Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Thành Nhân, 30 tuổi, sống tại TP HCM về lý do anh luôn cố gắng cân bằng giữa việc kiếm tiền - hưởng thụ và tiết kiệm:
Tôi 30 tuổi, còn độc thân, là một du học sinh đã tốt nghiệp và về nước. Tôi làm việc tự do suốt 10 năm qua. Từ năm 20 tuổi, khi là sinh viên, tôi đã kiếm việc làm thêm. Lúc về nước, năm 2010, tôi đã tiết kiệm được khoảng 150 triệu.
Cứ thế chịu khó tiếp tục làm công việc ưa thích, đến năm 2013, trong tay tôi có khoảng 1,2 tỉ và bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tìm trên mạng, thấy một lời mời góp vốn với cơ hội sinh lời vô cùng hấp dẫn, tôi quyết định đặt tiền vào. Thế nhưng, sau một thời gian, tôi phát hiện mình bị lừa và cuối cùng trong tay còn lại khoảng 70 triệu. Toàn bộ số tiền làm ăn từ thời sinh viên đến năm 2013 phút chốc bay sạch.
Sau đó, tôi nhờ công an can thiệp và vụ việc kéo dài trong hơn 3 năm, đến giữa năm 2016 tôi mới may mắn lấy lại được khoảng một tỷ (coi như tôi đã mất tầm 400 triệu tính cả tiền lãi trong 3 năm). Dù rất tiếc nhưng sau này tôi nghiệm ra là trên đường đời có lẽ ai cũng sẽ mất một ít tiền gọi là "học phí cuộc đời" - thứ mà nhà trường không dạy cho chúng ta bao giờ. Cũng vì bài học đau thương bị lừa mà giờ đây tôi đã khôn lớn và trưởng thành hơn rất nhiều. Ngẫm lại tôi thấy mình có một phần may mắn khi bị lừa vào thời tuổi trẻ. Tôi biết có những người gần 50, 60 tuổi mà bị lừa hết cả gia sản, không còn cơ hội làm lại. Cũng vì từng bị lừa, tôi làm gì cũng thận trọng, nghiên cứu kỹ càng và không còn bốc đồng.
Ảnh minh họa: The Cheat Sheet. |
Tuy mới 30 tuổi nhưng tôi bắt đầu nhận ra rất nhiều chân lý, ví dụ "không cho trứng vào chung giỏ". Từ hồi bị lừa, tôi vẫn miệt mài làm việc theo chuyên ngành của mình và tiền kiếm được chia làm nhiều phần để đầu tư như mua chung cư cho thuê, đầu tư chứng khoán, gửi tiết kiệm, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện... Hiện tại, tôi vẫn đang tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư tiếp trong tầm kiểm soát.
Cuối năm ngoái, tạm tổng kết, tôi đã mua được một căn chung cư cao cấp trị giá 3,4 tỷ để cho thuê, không vay ngân hàng, có một số lượng cổ phiếu kha khá, sổ tiết kiệm, vẫn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng vì tôi làm tự do.
Chân lý thứ 2 tôi nhận ra sau vụ lừa là đời người vô thường, nay sống mai chết, lên xuống không biết thế nào nên ngoài tiết kiệm đầu tư thì tôi vẫn để dành ra một phần tiền để đi du lịch trong và ngoài nước. Phần hưởng thụ này là tốn kém nhất, đặc biệt là ra nước ngoài như Âu, Mỹ, còn những nhu cầu khác như ẩm thực, xem phim, cafe bạn bè, mua sắm vật dụng thì tôi không bàn tới.
Ngôi nhà có thể sụp đổ, tiền có thể bị cướp nhưng nếu tiêu cho du lịch và các thứ hưởng thụ thì đó mãi là tài sản gắn liền với tâm trí của chúng ta, không ai có thể cướp được. Đó còn là những hồi ức, kỷ niệm đẹp. Nhìn xung quanh, tôi thấy mỗi người có ý kiến, quan niệm sống khác nhau. Có người cả cuộc đời chỉ chăm chỉ làm ăn, tiêu không dám tiêu, mặc không dám mặc. Có người sẵn sàng dành tất cả số tiền kiếm được để hưởng thụ với chân lý "đời có bao lâu mà hững hờ".
Tôi nghĩ khác. Tôi tâm đắc với câu nói "người biết sử dụng tiền là người vô cùng hạnh phúc vì anh ta có cả 2 thú vui là tiết kiệm và tiêu tiền". Tiêu hết số tiền kiếm được, vậy nhỡ "Thần Chết" mãi không đến gọi chúng ta thì sao? Tôi thấy làm mãi rồi cũng chán, chơi mãi rồi cũng nhàm nên tùy khả năng của mỗi người mà mức độ Làm - Nghỉ - Ăn - Chơi khác nhau, chứ đừng chỉ biết làm hay chỉ ham chơi.
Tôi không phê phán cách sống của mỗi người nhưng tôi nghĩ con đường mình đi sẽ vững chắc hơn nếu đi đến đâu đổ bê tông đến đó. Không thể cứ làm mãi rồi chết không kịp tiêu và không thể cứ kiếm được tiền là chỉ muốn hưởng thụ cho bằng sạch. Cá nhân tôi thấy hạnh phúc là vừa làm ra tiền vừa tiêu tiền, vừa tiết kiệm vừa hưởng thụ.
Thành Nhân
Chuyên viên hoạch định tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê, (TP HCM) cho rằng, anh Thành Nhân gần như đã đạt đến mục tiêu tự do tài chính nên không khó để chi tiêu, hưởng thụ từ thu nhập thụ động. Nói là "gần như" vì nếu sắp tới anh lập gia đình và có con thì mức chi tiêu tăng lên và khi đó cần cân đối lại các khoản chi. Những người đạt được điều này sớm thường có kiến thức tốt về quản lý tài chính, giỏi kiếm tiền và giữ tiền, biết cân bằng giữa thu - chi, tiết kiệm và hưởng thụ. Nhiều người kiếm được nhiều mà không cẩn thận thì dễ bị kích thích tiêu nhiều, quên đi phần tích luỹ. Để an toàn về tài chính và xác định khi nào có thể hưởng thụ và ở mức độ nào, bạn có thể dựa trên nguyên tắc 6 cái lọ: Chia khoản thu nhập thành các phần: nhu cầu thiết yếu (55%), giáo dục (10%), hưởng thụ (10%), tự do tài chính (10%), tự do dài hạn (10%), giúp đỡ người khác (5%). Tùy từng hoàn cảnh để áp dụng nguyên tắc này, không nên bê nguyên si. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét