Thành 'chúa đảo' sau 11 năm đi khai hoang

Bắc NinhNgày đầu đặt chân đến đảo, anh Linh chắc mẩm đây là đất vàng để lập nghiệp, còn vợ anh quả quyết "canh bạc này chưa đánh đã biết thua". 

Giữa trưa, thấy có người hỏi thăm chồng, vợ anh Nguyễn Văn Linh chỉ tay về cái chấm nhỏ xa xa đang chuyển động trên cánh đồng xanh mướt. "Anh ấy vẫn đang lái máy cày. Sáng giờ mới được chục đường cày nên cố thêm". Nói rồi, chị bốc điện thoại gọi cho chồng về tiếp khách. Cùng làm một chỗ, nhưng đất rộng mênh mông nên chị Tám chỉ gặp chồng vào bữa cơm và lúc đi, về. Mười một năm trồng trọt trên nửa diện tích của "hòn đảo" rộng hơn 80 hécta này, nhưng nhiều chỗ, họ chưa đặt chân đến.

Bãi Nguyệt Bàn thuộc bến Bình Than, xã Cao Sơn, Gia Bình, Bắc Ninh, thường được ví như một ốc đảo, vì nằm trọn ở ngã ba sông Đuống và sông Thái Bình. Cách đây 11 năm, nó chỉ là một bãi đất hoang. Dân trong xã muốn sang, phải chèo đò. Trồng được cây ngô, cây sắn, mùa nước lớn, sông đều "nuốt chửng". Dân chán nản, bỏ đảo cho lau, sậy cao quá đầu người.

Bãi Nguyệt Bàn nhìn từ bản đồ vệ tinh, nằm giữa hai nhánh của sông Đuống và sông Thái Bình, là nơi giáp ranh giữa Bắc Ninh và Hải Dương. Diện tích hợp tác xã của gia đình anh Linh chiếm một nửa bãi này.

Bãi Nguyệt Bàn trên ảnh vệ tinh, nằm giữa hai nhánh của sông Đuống và sông Thái Bình, là nơi giáp ranh giữa Bắc Ninh và Hải Dương. Diện tích hợp tác xã của gia đình anh Linh chiếm một nửa bãi này.

Cách đảo hơn 20 km, ở Cẩm Giàng, Hải Dương là nhà anh Linh, một người buôn vật liệu xây dựng khấm khá ở làng. Một lần, Linh theo bạn lên đảo bắn chim. Trong lúc bạn bè hăm hở tỏa đi tìm "mục tiêu", Linh ngẩn người vì tiếc "cỏ tốt là đất tốt, sao lại bỏ không thế này". 

Tối về, anh bàn với vợ thuê đất ở đảo trồng cà rốt. Chị Hà Thị Tám, 40 tuổi, giãy nảy: "Có hơn hai mẫu cà rốt tôi làm còn không xuể, giờ làm gấp 80 lần để chết à. Anh bỏ tiền ra đảo hoang làm ăn, khác gì mang rải xuống sông Đuống". Linh cười khề khề, "múa" tay bảo vợ "Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm". Chị Tám bật cười, nghĩ chồng nói xong bỏ đấy.

Còn anh âm thầm bàn với một người em hùn vốn lên bãi Nguyệt Bàn khởi nghiệp. Vay mượn được hơn 30 cây vàng, họ chạy xe máy hướng thẳng về bến Bình Than. Linh nhờ trưởng thôn mở cuộc họp với chủ đất, thương thảo giá thuê. Đất đang bỏ không, được thuê lại với giá chỉ hơn 100 nghìn đồng mỗi sào, ai cũng hoan hỉ. 

Ngay ngày hôm sau, Linh chèo đò, chở dân trong xã sang phát lau, sậy, trả công 30 nghìn đồng/ngày. Anh gọi máy xúc, máy ủi đến san lấp mặt bằng, lập dự án, lên tỉnh xin được cấp phép lập bến phà. Khúc sông vốn vắng lặng, giờ mặt nước lúc nào cũng dập dềnh.

"Tôi mua hai cái máy cày chở bằng phà qua sông. Đi được một đoạn thì suýt lật, phải ghé chỗ nước nông, thả một cái xuống", anh Linh kể. Chưa lái máy cày bao giờ, nhưng Linh tự mày mò hơn một ngày thì dùng được. Nhân công làm 8 tiếng, còn anh thức đến gần sáng phát cỏ, san lấp mặt bằng. Chỉ vài tuần, đôi tay anh nổi mười cục u chai sạn.

Ở nhà, chị Tám u sầu khi thấy chồng từ một người chăm chỉ, đột nhiên... thích đi chơi. "Cứ sểnh ra là anh ấy đi. Có khi đi một buổi, có hôm đi tối không thấy về nhà. Tôi hỏi đi đâu, anh ấy bảo 'ta đi bắn chim'", vợ Linh cười nhớ lại. Quan hệ vợ chồng rơi vào căng thẳng. Chị Tám gay gắt trách móc chồng, nhưng anh Linh "cứ mặc kệ hắn". Bất lực, chị đổi chiến thuật sang khóc lóc, nhưng anh vắng nhà nhiều hơn. 

Hiện tại, vợ chồng anh Linh ngày lên đảo làm việc, tối chạy xe về Hải Dương. Vì là vùng phân lũ, nên không được phép xây dựng trên đảo. Ảnh: Phạm Nga.

Hiện tại, vợ chồng anh Linh ngày lên đảo làm việc, tối chạy xe về Hải Dương. Vì  đảo là vùng phân lũ, nên không được phép xây dựng nhà ở đây. Ảnh: Phạm Nga.

Hơn hai tháng sau, thấy công việc đã hòm hòm, anh bảo vợ "Ta mua đất trồng cà rốt trên đảo, ngồi lên đây, chở đi xem". Đến nơi, vợ Linh choáng váng vì đứng bên này, nhìn mãi không thấy đầu bên kia, thi thoảng lại thấp thoáng vài cái đầm lầy, điện, nước không có. Hóa ra anh đã thuê cả nửa "hòn đảo".

Chị toan bỏ về, thì một người làm công bảo: "Sao chú ấy vất vả ngày đêm ở đây mà giờ cô mới đến. Đất giờ đẹp rồi, hồi đầu, cỏ mọc cao gấp đôi cô". Quay lại nhìn chồng, thấy anh vốn trắng trẻo, béo tốt giờ gầy sọp, da sạm nắng, lòng chị dịu lại. 

Hôm đó, anh Linh bảo vợ nhặt 3 viên gạch, nhóm bếp nấu cơm, thắp đèn ăn giữa đảo. Rửa bát ngoài bờ sông xong, chị Tám bỏ hết vào nồi, đậy kín rồi chôn xuống đất như lời chồng dặn, vì sợ mất. Những ngày sau, họ dựng lán để có làm muộn thì ngủ lại qua đêm.

Năm 2008, vợ chồng anh Linh và người em gieo trồng vụ cà rốt đầu tiên. Hạt mới nảy mầm, nước lũ tràn về cuốn trắng băng. Thấy vợ buồn, anh Linh động viên "đâu sẽ có đó". Nước rút, họ lại cày bừa, vun luống để gieo hạt. Lần này, cây cà rốt thành hình, sau một đêm mưa đã chìm trong nước. 

Đến lần gieo hạt thứ ba, củ cà rốt bằng ngón tay cái thì nước sông nhấn chìm "ốc đảo". Nước dâng đến đâu, chị Tám ngồi khóc đến đấy. Từ 49 kg, chị sụt còn hơn 30 kg. Chị buồn, phần vì lo nợ, phần vì chồng vẫn lì lợm: "Học lũy thừa rồi còn gì, chỗ thừa sẽ bù chỗ thiếu, làm ăn phải có lúc này lúc khác".

Hiện tại, mỗi ngày, phà có 4 lần cập bến, vào các giờ sáng, trưa, chiều, tối, để nhân công từ xã Cao Sơn lên đảo làm việc. Gia đình anh Linh tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 nhân công, với thu nhập khoảng 5 triệu/người/tháng. Ảnh: Phạm Nga.

Gia đình anh Linh tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 nhân công ở xã Cao Sơn, thu nhập khoảng 5 triệu/người mỗi tháng. Hàng ngày, có 4 chuyến phà đưa các công nhân này ra đảo làm việc. Ảnh: Phạm Nga.

Người em làm cùng thấy ba lần gieo hạt đều không cho củ, nhượng lại đất cho anh chị để lên bờ. Anh Linh cũng lên, nhưng để mò đến nhà dân quanh đó dò hỏi tình hình ở đảo.

Nghe kể chục năm mới ngập lụt nặng một lần, anh về bảo vợ "mùa sau sẽ có lãi". Năm sau, Linh mua thêm các loại giống cây như ngô, dưa hấu, củ cải về trồng. Gần đến mùa mưa, vợ chồng anh chỉ trồng cây ngắn ngày như rau xanh, dưa lê... Mỗi năm, anh "nghỉ hè" hẳn hai tháng mưa lớn. Sau gần hai năm lên đảo, vợ chồng anh có thu nhập.

Ngày cày cuốc trên đồng, đêm Linh mày mò sách báo để nâng cao kỹ thuật trồng trọt. Khoảng ba năm sau ngày Linh lên đảo, người dân Cao Sơn bắt đầu cải tạo nửa phần đảo bỏ hoang còn lại để trồng cà rốt. Sáng sáng, đi qua phần đất hoang, thấy lau, sậy nhường chỗ cho cây cà rốt, Linh vừa mừng vừa lo.

"Nhiều người làm thế này, nếu mình không làm khác đi, giá sẽ rớt thảm", anh trăn trở. Linh giao lại cơ ngơi cho vợ quản lý, "cắp sách bút" đến các diễn đàn doanh nghiệp, gặp chuyên gia nông nghiệp để học hỏi. Được giới thiệu về mô hình trồng cà rốt, củ cải theo công nghệ Nhật Bản, Hàn Quốc, Linh liền bay sang nước bạn học hỏi. 

Làm chủ, có thu nhập khoảng 5 tỷ đồng mỗi năm, nhưng anh Linh luôn sát sao bên các ruộng rau củ như mọi công nhân khác. của hợp tác xã. Ảnh: Phạm Nga.

Anh Linh kiểm tra tốc độ phát triển của cà rốt vụ thu đông này. Ảnh: Phạm Nga.

Năm 2015, anh nhượng một phần nhỏ đất đảo cho họ hàng thuê lại, thành lập hợp tác xã để dễ làm ăn với "đồng nghiệp quốc tế". Sản phẩm chưa thu hoạch đã có đầu ra, giá đã chốt nên anh không lo thị trường biến động. Hiện anh kết hợp với doanh nghiệp Hàn Quốc trồng và bao tiêu củ cải đường trên diện tích 4 hécta.

"Đất ven sông là đất pha cát, các loại củ trồng ở đây rất to, mịn, ăn thơm. Quy mô hợp tác xã của anh Linh lớn và chuyên nghiệp nên chúng tôi quyết định chọn hợp tác. Phải công nhận, dân ở đây gọi anh ấy là 'chúa đảo' không sai. Anh ấy có tầm nhìn rất tốt và thật sự táo bạo", anh Đỗ Văn Tuấn, đại diện của doanh nghiệp Hàn Quốc đang hợp tác với anh Linh nói. 

Thời tiết biến động nên củ cải Hàn Quốc trồng trên đảo nhiều lần phải "nhổ lên gieo lại". Tuy lo lắng, nhưng chị Tám giờ đã tin tưởng tuyệt đối vào câu "chuyện đâu còn có đó" của chồng. Nông sản từ đảo mang về cho gia đình anh Linh lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng mỗi năm. Tháng 10 vừa qua, "chúa đảo" được bình chọn là nông dân tiêu biểu của cả nước năm 2019.

Năm 2017, một cây cầu đã được dựng lên, nối bãi Nguyệt Bàn và xã Cao Sơn, giúp việc làm ăn của hợp tác xã thuận lợi hơn. Tối tối, thay vì chèo đò chở vợ qua sông như ngày đầu, anh Linh đưa đón chị Tám bằng xe bốn bánh. Đường lên đảo còn xóc, trơn trượt, nhưng anh tin, chỉ cần kiên trì, chăm chỉ, lối đi nào rồi cũng sẽ bằng phẳng, thênh thang.

Phạm Nga

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét