Trung QuốcCuộc sống nghỉ hưu trong túp lều cheo leo bên vách đá ở tỉnh Quý Châu của Liu Youwen, 21 tuổi, đang trở thành hình mẫu của nhiều người trẻ.
Ba năm trước, chàng trai 21 tuổi này rời quê đến Quảng Đông hòa vào dòng người di cư từ các vùng nông thôn. Nhưng không có bằng trung học nên anh khó kiếm việc làm. Liu bị nhiều nhà máy từ chối, đành chấp nhận làm thợ sửa xe. Cuối cùng, anh xin được làm công nhân xây dựng, sau chuyển sang xưởng quần áo.
Cuối 2022, Liu vỡ mộng cuộc sống thành thị, quyết định nghỉ làm và trở về ngọn đồi ở quê Quý Châu sống cùng hai chú chó tên Lucky và Flower, mặc lời can ngăn của gia đình.
"Tôi không có thời gian cho riêng mình khi phải làm việc từ 8h đến 20h ở nhà máy", Liu nói. "Giờ đây tôi thức dậy với tiếng chim hót".
Sự thất vọng của Liu cũng giống như sự thất vọng của giới trẻ Trung Quốc khi thị trường việc làm trở nên khắc nghiệt và áp lực.
Theo Cục Thống kê Quốc gia vào tháng 6/2023, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc ở các đô thị đạt mức cao kỷ lục 21,3%. Trước tình hình này, chính quyền Quảng Đông đã lên kết hoạch đưa 300.000 thanh niên thất nghiệp về nông thôn tìm việc làm.
Ban đầu, cha mẹ Liu lo lắng cuộc sống một mình giữa vách núi của anh nên đã lắp đặt camera quan sát. Lều không có điện nên anh lắp nhiều tấm pin mặt trời để sạc điện thoại quay video. Anh ghi lại cảnh mình trồng bắp cải, tỏi, khoai lang, chơi đùa và cắt rau cho lợn ăn. "Tôi không cảm thấy cô đơn", Liu nói.
Tháng 9/2023, cuộc sống của Liu đã thu hút 350.000 người theo dõi trên mạng xã hội. Họ gọi anh là "Gen Z về hưu" do rút khỏi thị trường lao động, trong khi những người thuộc thế hệ 8X vẫn đang đi làm.
Liu không phải là trường hợp duy nhất. Li Ziqi, một YouTuber có 18 triệu người theo dõi cũng đã từng gây chú ý bởi những video về cuộc sống vùng núi.
Vlogger Dianxi Xiaoge chuyên nội dung ẩm thực quay ở ngôi làng phía tây tỉnh Vân Nam cũng thành công với kênh mạng xã hội 10 triệu người theo dõi. Một cặp "Gen Z về hưu" khác là Xiao Chun Zi và Xin Xin ở tỉnh Tứ Xuyên cũng đang xây dựng nội dung tương tự Liu.
Tuy nhiên, họ cũng vấp phải không ít chỉ trích từ cộng đồng mạng. Các Gen Z sớm nghỉ việc đã bị gọi là tangping - thế hệ "nằm phẳng". Đây là xu hướng phổ biến ở giới trẻ từ năm 2021, kêu gọi mặc kệ và từ bỏ những áp lực xã hội như mua nhà, kết hôn, sinh con. Họ đơn giản hóa cuộc sống và đi ngược lại với nhóm lao động truyền thống, chăm chỉ làm việc để đạt được mục tiêu.
Liu đã chứng minh ngược lại cho những người chỉ trích mình.
"Tôi không đồng ý ai nói mình thuộc thế hệ nằm yên", anh nói. "Tôi đã tự xây nhà, cuộc sống trên núi không hề dễ dàng hơn so với làm việc ở thành phố".
Anh lồng quảng cáo sản phẩm như kem dưỡng da tay, sữa rửa mặt, mì gói... để có thêm thu nhập để duy trì cuộc sống nông thôn. Trong tương lai, Liu muốn nuôi thêm đàn gà để anh lấy thịt và bán qua mạng xã hội.
Liu nói anh khuyến khích những người trẻ chuyển đến nông thôn để bắt đầu kinh doanh.
"Cuộc sống ở vùng núi tốt hơn nhiều so với thành phố, nơi mà ngay cả nước uống cũng tốn tiền", anh nói.
Ngọc Ngân (Theo CNN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét