúp thử nghiệm xây dựng những cộng đồng lành mạnh hơn, nơi ưu tiên trái cây, rau xanh hơn là đồ ăn vặt, mọi người thành lập các nhóm đi bộ để cùng nhau giảm cân, bỏ thuốc lá. Tất cả những điều này, theo như Buettner nói, là để tăng thêm số lượng người "trẻ hơn về mặt sinh học", tức là những người cân nặng ít hơn và chịu gặp vấn đề về sức khỏe khi có tuổi.
Thùy Linh (Theo BusinessInsider)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét