Lớp võ Aikido miễn phí giành cho người khuyết tật nằm trên tầng 3, Nhà thiếu nhi quận Phú Nhuận (TP HCM). Được mẹ đưa đến lớp, cậu bé Hoàng Tiến (9 tuổi) chậm rãi bò rồi vịn lan can cầu thang vào lớp. Bám sát con, thấy bé mấy lần lảo đảo, chị Châu Mỹ Tuyến lo con ngã, nhưng không động vào, mà cứ để bé tự đi.
"Bé mới vịn đi hơn hai tháng nay thôi. Trước đó, cháu chỉ nằm một chỗ. Đi đâu cũng phải có người cõng, bế", người mẹ 28 tuổi (quận Tân Phú, TP HCM) cho biết.
Để được đến ngày hôm nay là hành trình gian khổ của cả gia đình. Chị sinh Tiến năm 2009, cậu bé bụ bẫm, ít quấy khóc. Tuy nhiên, 18 tháng tuổi em không biết bò, ngồi, đứng hay ê a như trẻ bình thường. Đưa con đi khám, cầm tờ kết quả Tiến bị bại não, hai chi dưới yếu, chị Tuyến cùng chồng vô cùng bàng hoàng. "Từ bệnh viện về nhà, vợ bế con ngồi sau, tôi chạy xe mà nước mắt cứ chảy vì thương con", anh Hoàng Tùng, chồng chị Tuyến nhớ lại.
Chị Tuyến cho biết, ngày 2/11 vừa qua, Tiến đòi đi nhà hàng để được ăn gà rán, mỳ ý, đồng ý chụp hình cùng với mẹ. Ảnh: NVCC. |
Để tập trung chữa bệnh cho con, chị Tuyến tạm dừng việc học năm hai sư phạm. Anh Tùng đá lạnh thuê, thu nhập không đáng là bao, nhưng họ vẫn quyết định bán hết đồ đạc, đưa con đi gõ cửa khắp nơi, từ bệnh viện đến phương pháp dân gian, tập vật lý trị liệu, bấm huyệt, đăng ký cho con học lớp chuyên biệt của người khuyết tật..., tất cả đều vô hiệu. 7 tuổi, Tiến như một đứa trẻ sơ sinh, nằm một chỗ, nhút nhát, gặp người lạ là sợ, khóc thét.
Chưa hết, cứ trái gió trở trời là Tiến bệnh, phải nằm bệnh viện cả tháng. Tiền không có, các vật dụng trong nhà cũng ra đi hết, anh Tùng phải mang chứng minh thư của hai vợ chồng đi cắm nhiều lần, mỗi lần lấy 500 ngàn lo cho con. "Từ năm 2009 - 2014, tháng nào tôi cũng mang đi cắm chứng minh thư, lãnh lương là chuộc về rồi đi cắm lại", anh Tùng nhớ lại.
Đầu năm 2016, chị Tuyến đưa con đến nhà thiếu nhi để đỡ buồn, tiện xem có lớp phù hợp. Hôm đó, võ sư Lê Hoàng Mai có lớp dạy võ Aikido tại đây. Nhìn người mẹ buồn rầu cõng cậu con nằm đuội trên lưng đi cầu thang bộ, ông đến hỏi thăm thì biết tình hình của Tiến và quyết định nhận dạy miễn phí cho em.
"Em tôi cũng bị khuyết tật như Tiến. Mẹ tôi đã rất vất vả để chăm em. Nhìn chị Tuyến cõng con trên lưng, tôi nhớ đến hình ảnh của mẹ, một người phụ nữ tần tảo, vất vả và khổ tâm vì con", võ sư Mai nói và quyết định mở lớp dạy võ miễn phí cho người khuyết tật từ đó.
Tuần 4 lần, Tiến được dạy bò, tập với gậy, dây thừng để luyện cơ tay, chân, giữ được bình tĩnh, cảm nhận được sự tĩnh lặng. Cậu cũng được xóa bóp, bấm huyệt và nắn xương.
Vài tháng đầu tập với võ sư, Tiến chủ yếu là bò. Ảnh: Phan Thân. |
Đoạn đường từ nhà đến lớp 10 km, nhưng vì Tiến ngồi không vững nên chị Tuyến phải địu con sau xe đưa đến lớp. "Tuần đầu tiên, con khóc thét, nhất định bắt mẹ đưa về. Tuần thứ hai, con mới chịu ngồi chơi, quan sát các bạn tập. Dùng dằng cả tháng con mới chịu để các giáo viên hướng dẫn tập vận động, tập bò, nhưng di chuyển được một tý con lại ngã nhào, mặt úp xuống đất", chị Tuyến nhớ lại.
Về nhà, chị Tuyến cùng chồng tập cho con bò khắp nhà, leo lên cầu thang. Một tháng sau, Tiến bò được. Ban đầu, Tiến chỉ bò một vòng khắp nhà, sau tăng lên thành hai vòng, ba vòng đến bò suốt 2 giờ liền. Lý giải về việc cho học viên bò, võ sư Mai cho biết, bò sẽ giúp con người giải tỏa năng lượng, vận động toàn cơ thể, tiết mồ hôi, nhất là các bé khuyết tật như Tiến. "Các học viên học với tôi, em nào cũng phải bò", ông Mai nói.
Sau hai năm, Tiến đã tự đứng dậy được mà không cần ai dìu đỡ. "Lần đầu tiên con tự đứng lên là khoảng hai tháng trước. Hôm đó đang bò, cái quần bị tuột, con phải đứng dậy kéo lên. Cả tôi và các thầy cô giáo ai cũng òa lên vì vui", chị Tuyến xúc động kể.
Hơn hai tháng nay, Tiến đã tự đứng dậy được, tự làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo. Võ sư Mai (đứng sau) vô cùng hạnh phúc khi thấy học trò tiến triển từng ngày. Ảnh: P.T. |
Hiện Tiến được các thầy cô dạy tập đi bằng giá đỡ, vịn vào tường hoặc vào người khác. Người mẹ hy vọng tương lai xa Tiến sẽ đi được.
Võ sư Mai cho biết, bé Tiến là học viên anh rất tự hào và cũng là nguồn động lực để anh mở lớp dạy võ miễn phí cho người khuyết tật từ tháng 6/2016 đến nay. Hiện lớp có 14 em bị down, tự kỉ, khuyết tật...
"Tiến tự đứng lên được là do vận động nhiều, các cơ phát triển linh hoạt và kích thích đến não. Để đi được cần có thời gian và kiên trì, nhưng tôi tin em sẽ tự đi bằng đôi chân của mình", ông Mai nói. Ông cũng cho biết, ngoài Tiến, lớp có một em bị liệt tay chân, não phát triển chậm, nhờ tập luyện mà cứng cáp và bò được.
Song song việc tập đi, Tiến cũng được mẹ dạy nhận biết màu sắc, chữ số, chữ cái, gọi tên mọi người trong nhà. "Con cứ học trước quên sau. Tôi phải dạy mỗi ngày một ít, tranh thủ lúc cháu vui, tập trung nhất", chị kể.
Anh Tùng, được người thân hỗ trợ vốn, năm 2016 đã mở được một cơ sở sản xuất đá lạnh, còn chị Tuyết cũng học xong đại học, làm giáo viên dạy sử. Niềm vui đó lớn, nhưng không bằng việc họ nhìn thấy con trai phát triển từng ngày. "Con đọc được ba chữ cái a, b, c, đếm từ một đến ba, hiểu được mình nói gì, gọi tên được bố mẹ, ông bà rồi. Vui lắm. Với tôi, đó là kỳ tích", chị Tuyến chia sẻ.
"Hai cha con ra ngoài, tôi hay đùa, để ba cõng con, vài năm nữa ba già rồi không làm được nhưng con nhất định không cho, đòi tự lập", giọng anh Tùng hồ hởi.
Phan Thân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét