Anh Hùng ghi lên tấm bảng giữa nhà thu nhập của mình và các khoản cần chi trong tháng để vợ và 3 con cùng thực hiện.
Làm việc tại Bưu điện Trung tâm TP HCM, mỗi tháng, anh Hùng nhận lương khoảng 8-9 triệu đồng. Vợ bị bệnh thoái hóa xương khớp, nghỉ ở nhà đã 5 năm nay, một mình anh lo cho cả gia đình. Ba con gái anh đều vẫn cần bố chăm lo, cô út học lớp 10, con thứ hai đang học đại học, còn cô con gái đầu bị động kinh, trí tuệ kém phát triển do ảnh hưởng chất độc da cam từ bên ngoại.
Làm việc theo ca, từ 2h chiều tới 10h đêm, anh Hùng tận dụng thời gian buổi sáng để nhận máy tính về sửa chữa và dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn cho gia đình trong ngày. Thu nhập làm thêm mỗi tháng của anh được khoảng 3-4 triệu.
Cũng như sắp xếp các công việc nhà, trong chi tiêu, anh luôn thực hiện nguyên tắc có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng và ưu tiên những thứ quan trọng nhất làm trước.
Anh Hùng và ba con gái. Ông bố này cho biết, vì ngân sách gia đình eo hẹp nên gia đình anh thường tập trung lo các nhu cầu cơ bản nên thi thoảng mới có dịp đưa vợ con đi chơi, ở những nơi không quá xa Sài Gòn. |
Cụ thể, anh chia thu nhập ra từng mục nhỏ: Tiền sinh hoạt; tiền đóng học cho hai con, tiền thuốc thang cho vợ, con; tiền dự phòng các trường hợp đột xuất và tiết kiệm. Tất cả các khoản này, anh ghi rõ lên một tấm bảng trong nhà để các con biết. "Cách này vừa giúp tụi nhỏ học về việc cân đối thu chi và biết rõ hoàn cảnh gia đình để thêm biết quý trọng đồng tiền, không chi tiêu hoang phí. Cả hai cháu đều rất thương ba và biết cân nhắc kỹ mỗi khi muốn mua món đồ nào đó. Ngoài lúc đi học, các cháu đều chăm chỉ phụ ba làm việc nhà và chưa bao giờ đòi hỏi mua sắm những thứ không phục vụ việc học hành hay nhu cầu cơ bản", anh Hùng chia sẻ.
Mỗi ngày, tiền ăn của gia đình anh giới hạn trong khoảng 100-150 nghìn đồng. Tiền đóng học cho các con được anh thực hiện gọn luôn từ đầu năm học, bạn lớn hơn 7 triệu đồng, bạn nhỏ ít hơn một chút. Ngoài ra, cô con gái đang học đại học mỗi tháng có thêm một khoản hơn một triệu để ăn trưa và đi xe bus.
Tháng nào anh cũng gửi tiết kiệm 2-3 triệu đồng theo hình thức tiết kiệm gửi góp. "Thường khoản này được món to to là lại có việc cần lo, như năm thì vợ nằm viện suốt mấy tháng, năm thì mổ cận thị cho con gái thứ hai...", anh Hùng chia sẻ.
Ngoài ra, vì là lao động chính, duy nhất trong nhà, 8 năm trước, anh Hùng đã tính đến chuyện mua bảo hiểm cho bản thân, đề phòng "mình có rủi ro gì thì vợ con vẫn không sao".
"Trước khi mua bảo hiểm, tôi cũng nghiên cứu kỹ tìm loại phù hợp. Cuối cùng quyết định mua bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm tai nạn", anh kể. Bảo hiểm nhân thọ mỗi năm đóng 6 triệu, anh sẽ chi luôn khi nhận lương tháng thứ 13. "Tết tôi thường được thưởng hơn 10 triệu, sau khi đóng bảo hiểm rồi vẫn còn đủ lo cho cả nhà một cái Tết tươm tất", anh Hùng nói.
Bảo hiểm tai nạn mỗi tháng sẽ trừ luôn 120.000 đồng từ khoản lương của anh. "Tính ra thì mỗi ngày chỉ cần bớt lại một ly cà phê đá là đủ, trong khi có nó, nhỡ mình bị tai nạn, mỗi ngày nằm viện sẽ được trợ cấp mất thu nhập 300.000 nghìn đồng (ngoài khoản viện phí đã có bảo hiểm y tế chi trả), còn rủi hơn, mình có nằm xuống thì các con cũng được một khoản để trang trải. Cuộc sống đừng tính lúc nào cũng thuận lợi, mà phải lo cả khi hoạn nạn", người đàn ông 50 tuổi chia sẻ.
Ngoài việc lo cho gia đình, mỗi năm, anh Hùng vẫn cùng bạn bè vận động làm từ thiện cho các bệnh viện tại TP HCM. "Khoản đó cũng chẳng tốn kém bao nhiêu, có khi mỗi tháng, tôi cứ mua ít xà phòng, kem đánh răng, đồ khô... rồi tặng lại các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong bệnh viện, hay cùng bạn bè góp tiền, mua tặng các bệnh nhân tâm thần chiếc TV... Những việc nhỏ đó vừa khiến mình vui, lòng thanh thản mà cũng là cách tích phúc cho con cái", anh bày tỏ.
Vương Linh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét