Edible Cities (Thành phố ăn được) là mạng lưới 150 thành phố khắp thế giới áp dụng sáng kiến trồng cây ăn quả và rau trên đất công cộng, để dân thu hoạch miễn phí.
Năm 2010, thị trấn Andernach (Đức) trồng 101 loại cà chua ở nơi công cộng để người dân hái bất kỳ loại nào họ muốn. Thấy lợi ích mang lại, năm sau thành phố trồng đậu. Năm sau nữa họ trồng hành tây, tiếp đến là cây ăn quả, rau diếp, bí xanh, quả mọng và các loại thảo mộc. Tất cả rau củ đều miễn phí cho 30.000 người dân của thị trấn nằm ở thung lũng sông Rhine.
Tại Mỹ, có những vùng đất công cộng từ Seattle đến Bắc Carolina, người dân được hoan nghênh hái rau quả miễn phí.
Những người thực hiện dự án trồng rau quả miễn phí cho biết, chưa bao giờ có tình trạng người dân lấy nhiều hơn mức họ cần, dù là quả lê, túi khoai tây hay atisô. Mỗi năm, lượng rau củ trồng được đủ đáp ứng nhu cầu của dân khắp nơi.
"Người dân ở đây rất tự hào khi nói chuyện về thành phố cho hái rau trái miễn phí", Bettina Schneider, 29 tuổi, điều phối viên nhóm thực hiện dự án ở Andernach, nói.
Cô cho biết, khi khu vườn công cộng và vườn cây ăn quả cho người dân dùng miễn phí của thị trấn Andernach đi vào hoạt động năm 2010, các thành phố khác ở Đức và khắp Liên minh châu Âu cũng hưởng ứng thêm. Giờ đây, mạng lưới các "thành phố ăn được" đã được Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của Liên minh Châu Âu tài trợ.
Hiện nay, ở Acdernach, một con hào thời trung cổ đã được bao phủ bởi những cây đào, hạnh nhân, lê. Những khoảng đất trống gần trường học được cải tạo thành những vạt rau cộng đồng.
Theo Marisa Pettit, điều phối viên mạng lưới "thành phố ăn được", một số thành phố được tài trợ "phòng thí nghiệm sống", là không gian xanh để cư dân tổ chức các sự kiện cộng đồng và phát triển kế hoạch riêng, giúp khu vườn đô thị phát triển và cho thu hoạch bội thu.
"Mạng lưới hiện hỗ trợ một khu vườn cộng đồng ở Cuba. Ngoài ra, các thành phố ở Trung Quốc, Tunisia, Togo và Uruguay cũng đang phát triển kế hoạch xây dựng các khu rừng thực phẩm đô thị", Ina Säumel, điều tra viên chính của mạng lưới, cho biết.
Theo Säumel, khi nhiệt độ Trái Đất tăng và các thành phố đông đúc, không gian thiên nhiên cộng cộng vô cùng quý giá. Edible Cities cũng đang khuyến khích người dân tham gia vào chăm sóc cây quả ở các công viên đô thị, thay vì chỉ thụ hưởng.
Nhiều thành phố ở Mỹ cũng có những dự án tương tự. Detroit có phong trào nông nghiệp đô thị, Philadelphia có rừng lương thực, ở Atlanta và Los Angeles có các dự án cộng đồng nơi người dân được hái rau quả miễn phí. Tất cả đều được vận hành nhờ các tình nguyện viên làm cỏ, cắt tỉa và trồng cây. Các thành phố nhỏ hơn như Bloomington, Ind., Hyattsville,... cũng có những vườn rau ai cũng được ăn miễn phí.
Lynx Bergdahl, một nhà tổ chức cộng đồng tại Bountiful Cities, một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết tại một công viên trồng cây quả miễn phí ở Asheville, Bắc Carolina, người dân có thể thu hoạch bất cứ thứ gì họ thích từ 40 loại cây ăn quả.
"Ai cũng có thể lấy thứ họ muốn, dù một quả táo hay cả giỏ. Đây là cách loại bỏ rào cản, tạo quyền tiếp cận thực phẩm cộng đồng", Bergdahl nói.
Năm 2012, khu phố Beacon Hill, ở Seattle, một con dốc lớn và trống trải bên cạnh một công viên công cộng đã biến thành một khu vườn sinh động, nơi người dân có thể hái rau trái về ăn.
Elise Evans, một trong những tình nguyện viên của dự án, cho biết Rừng thực phẩm Beacon là khu vườn công cộng đa dạng, mở cửa cho bất kỳ ai muốn vào.
"Chúng tôi có 7 mẫu Anh (hơn 28.000m2) để trồng và chúng tôi đã sử dụng khoảng một nửa diện tích. Rừng có 1.000 loại cây trái và đều cho hái miễn phí", Evans nói.
Nhật Minh (Theo Washingtonpost)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét