Tại ngôi làng ở Quảng Đông, để có vợ, đàn ông phải cầm cố nhà cửa, trao đổi anh chị em, thậm chí là thuê vợ.
Thời điểm hiện tại, có khoảng hơn 30 triệu đàn ông Trung Quốc không lấy được vợ, tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn. Những người đàn ông này có nguy cơ phải sống cả đời trong cô đơn và không con cái.
"Thừa quá nhiều đàn ông đang là một vấn nạn của các vùng nông thôn Trung Quốc. Tình trạng dư thừa này sẽ khiến nam giới không thể kết hôn, gia tăng tội phạm tình dục, bắt cóc phụ nữ và buôn người", ông Bành Đại Tùng, Viện trưởng viện nghiên cứu dân số Đại học Vân Nam cho hay.
Một người đàn ông cầm biển đề: "Tôi muốn tìm một phụ nữ để kết hôn" trên đường phố tại tỉnh Quảng Đông. Ảnh: sohu. |
Ở nhiều nơi tại Trung Quốc, việc bỏ tiền mua vợ trở thành một trào lưu mới khi phụ nữ ngày càng khan hiếm.
Tại các vùng nông thôn, những người nghèo, chưa kết hôn thường được xem là nỗi hổ thẹn cho gia đình và cộng đồng trong một nền văn hóa coi trọng sự giàu có cũng như địa vị xã hội. Bởi vậy, với nhiều người, dù nghèo cũng phải lấy được vợ, kể cả phải cầm cố nhà cửa, ruộng vườn.
Giang Biên là một ngôi làng vùng cao thuộc tỉnh Quảng Đông, những gia đình có con gái ở đây khi đến tuổi cập kê đều đưa ra hàng loạt yêu cầu khắt khe, trong đó mức giá chung để nhận lời cưới là 100.000 tệ (khoảng 320 triệu đồng).
"Đây là giá công khai, chẳng cần giấu giếm của những gia đình có con gái. Có thể tiền được đưa trực tiếp hoặc được quy đổi thành vàng bạc hoặc những thứ có giá trị ngang bằng", một người dân tại làng Giang Biên cho hay.
Với mức giá 100.000 tệ, nhiều gia đình sẽ không đủ tiền lấy vợ cho con, kể cả bán hết của cải trong nhà. Bởi lẽ đó, họ sẽ chọn những cô gái ở những vùng xa xôi hơn như Quý Châu, Hồ Bắc, với mức giá rẻ hơn. Thậm chí là sẽ mua những cô gái người nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước Đông Nam Á, làm nảy sinh hiện tượng buôn bán người.
Tiểu Hoa, một cô gái nước ngoài sống tại làng Giang Biên kể về cuộc hôn nhân của mình:
"Gia đình tôi nghèo, bố bệnh nặng. Để có tiền chữa bệnh cho bố tôi đã nghe lời của một người mai mối để lấy chồng tại Giang Biên. Người đó nói với tôi, gia đình chú rể giàu có, tiền mua cô dâu sẽ đủ để bố tôi chữa bệnh nên tôi đánh liều. Vào ngày cưới, tôi mới biết gia đình chồng rất nghèo. Số tiền họ bỏ ra để mua tôi đều từ vay mượn. Sau ngày cưới, vợ chồng tôi phải nai lưng làm để trả nợ. May mắn gia đình chồng là người tốt, họ yêu thương và quan tâm tới tôi".
Từ trường hợp của Tiểu Hoa, nhiều đàn ông độc thân ở làng Giang Biên đều hy vọng có thể kiếm được người vợ như cô: đảm đang mà giá rẻ. Bởi vậy, họ đã tìm đến những người mai mối mong kiếm được vợ "giá rẻ". Sau Tiểu Hoa, có 8 cô gái nước ngoài cũng được gả tới Giang Biên, tuy nhiên không phải ai cũng được may mắn như cô.
"Nhiều cô gái khi thấy gia cảnh nhà chồng không giống người mai mối nói đã bỏ trốn nhưng sau họ bị bắt lại. Một khi đã được gả về làng này thì dù đi đâu nửa bước cũng bị theo dõi sát sao. Đàn ông ở đây cho rằng, họ đã bỏ tiền ra mua vợ thì vợ phải có trách nhiệm phục tùng nhà chồng vô điều kiện", Tiểu Hoa cho hay.
Chồng của Tiểu Hoa cho hay, để lấy được cô, ông đã phải chi trả rất nhiều tiền cho người mai mối. Tuy nhiên số tiền này kém xa với tiền thách cưới của những hộ có con gái trong làng Giang Biên. Ảnh: cnki. |
Nếu gia đình không đủ tiền"mua" cô dâu thì có thể thực hiện "trao đổi ngang hàng".
Hình thức này đã tồn tại hàng trăm năm trong lịch sử Trung Quốc và đã bị đào thải. Nhưng những năm gần đây "trao đổi ngang hàng" lại xuất hiện trở lại tại các vùng nông thôn.
Hôn nhân "trao đổi ngang hàng" có thể hiểu là người đàn ông trao đổi em gái hoặc chị gái mình với nhà cô dâu - người có em trai hoặc anh trai đang ở tuổi kết hôn - để tạo nên 2 cuộc hôn nhân đối xứng. Loại hôn nhân này có một tên gọi khác là "hôn nhân qua lại".
Ở làng Giang Biên, đã có hai cuộc hôn nhân thành công thông qua việc trao đổi ngang hàng này.
Tiểu Hương và Tiểu Giang lấy nhau thông qua cuộc trao đổi như vậy. Anh trai Tiểu Hương lấy chị gái của Tiểu Giang. Do bố mẹ mất sớm nên anh trai Tiểu Hương rất vất vả để nuôi em gái. Năm 20 tuổi người anh gặp tai nạn nổ mìn nên mất một cánh tay. Để anh có thể lấy được vợ, Tiểu Hương đã chấp nhận lấy Tiểu Giang, tạo thành cuộc hôn nhân tráo đổi hai anh em lấy hai chị em.
"Chị dâu không hề muốn lấy anh trai tôi bởi anh bị tàn tật, nhưng cũng bởi sợ em trai mình không lấy được vợ nên chị đành đồng ý. Tôi cũng phải đồng ý bởi anh trai mình", Tiểu Hương cho biết.
Ngoài trường hợp của Tiểu Hương, tại làng Giang Biên, anh em Lý Nhị và Lan Hoa cũng có cuộc hôn nhân qua lại. Vì gia đình quá nghèo nên Lý Nhị gần 30 tuổi vẫn không lấy được vợ. Trong khi đó Lan Hoa lớn lên lại rất xinh đẹp, nhiều người theo đuổi. Cũng bởi để anh trai lấy được vợ, Lan Hoa phải nghe lời cha mẹ, gật đầu đồng ý một người đàn ông họ Trương - người này có em gái đang tuổi cập kê - để cả hai anh em cùng có thể lập gia đình. Ban đầu Lý Nhị phản đối gay gắt vì sợ em gái khổ, lấy người mình không yêu. Tuy nhiên để lấy được vợ, Lý Nhị cuối cùng cũng đồng ý.
Ở làng Giang Biên, để lấy được người vợ cùng làng, đàn ông độc thân phải chi trả số tiền lên tới 100.000 tệ (khoảng 320 triệu đồng). Ảnh: cnki. |
Ngoài bỏ tiền mua cô dâu hoặc trao đổi ngang hàng, để lấy được vợ, nhiều đàn ông tại làng Giang Biên còn sẵn sàng thuê vợ, dù trong thời gian ngắn.
Tôn Thị là một phụ nữ góa chồng, có hai người con. Từ khi chồng mất dù Tôn cố gắng làm việc nhưng vẫn không đủ tiền nuôi con. Người phụ nữ này bèn ký kết một hợp đồng hôn nhân với người đàn ông họ Mậu - người cùng làng - trong 8 năm với thỏa thuận, ông Mậu phải cung cấp đủ tiền để con Tôn Thị học hành.
Đây là trường hợp đầu tiên ở làng Giang Biên mà người phụ nữ tự cho thuê chính mình để làm vợ của người khác với thời hạn và chi tiết hợp đồng cụ thể.
Trường hợp thứ hai là gia đình của Lão Cao - người đàn ông 50 tuổi độc thân. Lão Cao thời mới lớn từng hẹn hò với một cô gái nhưng họ chia tay vì ông quá nghèo.
Cạnh nhà người đàn ông này có ông Ngô, 40 tuổi, hay cờ bạc, vợ chồng mâu thuẫn thường xuyên. Trong một lần đánh bạc, Ngô thua đậm và phải vay nợ rất nhiều. Không thể kiếm tiền trả nợ, Ngô nảy sinh ý định cho Lão Cao thuê vợ mình với giá 50 tệ mỗi ngày (160.000 đồng), trong thời hạn 10 ngày. Sau khoảng thời gian này, Lão Cao phải trả lại vợ cho Ngô. Tuy nhiên vợ Ngô mới ở nhà Lão Cao được 3 ngày thì Ngô đã đến đòi vợ về. Lão Cao không đồng ý nên hai bên xảy ra xung đột, phải nhờ đội hòa giải của làng đến giải quyết mới êm xuôi.
10 năm trước cũng tại làng Giang Biên, một người chồng họ Trương cũng đã cho thuê vợ mình rồi sinh con cho "người thuê’. Sau đó, gia đình "người thuê" đã chuyển đến nơi khác sinh sống, khiến người mẹ nhiều năm phải đi tìm con trong tuyệt vọng.
"Sự xuất hiện của mô hình hôn nhân như mua vợ, thuê vợ hay trao đổi ngang hàng là kết quả của nghèo đói, thiếu an sinh xã hội và đặc biệt là mất cân bằng giới tính tại các vùng nông thôn Trung Quốc. Hiện những mô hình này đang là giải pháp tạm thời cho hàng triệu đàn ông độc thân không chỉ ở Giang Biên mà khắp Trung Quốc để lấy được vợ và giải quyết nhu cầu sinh lý cơ bản", ông Bành Đại Tùng nói.
Hải Hiền (Theo cnki)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét