5 giờ 30 sáng, sau tiếng hô "dậy nào!" của cô Dung, những đứa trẻ mắt nhắm mắt mở gấp chăn vuông góc, dọn dẹp phản ngủ. Vài đứa vạ vật nằm chổng mông lên tấm chăn hy vọng ngủ thêm được vài phút, nhưng bị những đứa khác lấy chăn kéo ra, đầu va xuống đất nghe cộp. Những đứa tỏ ra siêng năng nhưng đi không mở mắt, đầu lại đâm vào tường, hay đi qua đi lại tự đụng vào nhau.
Cô Dung dành thời gian mỗi ngày để trò chuyện với từng em nhỏ, giúp các em nói nhiều hơn. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Lê Kim Dung, (25 tuổi, quê Nghệ An), làm việc ở trung tâm đặc biệt này đã được hơn 4 năm. Trước khi trở thành người huấn luyện cho trẻ tự kỷ, cô từng là một chuyên viên media có cuộc sống ổn định. Năm 2014, cô tham quan trung tâm giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng của tiến sĩ Phan Quốc Việt, được nghe những định hướng giáo dục của ông, cô tin tưởng nên muốn theo.
Vào đây, Dung học cách đi xe một bánh, đội chai, đứng trên con lăn và tung bóng cho thuần thục, rồi dạy lại các em nhỏ. Cứ 3 tháng cô lại nhận một đợt trò mới, gồm 3 em.
Trung tâm hiện có khoảng 50 trẻ mắc tự kỷ, tăng động, trầm cảm... đến từ khắp tỉnh thành. Tiến sĩ Phan Quốc Việt, giám đốc trung tâm, cho biết bản chất của trẻ tự kỷ là không thể tập trung, không ý thức, vì não bộ không có nhiều xung thần kinh. Ông và cộng sự tin rằng vận động toàn bộ các nhóm cơ sẽ kích thích noron thần kinh của trẻ, đến khi trẻ có thể cùng lúc làm 4 kĩ thuật (nhất thể) thì thần kinh trung ương sẽ hoạt động bình thường. Họ đã áp dụng liệu pháp này vài năm nay.
|
Năm đầu tiên vào trung tâm, Dung từng có khoảng thời gian dài ám ảnh vì những cuộc gọi từ gia đình, kịch liệt phản đối cô ở đây. Nhiều đêm cô không ngủ được vì buồn bã và cả vì học viên quấy phá. Trẻ tự kỷ luôn thích gây sự chú ý, tuy nhiên ngôn ngữ duy nhất là đập phá, la hét, hoặc hành hạ bản thân.
Những ngày đầu tiếp xúc với các em, một đêm Dung dậy không dưới 4-5 lần. Những đứa trẻ đi qua đi lại như người mộng du. Những tiếng thét khe khẽ đến lớn dần khiến người lạ không khỏi sởn da gà.
“Có những bạn bị động kinh, một đêm có thể lên cơn vài lần. Một vài bạn có xu hướng đập phá, tự làm đau mình như cắn tay, cắn chân, đập đầu vào tường...Tôi chỉ cần để điện thoại sơ hở đã bị các bạn cắn nát. Nguy hiểm hơn, có những bạn còn cắn cả thủy tinh để nuốt vào bụng”, cô gái trẻ kể.
Vì tính chất công việc có phần khá nguy hiểm, nên thậm chí Dung cùng những giáo viên khác ở đây đôi khi còn phải đội mũ bảo hiểm trong khi ngủ. Phải mất gần một năm, cô mới cảm thấy an tâm và hòa nhập.
Sấy tóc cho cả đàn trẻ tự kỷ là công việc gần cuối mỗi ngày của cô Dung, sau khi lũ trẻ, dù lớn đến bé, tắm xong. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
"Cộng đồng này sống với nhau như một gia đình thực thụ, các giáo viên gọi học sinh là con, xưng bố, mẹ, nên rất yêu thương nhau và khó xa nhau được", tiến sĩ Việt chia sẻ.
Công việc hàng ngày của "mẹ Dung" là cùng hơn 10 giáo viên khác cho hơn 40 đứa trẻ tập xe đạp, tập tung bóng. Sau đó là nấu cơm, rửa chén, giặt giũ, tắm rửa... cho tụi nhỏ. "Người ta nghĩ đơn giản chúng tôi chỉ dạy xiếc, nhưng ở đây, các bạn được vui chơi, được khen, được tự hào với chính bản thân", Dung nói.
Trẻ tự kỷ đều có sức khỏe yếu, hay có những bệnh kèm theo như gan hoặc động kinh. Dung cho tụi trẻ đi chân đất, đầu trần để tăng khả năng miễn dịch.
"Có những bạn đi học bị coi thường, khinh miệt, nhưng vào đây lại trở thành người giỏi nhất. Như bạn Phong lúc mới đến hay tự đánh vào đầu mình khiến đầu lúc nào cũng sưng tấy, nhưng giờ đã rất vui vẻ. Chỉ trong vòng 3 tháng, hành vi đã hoàn toàn bình thường", ánh mắt cô gái trẻ ngời sáng khi nói về thành quả của các em.
Giáo viên Nguyễn Văn Thịnh (19 tuổi, quê Bắc Ninh) tự hào kể về đồng nghiệp: "Trong khi tất cả nghỉ sau bữa ăn thì chị Dung rửa bát, mọi người ngủ chưa dậy đã nghe tiếng chị ấy quét nhà. Thương nhất là khi bị các con thụi đau điếng, chị vẫn nhẫn nại".
Đều đặn, mỗi tối, Dung tập cho từng bạn hát karaoke, không sót một ai. "Cứ tập cho các bạn nói đến khi nào được thì thôi. Bọn trẻ không phải không biết nói, mà không muốn nói. Mình tin mình làm được, và cũng nhắn nhủ với phụ huynh là con họ làm được”, cô tâm sự.
Học viên lâu nhất mà Dung gắn bó là cô bé Hà Chi, 9 tuổi, bị tự kỷ. Cô bé từ TPHCM ra đây từ năm ngoái, có ngày lên cơn co giật đến 10 lần, khiến cơ thể yếu, không thể vận động được. Có thời gian Dung phải mặc đồ bảo hộ lao động cho bé để tập luyện cho an toàn. Hàng giờ đồng hồ, cô đỡ cho Chi ngồi trên xe đạp một bánh, tập đến khi tay cô run rẩy không thể cầm chén ăn cơm.
Chị Đỗ Thủy Cúc (44 tuổi, mẹ bé Chi), chia sẻ, "nhìn thấy con bây giờ có thể vận động được, nắm tay mẹ dạo chơi, tôi thấy con gái mình đến đây với cô Dung và các thầy cô khác là điều kỳ diệu. Trước đây ở nhà, không vừa ý là con cáu gắt, đánh mọi người. Giờ con vui cười và biết yêu thương, ôm các bạn thắm thiết dù mới xa vài ngày mà nước mắt tôi rơm rớm".
Với học viên Hà Chi, Dung mất 8 tháng để huấn luyện bé ngồi lên được xe đạp một bánh. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Công việc của Dung và đồng nghiệp không phải lúc nào cũng được yên bình. Đa số học viên đều đang ở độ tuổi dậy thì, nên chỉ có các thầy mới có thể mạnh mẽ xử lý đa số những rắc rối.
“Những trường hợp trẻ tới cơn, không thể kiểm soát, đánh giáo viên là chuyện thường ngày, có lúc phải tới 4-5 thầy lao vào trấn áp. Nhưng những bạn học viên có sở thích sờ soạng mới là điều khiến tôi sợ phát khóc, phải nhờ các thầy dùng biện pháp cứng rắn mới thuyên giảm”, Dung chia sẻ.
Tiến sĩ Phan Quốc Việt nhận xét "phải hết lòng vì các con thì mới mong làm những việc khác được tốt. Cô Dung thực sự tin tưởng vào phương pháp của tôi, thực sự kiên trì với các con, mới có thể ở lại đến ngày hôm nay".
Hôm 20/10 vừa qua, Dung làm một clip phỏng vấn các học viên với câu hỏi “20/10 là ngày gì” và nhận được những câu trả lời “khó đỡ”. Nào là "Ngày của người cao tuổi", đứa thì trả lời là "Tết trung thu".
“Tất cả trẻ khi mới vào trung tâm chỉ biết ú ớ và la hét. Vậy nên những câu trả lời đáng yêu như thế này là kết quả của 4 năm nỗ lực, là nụ cười mãn nguyện sau những giọt nước mắt, cũng là động lực để mình đồng hành cùng các bé lâu dài”, Dung nói.
9 giờ 30 tối, sau khi một mình sấy tóc cho 40 học viên, Dung lại phải đi kéo từng bạn nhỏ về chỗ ngủ. Đứa lủi trong góc nhà, đứa lang thang đâu đó trong vườn, có đứa nằm “giả chết” khiến cô phải cắn răng gồng mình lôi về giường. Những tiếng la hét vẫn còn đó, nhưng đã ít đi, có vài đứa trẻ vẫn vật vờ trong bóng tối, nhưng đã thôi tự đánh mình, không còn đánh người khác.
Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển về nhiều mặt, chủ yếu là rối loạn về kỹ năng quan hệ xã hội, giao tiếp bằng lời nói và hành vi bất thường. Người tự kỷ không có giao tiếp, tương tác xã hội với những người khác, do vậy, sự phát triển mọi mặt về tâm lý và xã hội đều hạn chế.
Hiện có nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây tự kỷ, nhưng vẫn chưa được các nhà khoa học kết luận một cách toàn diện, đầy đủ. Ở Việt Nam có nhiều trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ, với các phương pháp khác biệt.
Trọng Nghĩa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét