Nhiều người miền trong nói đùa rằng, ra miền Bắc sống giống như ra nước ngoài vì khác biệt cả về ngôn ngữ lẫn văn hóa.
Võ Duy Tân (25 tuổi, quê Quảng Ngãi) là nhân sự cấp cao của công ty truyền thông tại Malaysia, đã có 4 năm học đại học ở Hà Nội.
"Trước khi ra thì trong nhà dặn phải để ý lời ăn tiếng nói vì người miền Bắc rất ý tứ. Quả thật là như vậy, không những ý tứ, giọng điệu của họ cũng bình thản. Cũng nhờ thế mà sau thời gian ở ngoài này mình có thêm sự chừng mực trong ăn nói", Tân kể.
Nét văn hóa của người miền Bắc mang đậm tính truyền thống và lễ nghĩa so với người miền trong. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Người Bắc có thói quen ăn sẽ mời cơm cả nhà, kể cả những người có mặt ở đó mà không ăn. Trong khi ở quê Quảng Ngãi của Tân, chỉ ai đang ngồi ăn mới mời. Do vậy, mới đến chơi nhà người bạn Hà Nội, cậu đã bị nhắc khéo. Dần dần, thay vì hấp tấp cầm đũa, cậu chậm rãi mời từng người. Đến giờ, khi đã ra nước ngoài làm việc, cậu vẫn giữ thói quen đó.
Câu của miền Bắc đủ chủ ngữ vị ngữ, và có từ "ạ" cuối câu. Nhiều khi Tân nói trống không như ở quê nên bị nhận những cái nhăn mặt đầy khó hiểu. Sau để chắc ăn, anh thêm hết "ạ" ở cuối câu như "chào buổi sáng ạ", "mày ăn chưa ạ"...
Nguyễn Sơn (27 tuổi, TP HCM, nhiếp ảnh gia) ra Hà Nội được một năm cũng hiểu được nhiều nét văn hóa của người miền Bắc trong những bữa ăn, đặc biệt ở trong những buổi tiệc cưới.
"Đám cưới ở Sài Gòn, mình ăn một bữa nhà trai hay nhà gái là xong. Còn ở đây ăn 2,3 ngày luôn. Mới đầu mình ra nói giọng Nam pha Bắc bị đớ và nhanh nên mọi người khó hiểu, xin cái chén ăn cơm họ đưa cái ly, sau mới biết phải xin cái bát mới đúng".
Điều anh ấn tượng nhất là phong cách xưng hô của người miền Bắc. Họ thể hiện tình cảm khắng khít nhiều hơn người miền Nam. Dù gặp ai lớn hay bé họ đều xưng "anh" trước rồi sau đó giới thiệu mới phân vai vế.
Người miền Nam ra Bắc vẫn thường nhầm lẫn giữa cái ly và cái chén. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Chị Vũ Hồng Hạnh (36 tuổi, nhà tuyển dụng tại một công ty truyền thông), chia sẻ, "mình từ miền Nam ra Bắc lấy chồng, bố mẹ chồng dặn ra đường gặp ai cũng phải chào. Nghĩ trong đầu ra đường gặp bao nhiêu người thì chắc chào không nổi. Rồi chào thì phải chào to không người ta nói mình bất lịch sự".
Từ TP HCM theo chồng ra Hải Dương 2 năm qua, chị Hạnh vẫn chưa thể chào hỏi nhanh nhảu như những người xung quanh. Thế nhưng, khi về quê nhà, chị vẫn giữ thói quen "chào từ nhà ra ngõ", khiến nhiều hàng xóm bất ngờ không kịp chào lại.
Nỗi nhớ ẩm thực nhiều khi khiến chị man mác buồn. Chị cho biết, cà phê và bánh mì là hai thứ rất phổ biến ở miền Nam. Còn ở miền Bắc tìm bánh mì thịt buổi sáng và quán cà phê lê la khó như tìm trà đá và phở ở TP HCM. Người miền Bắc không hảo ngọt và ăn vặt, nên muốn tìm một ly chè ngon hay một gói bánh tráng trộn, chị phải đi cách nhà khá xa.
Tố Trinh (30 tuổi, nhân viên ngân hàng, quê Quảng Nam), ở Hà Nội hơn một năm, kể có lần chị với một người bạn Hà Nội đi mua nấm mèo, hỏi cả chợ không ai biết đó là món gì. Chị mô tả với người bán đó là món hay xắt nhỏ làm "ram". Giải thích cho ai cũng lắc đầu, sau đó chị phải tự vào quầy tìm. Thì ra, "nấm mèo" chị muốn mua chính là mộc nhĩ, còn "ram" chính là nem rán.
Người miền Bắc chuộng trà đá vỉa hè như một món 'đặc sản'. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Chị Trinh cho rằng rắc rối của mình với người miền Bắc xuất phát từ ngôn ngữ nhiều hơn là khác biệt văn hóa. "Mỗi lần có việc gì là cứ cuống lên chạy qua chỗ sếp 'chết choa, chừ làm ren đây anh'. Sếp nghe không hiểu gì luôn, dần dần rồi cũng quen mà. Mọi người bảo giọng miền Trung chất phác thiệt thà đó", chị cười xòa kể lại.
Thời gian mới ra Hà Nội, bà mẹ một con cảm thấy như chuyển qua một đất nước khác. Trên truyền hình, chị Trinh thấy biên tập viên thời sự nói dễ nghe, nhưng ra ngoài mới biết giọng địa phương không hề đơn giản. Ngay cả lúc chị đi mua đồ ở tạp hóa cũng khó khăn vì nói số 4, số 1 hay chữ "dao", chữ "lăn"...là một thử thách.
Thế nhưng, chỉ trong nửa năm, chị đã có thể dùng giọng miền Bắc khi đi chợ hay mua sắm nhờ bắt chước trên tivi. Còn đi làm chị vẫn nói tiếng Quảng.
Trọng Nghĩa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét