TP Tokyo có hàng chục nghìn nhà hàng nhưng dân văn phòng chỉ muốn chi 3 USD cho buổi trưa.
Sarariman là thuật ngữ chỉ những người làm việc văn phòng, thường xuyên ăn trưa gần nơi làm việc. Họ đang chọn bữa trưa rẻ và đa dạng món nhất để làm no bụng, trong bối cảnh giá cả và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Sau hai thập kỷ giảm giá tiêu dùng, Nhật Bản đang phải thích nghi với việc giá cả tăng lên do chuỗi cung ứng bị tác động kéo dài sau Covid-19.
Mặc dù Nhật Bản đã tránh khỏi mức lạm phát cao nhưng các hộ gia đình vẫn phải thắt lưng buộc bụng. Các sarariman cũng không ngoại lệ, họ phải tiết kiệm phần lớn tiền phụ cấp hàng tháng dành cho những buổi uống bia sau giờ làm mang tính chất bắt buộc với đồng nghiệp.
Năm 2021, giá thịt bò nhập khẩu tăng cao khiến lần đầu sau 7 năm, chuỗi nhà hàng Yoshinoya buộc phải tăng giá món cơm bò mà dân văn phòng thường xuyên ăn. Dù vậy, giá hơn 3 USD một tô vẫn được cho là mức thấp.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Nhật Bản diễn ra với 30.000 mặt hàng thực phẩm tăng giá trong năm 2023.
Khảo sát dịch vụ cho vay Lendex có trụ sở tại Tokyo cho thấy gần nửa số nhân viên văn phòng độ tuổi 20-50 chi ít hơn 3,38 USD cho bữa trưa của họ. Khảo sát bao gồm những người mang theo cơm nhà đi làm. Có 22,6% người chấp nhận ăn "bữa trưa một xu", tức thấp đến mức tối thiểu để vượt qua buổi chiều.
Khảo sát của nền tảng thanh toán điện tử Edenred cho thấy 40% dân công sở đã hạn chế chi phí ăn trưa, trong khi 70% người nói đã từ bỏ món ăn yêu thích để tiết kiệm tiền.
Ở một vài con phố thuộc TP Tokyo, bữa trưa như mì ramen, mì soba và cà ri đều đáp ứng tiêu chí giá dưới 3,38 USD, thậm chí đã bao gồm 10% thuế. Chúng đủ no để dân công sở làm việc đến tối.
Ngọc Ngân (Theo The Guardian)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét