Điều gì tạo nên một người đàn ông đích thực? Trong khi Trung Quốc đang dấy lên tranh cãi về việc nhiều nam giới trong ngành giải trí ngày càng xuất hiện với vẻ "nữ tính", một học viện ở Bắc Kinh đã ra đời với sứ mệnh "giải cứu các bé trai".
Sau 6 năm kể từ khi thành lập, Câu lạc bộ Các bé trai này đã nhận khoảng 20.000 trẻ nam tuổi từ 5 tới 12. Bố mẹ các em hy vọng con trai mình sẽ được đào tạo để vượt qua những vấn đề như lười biếng, nhút nhát, béo phì hay mè nheo khóc lóc.
Tang Haiyan, người sáng lập học viện này nói với Global Times rằng các bé trai nên biết gánh vác trách nhiệm, bồi đắp khả năng đương đầu với các trường hợp khẩn cấp và có thể chất khỏe khoắn. Ông cho rằng, ngày nay, đàn ông không còn ra dáng đàn ông nữa.
Một nhóm trẻ tại khóa huấn luyện các bé trai trong trại hè 2018 tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: GLOBAL TIMES. |
Tờ giới thiệu về chương trình giảng dạy của trường còn viết: "Hiện tượng các bé trai tuổi teen mong manh, yếu đuối ngày càng phổ biến. Cán bộ lớp và những học sinh tốp đầu hầu hết là các bạn gái. Trẻ trai đang trở nên thiếu tự tin, quyết đoán, kém năng lực và thậm chí chẳng có ước mơ".
Một bà mẹ tên Zhao đã gửi con trai 9 tuổi đến học viện để chơi đá bóng và các hoạt động nặng khác, hầu hết vào cuối tuần và suốt mùa hè hay những ngày nghỉ mùa đông từ năm 2016. Chị kể con trai mình đã trở nên độc lập và biết cách tự chăm sóc bản thân hơn trước. "Trừ lúc ốm, cháu không bao giờ bỏ buổi học nào ở trung tâm huấn luyện", bà mẹ kể.
Theo chị Zhao, vẻ ngoài không phải là yếu tố chính để đánh giá một người. Điều quan trọng nhất với một bé trai là sự mạnh mẽ và nam tính trong tính cách. Sức khỏe thể chất cũng cần được ưu tiên.
"Một số bố mẹ mong ước con trai họ sẽ khỏe mạnh hơn sau khóa huấn luyện. Một số khác gửi con tới để sửa các thói quen xấu...", nhà sáng lập Tang nói.
Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự khen ngợi các khóa huấn luyện tại học viện, sự biết ơn các giáo viên đã giúp con họ có những thay đổi đáng kể, trở thành những cậu bé mạnh mẽ, khác hẳn hình ảnh nhỏ nhẹ ban đầu, sau khi tham gia loạt hoạt động tốn kém hàng ngàn nhân dân tệ học phí tại đây.
Trong các buổi học, các cậu bé thường phải rèn các bài tập như trong quân ngũ, theo thời khóa biểu nghiêm ngặt. Trẻ phải tập các tư thế của người lính, dọn giường, hát các bài ca chiến đấu và tham gia những hoạt động như đấu vật, kéo co, tập võ, đá bóng.
Sự chứng tỏ sự nam tính
Khi các cậu bé tham gia những hoạt động này, bố mẹ không được theo kèm. Trẻ được yêu cầu phải đọc một bản "khẳng định lòng dũng cảm" trước khi bắt đầu vào lớp: "Đàn ông cần biết bảo vệ đất nước, danh dự và những ước mơ của mình. Đàn ông cần tự tin, chuyên cần, nỗ lực để trở thành người tử tế, chân thành. Đàn ông cần biết kiểm soát cảm xúc, ngôn ngữ và hành vi của bản thân. Đàn ông phải đạt được thành công và vinh quang".
Ông Tang tin rằng học viện của mình giúp đào tạo sự nam tính mà hầu hết các cậu bé Trung Quốc đang thiếu. Ở nhà, mẹ thường là người ở bên con nhiều nhất và nuôi dạy trẻ. Ở trường, hầu hết các giáo viên cũng là nữ. Vì thế, ông chỉ thuê giáo viên nam và tin rằng những người này có thể làm hình mẫu cho các cậu bé.
Tang nói giáo dục thiên về thi cử ở Trung Quốc đang phớt lờ những khác biệt về giới khi chỉ yêu cầu học sinh đạt điểm cao.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, cần được tôn trọng sự khác biệt. "Bắt trẻ tham gia các lớp học kiểu này có thể phản tác dụng, khiến các em chống đối. Thói quen tốt cần rèn lâu, không thể ngày một ngày hai mà thành", một bà mẹ họ Liu có con trai 7 tuổi, bày tỏ.
Peng Xiaohui, một chuyên gia về giới tính - tình dục tại Đại học sư phạm Hoa Trung cho rằng, người Trung Quốc nên nhìn nhận hiện tượng đàn ông thiếu nam tính hay ẻo lả ở bức tranh rộng hơn. "Chúng ta tôn trọng những khác biệt về tính cách. Sự thiếu nam tính, nếu là một phần của tính cách một người, thì cũng không đáng bị chỉ trích", giáo sư Peng nói.
Vương Linh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét